Quan hệ châu Âu-Trung Quốc ra sao nếu Thủ tướng Đức Merkel rời nhiệm sở?

Trung Quốc đang chuẩn bị cho tương lai không có Thủ tướng Đức Angela Merkel để xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với châu Âu khi mà quan hệ ngoại giao trên thế giới có nhiều biến động.

Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại Đức năm 2017. Ảnh: AFP

Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại Đức năm 2017. Ảnh: AFP

Thủ tướng Merkel dự kiến rời nhiệm sở vào năm 2021 sau hơn 15 năm nắm giữ vị trí này. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết việc bà Merkel không còn là thủ tướng sẽ khiến quan hệ hợp tác giữa châu Âu với Bắc Kinh chấm dứt.

Tại thời điểm này, Trung Quốc chờ đợi xem người kế nhiệm bà Merkel có quan điểm xây dựng quan hệ thân thiết hơn với Mỹ hay không.

Ông Cui Hongjian tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc đánh giá Bắc Kinh cần thích nghi với những thay đổi có thể xảy ra trong mối quan hệ với Đức và Liên minh châu Âu (EU) thời kỳ “hậu Merkel”.

Ông nói: “Hiện chưa rõ liệu người kế nhiệm bà Merkel có duy trì hợp tác với Trung Quốc hoặc ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thân thiết hơn hay không”.

“Với cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc hiện nay, Đức phải đối mặt lựa chọn khó khăn hơn. Nhưng lãnh đạo mới của Đức cần cẩn trọng, không nên quên đi lịch sử lâu dài của nước này trong hợp tác với Trung Quốc hoặc vội vã đưa ra bất cứ quyết định nào”.

Trong khi đó, ông Shi Zhiqin tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh phân tích rằng với vai trò thủ tướng, bà Merkel khá thực tế trong cư xử với quốc gia đông dân nhất trên thế giới.

Ông nói: “Trong số lãnh đạo các quốc gia châu Âu, bà Merkel là người tôn trọng mối quan hệ với Trung Quốc nhất. Trong những năm đầu, bà Merkel chịu ảnh hưởng bởi các nhà hoạt động nhân quyền và nhà tư tưởng tại Đức. Nhưng qua nhiều năm, bà dần hình thành phương pháp thực tiễn hơn, bắt nguồn từ quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Đức”.

Khi bà Merkel làm thủ tướng năm 2005, thương mại hai chiều giữa Đức và Trung Quốc là 69,1 tỷ USD. Đến năm 2019, con số này tăng gấp ba lên 232,7 tỷ USD. Bà Merkel trong vai trò thủ tướng cũng đã đến thăm Trung Quốc nhiều lần.

Khi mối quan hệ với Mỹ căng thẳng trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường cam kết với châu Âu. Riêng trong năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm với bà Merkel tới bốn lần. Đức không phải là quốc gia châu Âu duy nhất mà Chủ tịch Tập Cận Bình chú ý tới.

Ông Mikko Huotari tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức cho biết Bắc Kinh đang theo dõi sát sao tiến triển chính trị tại Đức trước thềm bầu cử năm 2021 đồng thời tăng cường quan hệ với những quốc gia châu Âu khác.

Trong năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron 5 lần. Ông Huotari nhận định: “Trung Quốc đã đặt mọi hy vọng vào Đức và trong tương lai sẽ không còn như vậy”.

Cũng theo ông Huotari, bầu cử tổng thống Mỹ đóng vai trò quan trọng cho thấy mối quan hệ Đức-Trung Quốc có thể đi tới đâu.

Căng thẳng giữa Mỹ và Đức đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Trump bước chân vào Nhà Trắng. Trong thời gian gần đây, căng thẳng này lại leo thang.

Vào đầu tháng 6, Thủ tướng Merkel từ chối lời mời của Tổng thống Trump đến Washington dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Ngày 10/6, một người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Đức xác nhận rằng Mỹ đang cân nhắc đưa hàng nghìn binh sĩ nước này rời Đức.

Nhà phân tích Tim Ruhlig tại Viện Vấn đề Quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển) nói rằng nếu căng thẳng có thể giải quyết thì đây không phải là tin tốt lành đối với Bắc Kinh. Ông Tim Ruhlig nói: “Nếu hợp tác xuyên Đại Tây Dương trở lại đúng đường, tôi thấy Đức và nhiều quốc gia khác hướng tới cải thiện mối quan hệ với Mỹ thay vì Trung Quốc”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quan-he-chau-autrung-quoc-ra-sao-neu-thu-tuong-duc-merkel-roi-nhiem-so-20200615112928223.htm