Quan hệ Ấn Độ-Nga: Đã đến lúc nhìn vào thực tế?

Baoquocte.vn. New Delhi cần nhìn nhận rằng, bất chấp nỗ lực xây dựng quan hệ với Moscow, Nga vẫn sẽ dành sự quan tâm chủ yếu cho láng giềng phía Đông là Trung Quốc.

Chuyến thăm của Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Shringla tới Moscow từ ngày 17-18/2 là chuyến công du đầu tiên của ông ngoài Nam Á thời đại dịch. Điều này cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Ấn Độ dành cho mối quan hệ chiến lược với Nga.

Nếu như chừng đó là chưa đủ, thì nội dung trong chuyến thăm dài hai ngày của Bí thư Đối ngoại Ấn Độ tới Moscow sẽ chứng minh cho điều đó.

Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Shringla và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov trong chuyến thăm Moscow từ 17-18/2. (Nguồn: ĐSQ Nga tại Ấn Độ)

Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Shringla và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov trong chuyến thăm Moscow từ 17-18/2. (Nguồn: ĐSQ Nga tại Ấn Độ)

Ngày 17/2, phát biểu tại Học viện Ngoại giao Nga, ông khẳng định đã đối thoại “hiệu quả” với các quan chức ngoại giao Nga, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov, về cách thức đẩy quan hệ song phương “đặc quyền”, hợp tác tại các tổ chức quốc tế, cũng như thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ông đã thay mặt Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar gửi lời chào tới Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Ông cũng đề cập tới sự “hồi sinh” của quan hệ thương mại Ấn Độ-Nga thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Ấn Độ-Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Shringla cho rằng, việc “Hành lang Xanh” cho phép một số doanh nghiệp và công ty không phải trải qua quy trình khám xét ở hải quan hai nước, Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư song phương và Hành lang Hàng hải Chennai - Vladivostok được triển khai sẽ giúp thương mại hai nước khởi sắc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy New Delhi cần nhận thức rõ về quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh, cùng thay đổi về tương quan lực lượng, trong bối cảnh cạnh tranh Ấn Độ-Trung Quốc gay gắt.

Lớn nhưng chưa đủ

Kể từ khi Liên Xô cũ và Ấn Độ ký thỏa thuận năm 1971, xuất khẩu quốc phòng từ Nga sang Ấn Độ tiếp tục là trụ cột trong quan hệ song phương. Hơn 60% quân đội Ấn Độ được trang bị vũ khí Nga.

Mong muốn trở thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí cũng giải thích tại sao New Delhi tiếp tục phối hợp với Moscow trong sản xuất thiết bị quốc phòng. Hai bên đang hợp tác trong sản xuất hệ thống tên lửa Brahmos, máy bay chiến đấu SU-30 và xe tăng T-90 trên bản thiết kế của Nga.

Thêm vào đó, hai bên được cho là đang lên kế hoạch sản xuất súng trường AK-203, bao gồm quá trình chuyển giao công nghệ hoàn toàn. Việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga phản ánh nguyện vọng tối ưu hóa các phương án quân sự và ngoại giao qua đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí.

Tuy nhiên, Trung Quốc, sau thời gian cân nhắc, cũng đã quyết định mua hệ thống tên lửa này. Thương vụ trên đã khiến Ấn Độ quan ngại, đặc biệt trong bối cảnh hai bên tiếp tục đối đầu tại biên giới hai nước ở Himalaya. 68% vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc là từ Nga. Đồng thời, Bắc Kinh và Moscow cũng tiếp tục hợp tác sản xuất trang thiết bị quốc phòng.

Về thương mại, giao thương và kết nối giữa Ấn Độ và Nga là tương đối nhỏ so với giữa Nga và Trung Quốc. Quan hệ thương mại giữa Nga và Ấn Độ năm 2019-2020 đạt 10,11 tỷ USD. Hai bên đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí và khí gas của nhau.

New Delhi và Moscow đã đặt mục tiêu đưa thương mại song phương đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần nhỏ quan hệ thương mại Nga - Trung Quốc, vốn đã lên tới 110 tỷ USD trong năm 2019.

New Delhi và Moscow đặt mục tiêu đưa thương mại song phương đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần nhỏ quan hệ thương mại Nga - Trung Quốc, vốn đã lên tới 110 tỷ USD trong năm 2019.

