Quan hệ Belarus-EU khủng hoảng: Đúng ý Tổng thống Putin?

EU sẽ phải đứng trước lựa chọn cắt đứt mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Belarus, và điều này tất nhiên sẽ càng đẩy Belarus về phía Nga và hoàn toàn phù hợp với tính toán của ông Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. (Nguồn: AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. (Nguồn: AP)

Ngày 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko về việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa 2 nước trong bối cảnh Minsk đang đối đầu gay gắt với Liên minh châu Âu (EU) sau khi Belarus yêu cầu một máy bay chở khách chuyển hướng để Minsk bắt giữ một nhà báo bất đồng chính kiến.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang ngày càng bị cô lập sau vụ việc chuyển hướng máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) này.

Các nhà lãnh đạo EU tố cáo đây là hành vi không tặc và đáp trả bằng cách "cấm cửa" các máy bay của Belarus. Trong ngày 27/5, các ngoại trưởng EU đã phác thảo các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào ngành công nghiệp Kali sinh lời cùng nhiều lĩnh vực đem lại nguồn thu khác của Belarus.

Gần càng thêm gần

Mở đầu cuộc hội đàm tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen với người đồng cấp Putin hôm 29/5, Tổng thống Lukashenko đã nhắc đến các lệnh trừng phạt của EU, mô tả đây là nỗ lực nhằm kích động các cuộc biểu tình của phe đối lập sau khi ông tái đắc cử vào tháng 8/2002, sự kiện bị nhiều người bác bỏ vì cho là có gian lận.

Theo AP, nhà lãnh đạo Nga tỏ ra khá thông cảm với người đồng cấp Belarus khi nhắc lại sự cố năm 2013, vụ máy bay riêng chở Tổng thống Bolivia Evo Morales hạ cánh xuống Vienna sau khi một số quốc gia châu Âu từ chối chấp nhận máy bay này đi qua không phận của họ do cho rằng Edward Snowden, người đã làm rò rỉ thông tin mật của chính phủ Mỹ, ở trên máy bay.

Các quan chức Áo và Bolivia đã mâu thuẫn gay gắt về việc có được khám xét máy bay này hay không trước khi hành trình được nối lại.

Cuộc tranh cãi về việc chuyển hướng chiếc máy bay của hãng Ryanair đã khiến ông Lukashenko, người liên tục phải đối mặt với thách thức kiềm chế làn sóng bất đồng chính kiến trong suốt hơn 1/4 thế kỷ cầm quyền, càng thêm gần gũi hơn với đồng minh và nhà tài trợ chính là Nga.

Hai quốc gia thuộc Liên Xô trước đây này đã ký một hiệp định nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn về chính trị, kinh tế và quân sự, song chưa tới mức mở đường cho việc sáp nhập Belarus vào Nga.

Nga hậu thuẫn nền kinh tế Belarus với nguồn cung năng lượng giá rẻ và các khoản cho vay, nhưng mối quan hệ thường trở nên căng thẳng với việc ông Lukashenko không hài lòng khi Moscow yêu cầu Minsk từ bỏ việc kiểm soát các tài sản kinh tế có giá trị và xa hơn là từ bỏ nền độc lập của đất nước.

Từng hướng về phương Tây

Trong quá khứ, ông Lukashenko từng thử hướng về phương Tây để chống lại Nga, gia tăng triển vọng về mối quan hệ hợp tác với EU và Mỹ để gây áp lực thu hút viện trợ từ Moscow.

Theo Asia Times, mối quan hệ của châu Âu với Belarus từng có thêm động lực với quyết định năm 2009 của ông Lukashenko trong việc không công nhận các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn là Nam Ossetia và Abkhazia ở Gruzia.

Sự gần gũi này càng được khích lệ sau những lời chỉ trích của ông Lukashenko về vấn đề Ukraine và việc Belarus đóng vai trò chủ nhà cho một cuộc họp quốc tế ở Minsk để giải quyết cuộc khủng hoảng.

EU đã dỡ bỏ các hạn chế về thị thực đối với ông Lukashenko và một số quan chức từng áp đặt vào đầu những năm 2000, để ngỏ cánh cửa hợp tác khu vực về các vấn đề thương mại, biên giới và môi trường với Belarus.

EU nói chung, và đặc biệt là Đức, thường sử dụng quyền lực mềm để thuyết phục các nước thân cận với Nga. Chính phủ của bà Angela Merkel đặc biệt muốn tránh những chia rẽ Đông-Tây theo kiểu Chiến tranh Lạnh.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đưa Belarus trở lại mối quan hệ hòa hảo với lục địa này?

Cho đến nay, ông Lukashenko vẫn lên tiếng bảo vệ cách hành xử của mình trong vụ Ryanair. Hãng thông tấn chính thức của Belarus cho biết lực lượng Hamas đã gửi cảnh báo về một quả bom trên máy bay qua thư điện tử được gửi từ Thụy Sỹ. Tuy nhiên, phía Hamas tuyên bố bất ngờ về lời cáo buộc và phủ nhận toàn bộ sự việc.

Nga 'đắc lợi'

Thực tế chiến thuật của Belarus - hướng về phương Tây để gây sức ép với Nga - đã không còn hiệu quả sau cuộc đàn áp vào năm ngoái.

Nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt mới, cứng rắn hơn của EU sẽ khiến ông Lukashenko xích gần hơn với Điện Kremlin.

Một số nước phương Tây thậm chí còn cáo buộc Nga có liên quan đến việc chuyển hướng máy bay Ryanair - điều mà Nga một mực phủ nhận, và Moscow chắc chắn sẽ khai thác những bất đồng mới giữa Belarus và châu Âu.

Valery Karbalevich, nhà phân tích chính trị độc lập làm việc tại Minsk, bình luận: “Ông Lukashenko đang lo sợ và Điện Kremlin có thể yêu cầu Belarus ‘trả ơn’ cho sự ủng hộ chính trị bằng cách thúc đẩy việc sử dụng một đồng tiền duy nhất, hoặc cho phép Nga triển khai các căn cứ quân sự và hơn thế nữa…

Trong tình huống này, sẽ khó khăn hơn rất nhiều để ông ta (Lukashenko) có thể cưỡng lại và mặc cả với ông Putin”.

Bà Sviatlana Tsikhanouskaya, đối thủ chính của ông Lukashenko trong cuộc bầu cử đã rời đất nước do áp lực, cho rằng có nguy cơ Nga có thể tận dụng điểm yếu của Tổng thống Belarus để làm lợi thế cho mình.

Bà kêu gọi EU dùng mọi ảnh hưởng có thể để ngăn Minsk tiến tới những thỏa thuận với Moscow mà có nguy cơ gây tổn hại cho Belarus.

Theo Asia Times, EU sẽ phải đứng trước lựa chọn cắt đứt mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Belarus, và điều này tất nhiên sẽ càng đẩy Belarus về phía Nga và hoàn toàn phù hợp với tính toán của ông Putin.

(theo Asia Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-belarus-eu-khung-hoang-dung-y-tong-thong-putin-146902.html