Quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản 'tăng nhiệt' căng thẳng

Những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục 'nóng' lên sau khi cả hai nước đều có những động thái và phát biểu khá cứng rắn, bảo vệ lập trường của mình.

Tại cuộc họp của Hội đồng Thương mại Hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sỹ ngày 9/7, Đại sứ Paik Ji-ah của Hàn Quốc đã phản đối việc Nhật Bản quyết định kiềm chế hoạt động xuất khẩu vật liệu sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị sang nước này.
Thông báo đưa ra sau đó của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết bà Paik cũng lấy làm tiếc rằng biện pháp này đã được công bố ngay sau khi Nhật Bản, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka hồi cuối tháng Sáu vừa qua, nhấn mạnh đến việc bảo đảm hoạt động thương mại tự do và công bằng tại hội nghị này.
Đại sứ Paik cũng kêu gọi Nhật Bản giải thích rõ ràng lý do đằng sau các lệnh hạn chế xuất khẩu và rút chúng lại kịp thời.

Bà cho rằng tuyên bố của Nhật Bản về “sự xói mòn lòng tin” giữa hai nước không thể là lí do hợp lý theo quy định của WTO.
Kể từ ngày 4/7, Nhật Bản đã bắt đầu siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và chip sang thị trường Hàn Quốc.

Các nguyên liệu bị hạn chế là nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh, và chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (high-purity hydrogen fluoride (HF)) được sử dụng làm khí ăn mòn (etching gas) trong sản xuất chất bán dẫn.

Theo các chuyên gia trong ngày, Chính phủ Nhật Bản sẽ cần tới 90 ngày để xem xét những đề nghị xuất khẩu 3 vật liệu trên sang Hàn Quốc.
Trong khi phủ nhận rằng biện pháp kiểm soát thương mại có liên quan đến vấn đề lao động ép buộc trong giai đoạn chiến tranh trước đây, các quan chức Tokyo đã có những chỉ dấu hàm ý rằng niềm tin song phương đang suy yếu, cùng với các rủi ro an ninh tiềm ẩn liên quan đến xuất khẩu những sản phẩm hóa chất, là lý do cho động thái mới đây của họ.
Theo Tokyo, các quy định nghiêm ngặt của họ đối với việc xuất khẩu các nguyên liệu trên đến Hàn Quốc một phần là do nước này nghi ngờ hydro florua xuất sang Hàn Quốc có thể đã được đưa vào CHDCND Triều Tiên, qua đó vi phạm lệnh cấm vận mà Liên hợp quốc (LHQ) đang áp lên nước này.
Sau khi Nhật Bản đưa ra cáo buộc trên, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nói trong một cuộc họp báo rằng Seoul không tìm thấy bằng chứng nào về việc chuyển hydro florua nhập khẩu từ Nhật Bản được vận chuyển sang bất kỳ quốc gia nào bị LHQ trừng phạt, kể cả Triều Tiên.

Bộ trưởng Sung Yun-mo nói rằng Nhật Bản nên chia sẻ các căn cứ cho những cáo buộc như vậy thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố không có cơ sở.
Bên cạnh đó, ông Sung Yun-mo cũng cho biết Hàn Quốc đang nỗ lực tổ chức một cuộc gặp với phía Nhật Bản vào ngày thứ Sáu (12/7) về vấn đề này, mặc dù những thông tin cụ thể về các thành phần tham gia cuộc họp chưa được xác định rõ ràng.
Giữa lúc những nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao song phương chưa đạt được kết quả nào, Hàn Quốc dường như đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ, để chống lại biện pháp thương mại của Nhật Bản.
Dự kiến, các quan chức phụ trách vấn đề hợp tác kinh tế của Hàn Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau vào thứ Năm tuần này (theo giờ Washington).

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp là để chuẩn bị cho các cuộc tham vấn kinh tế cấp cao giữa Seoul và Washington vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc dự kiến cũng sẽ đề cập đến những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản.

H.Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/quan-he-han-quoc-va-nhat-ban-tang-nhiet-cang-thang/127640.html