Quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong tương quan với Trung Quốc ở Biển Đông

ASEAN, một tổ chức từ lâu đã phải đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc, có quan hệ chặt chẽ với ba nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trên.

Tàu hải quân Jalashwa của Ấn Độ. (Nguồn: thehindu.com)

Tàu hải quân Jalashwa của Ấn Độ. (Nguồn: thehindu.com)

ASEAN hiện đang nắm giữ vai trò trung tâm tại Biển Đông, nơi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây hấn. Việc này đã buộc các cường quốc ngoài khu vực có những động thái nhằm bảo vệ sự cân bằng chiến lược tại đây. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Pradhan về vấn đề này, đăng trên tờ Times of India.

Nhận thấy lợi ích chiến lược và kinh tế của mình bị đe dọa, ba nước Ấn Độ, Mỹ và Nhật đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ với ASEAN. Chiến lược của các nước này với ASEAN sẽ định hình môi trường khu vực thời gian tới.

ASEAN có quan hệ chặt chẽ với ba nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trên.

Quan hệ của ASEAN với các nước này trong giai đoạn hiện nay, những triển vọng và thách thức trong tương lai sẽ được trình bày theo ba phần. Phần thứ nhất có nội dung về quan hệ ASEAN-Ấn Độ.

Ấn Độ và Đông Nam Á có một lịch sử văn hóa lâu đời với những mối quan hệ kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh được hình thành qua nhiều năm. “Chính sách Hướng Đông” năm 1992 mà sau này được đổi tên thành chính sách “Hành động Hướng Đông” vào năm 2015 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Ấn Độ trở thành Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN vào năm 1992, các hội nghị cấp cao giữa hai bên được bắt đầu tổ chức vào năm 2002 và quan hệ song phương Ấn Độ-ASEAN đã được nâng lên mức đối tác chiến lược vào năm 2012.

Ấn Độ đã tham gia hợp tác với ASEAN trên cả cấp độ song phương và đa phương. Quan hệ Ấn Độ-ASEAN đa dạng với nhiều cấp độ như Hội nghị cấp cao Ấn Độ-ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Ấn Độ, Đối thoại chiến lược Ấn Độ-ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Á, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)...

Hợp tác Mekong-Sông Hằng (Mekong-Ganga) là sáng kiến bao gồm sáu nước (Ấn Độ và năm nước ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam), thành lập với mục đích hợp tác trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục, vận tải, thông tin. Ở cấp độ song phương, Ấn Độ đã có nhiều thỏa thuận hợp tácvới tất cả các nước ASEAN, bao gồm nâng cao năng lực trong lĩnh vực an ninh.

Quan hệ Ấn Độ-ASEAN được thúc đẩy trên cả động lực kinh tế và chiến lược, dựa trên hai trụ cột: ASEAN là đối tác chiến lược và kinh tế quan trọng trong khu vực và tầm nhìn ASEAN về pháp quyền, tự do hàng hải, tự kiềm chế và niềm tin vào trật tự đa cực.

Đối với Ấn Độ, ASEAN là trung tâm thương mại. Ấn Độ cũng mong muốn rằng cán cân chiến lược khu vực không bị đảo lộn, từ đó Ấn Độ có thể hưởng các quyền tự do hàng hải và thăm dò tài nguyên với sự hợp tác từ các quốc gia thân thiện. Giữa Ấn Độ và ASEAN không có mâu thuẫn.

Tuyên bố Dehli năm 2018 trong bối cảnh 10 nhà lãnh đạo ASEAN được mời thăm Ấn Độ nhân dịp Ngày Cộng hòa Ấn Độ đã trở thành bước ngoặt trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Sự kiện này phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của ASEAN đối với Ấn Độ và của Ấn Độ đối với ASEAN.

Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo ASEAN quyết tâm “tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ vì lợi ích chung trên toàn bộ phạm vi hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội và phát triển."

Tàu hải giám Haijian 8002 của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, cũng như các hoạt động hợp pháp khác trên biển và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở, thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Hai bên cũng ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN đã trở thành một khối gắn kết. Trước đó, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp cưỡng chế một số nước thành viên ASEAN, dẫn đến chia rẽ trong nội bộ khối. Kể từ năm 2012, ASEAN vẫn có quan điểm khác biệt trong việc phản đối Trung Quốc.