Về cơ sở hạ tầng, năm 2019, kế hoạch nhằm xây dựng hành lang biển kết nối Chennai, Ấn Độ và Vladivostok, Nga chính thức được phê chuẩn. Tuyến đường này dự kiến sẽ đi qua Biển Đông và tăng cường hiện diện kinh tế của Ấn Độ tại vùng Viễn Đông.

Ấn Độ cũng đã cung cấp 1 tỷ USD tín dụng cho khu vực giàu khoáng sản, nhiên liệu, gỗ, thủy sản và chiếm tới 1/3 lãnh thổ của Nga. Mới đây, Nga đã bày tỏ sự quan tâm tới khoản đầu tư của Ấn Độ trong khu vực.

Tuy nhiên, từ năm 2015, đầu tư của Trung Quốc đã chiếm tới 85% đầu tư nước ngoài tại vùng Viễn Đông. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của EAEU, bao gồm nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.

Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa các nước EAEU và Ấn Độ là 13,8 tỷ USD, song con số này giữa EAEU và Trung Quốc đã lên tới 133 tỷ USD.

Nga đã gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc; Moscow và Bắc Kinh hiện đang thảo luận về việc kết hợp EAEU với Trung Quốc nhằm tạo nên cái gọi là Quan hệ Đối tác Đại Á - Âu.

Khác biệt khó vượt qua

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần hoài nghi về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, khi New Delhi tiếp tục củng cố quan hệ với với Bộ tứ nhằm đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và thượng tôn pháp luật.

Moscow cho rằng Bộ tứ và khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể tác động tiêu cực tới lợi ích của mình và Bắc Kinh. Do đó, Ấn Độ sẽ khó có thể làm gì nhiều để tác động tới mối quan hệ Nga - Trung Quốc.

Trên phương diện toàn cầu, khác biệt giữa Ấn Độ và Nga về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã làm dấy lên câu hỏi không mấy dễ chịu về trật tự đa cực. Ấn Độ và Nga đều có thiên hướng về trật tự này, song với ý tưởng khác nhau.

Từ lâu, mục tiêu dài hạn của Nga đã là đưa trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh dịch chuyển khỏi sự thống trị của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ lại mong muốn xây dựng một “châu Á đa cực”, nơi các quốc gia lớn và nhỏ có vị thế ngang hàng trong cấu trúc khu vực.

Liệu ước muốn của Ấn Độ có thực tế? Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB), GDP đầu người của Trung Quốc (10.261 USD) và Nga (11.585 USD) vẫn nhỏ hơn nhiều so với Mỹ (65.297 USD), trong khi con số này của Ấn Độ (2.099 USD) mới chỉ bằng 1/5 của Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường duy nhất, dù Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh gay gắt.

Trong khi đó, với ưu thế toàn cầu, Mỹ có lẽ là quốc gia có khả năng nhất trong việc giúp đỡ Ấn Độ đương đầu với Trung Quốc trong đối đầu tại biên giới. Do đó, sự trung lập của Nga trong vấn đề này, cũng như tại Nam Á và Đông Nam Á đã ít nhiều loại bỏ khả năng Ấn Độ từ bỏ quan hệ với Mỹ.

Câu hỏi chưa có đáp án là Washington sẽ ra điều kiện gì để giúp đỡ New Delhi trong cạnh tranh với Trung Quốc, đặc biệt khi New Delhi vẫn mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow.

Ngay cả khi nền kinh tế của Ấn Độ đột nhiên có bước đột phá, thực tế không dễ chấp nhận là liên kết Trung Quốc - Nga mạnh hơn nhiều so với liên kết Ấn Độ - Nga.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang duy trình cạnh tranh với Mỹ tại châu Á. Cạnh tranh Mỹ-Trung và căng thẳng Trung-Ấn có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ trở nên sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ xem xét cải thiện quan hệ từ ngày xưa với Nga có thể ít nhiều cản trở tiến trình này. Ngay cả khi nền kinh tế của Ấn Độ đột nhiên có bước đột phá, thực tế không dễ chấp nhận là liên kết Trung Quốc - Nga mạnh hơn nhiều so với liên kết Ấn Độ - Nga. Quan hệ Ấn Độ -Nga có thể được tăng cường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đã đến lúc New Delhi nên thực tế hơn về những ưu tiên của Moscow trên trường quốc tế.

MINH VƯƠNG

(theo The Interpreter)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-an-do-nga-da-den-luc-nhin-vao-thuc-te-138298.html