Tuy nhiên, với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, hiện nay sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN đã biến mất, thể hiện rõ qua tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 hồi cuối tháng 6 năm 2020.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á rằng “Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 là cơ sở về quyền chủ quyền và các quyền được hưởng tại Biển Đông” là một trong những lời phản đối mạnh mẽ nhất của ASEAN về yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

Việc ASEAN ngày càng tự tin phản đối Trung Quốc thể hiện vai trò đáng chú ý cua Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Đây là một trong những tuyên bố cứng rắn nhất của Chủ tịch ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Trong bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, Việt Nam đã đề cập đến “những diễn biến gần đây” và “những sự cố nghiêm trọng”; những cụm từ này không được nêu trong các tuyên bố trước đây của ASEAN. Trên thực tế, tình hình trên Biển Đông hiện nay cần ASEAN đoàn kết hơn bao giờ hết.

Xem xét mối quan hệ gắn bó giữa Ấn Độ và tất cả các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, quan hệ đối tác song phương Ấn Độ-ASEAN sẽ có nhiều tiềm năng lớn trong tương lai.

Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) có nhiều điểm chung, trong đó đều đưa ra cách tiếp cận cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, dựa trên các chuẩn mực và luật pháp quốc tế.

Sáng kiến IPOI căn cứ cấu trúc và cơ chế hợp tác khu vực hiện nay để đưa ra bảy trụ cột trung tâm là an ninh hàng hải; sinh thái hàng hải; tài nguyên hàng hải; nâng cao năng lực và chia sẻ nguồn lực; giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai; khoa học, công nghệ và hợp tác chuyên gia; kết nối thương mại và vận tải hàng hải.

Mục tiêu của Ấn Độ là rõ ràng và minh bạch, được các nước thành viên ASEAN đánh giá cao. Các lĩnh vực trên cũng có nhiều tiềm năng hợp tác. Ấn Độ chủ trương an ninh và phát triển cho toàn bộ khu vực (Sáng kiến SAGAR).

Ấn Độ luôn ủng hộ việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC) có ràng buộc về pháp lý trong thời gian sớm nhất. Điều này có thể được thúc đẩy hơn nữa. Ấn Độ và ASEAN đều ủng hộ Phán quyết của Tòa PCA và cả hai bên đều có thể gia tăng áp lực tại Liên hợp quốc để buộc Trung Quốc thực hiện Phán quyết.

Sự phối hợp về mặt ngoại giao giữa Ấn Độ và ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông và tạo ra một môi trường hòa bình ở khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã nhấn mạnh cam kết ngày 10/9 của Ấn Độ vì hòa bình, an ninh, ổn định của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bộ Tứ (QUAD) mở rộng bao gồm ASEAN có thể sẽ sớm được chính thức triển khai để gây áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc, buộc nước này thay đổi thái độ hung hăng hiện nay.

Hai bên đang tăng cường các nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ với kim ngạch hai chiều đạt 97,79 tỷ USD. Hai bên đã đặt mục tiêu kim ngạch đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2020.

Ấn Độ đang thảo luận với các nước ASEAN về việc hình thành Sáng kiến Phục hồi Chuỗi cung ứng (SCRI) nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào dòng cung ứng của Trung Quốc và đảm bảo tỷ giá ít biến động hơn. BRI ngày càng mất đi thiện cảm bởi giờ đây sáng kiến này được coi là một cái “bẫy nợ.”

Giải pháp thay thế BRI sẽ xuất hiện dựa trên sự bình đẳng, tuân thủ tuyệt đối hệ thống hỗ trợ tài chính. Những biện pháp này sẽ mang lại kết quả về lâu dài.

Tuy nhiên, cũng sẽ xuất hiện nhiều thách thức bởi không phải tất cả nước thành viên ASEAN đều có quan điểm chắc chắn về dòng cung ứng thay thế. Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác điểm yếu của các nước nhỏ trong ASEAN.

Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích với các nước tranh chấp khác, tiếp tục thăm dò và đặc biệt là tấn công tàu của các cường quốc ngoài khu vực, trừ khi gặp phải một áp lực lớn hơn.

Cần phải có cách tiếp cận chủ động trước những thách thức này để đảm bảo bảo vệ chủ quyền của các nước ven biển, đồng thời tránh leo thang căng thẳng.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải đưa tổ chức vượt qua những khó khăn này. Với kinh nghiệm phong phú trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu này.

Không nên xem nhẹ nhu cầu hợp tác chiến lược và kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Việt Nam (với vai trò Chủ tịch ASEAN) sẽ phối hợp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các diễn đàn khác của ASEAN.

Những nỗ lực bền bỉ của hai bên có thể sẽ mang đến thành công trong thực hiện luật pháp, chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông và thiết lập hòa bình, ổn định, an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quan-he-aseanan-do-trong-tuong-quan-voi-trung-quoc-o-bien-dong/666248.vnp