Quân đội Việt Nam có 'sở hữu một phần' của xe tăng chủ lực T-72

Nói quân đội ta có sở hữu 'một phần' của xe tăng T-72 là bởi, xe IMR-2 có trong biên chế của Binh chủng Công binh được phát triển trên cơ sở khung gầm của loại xe tăng chủ chiến đấu chủ lực này.

Trong trang bị Binh chủng Công binh, Quân đội Nhân dân Việt Nam được biên chế một số lượng nhỏ xe bọc thép công binh IMR-2 được phát triển trên cơ sở khung gầm xe tăng chủ lực T-72.

Trong trang bị Binh chủng Công binh, Quân đội Nhân dân Việt Nam được biên chế một số lượng nhỏ xe bọc thép công binh IMR-2 được phát triển trên cơ sở khung gầm xe tăng chủ lực T-72.

Xe bọc thép công binh IMR-2 được các thiết kế sư Liên Xô thiết kế và phát triển để thực hiện nhiệm vụ loại bỏ các chướng ngại vật cũng như cứu kéo dành cho các đơn vị bộ binh cơ giới trên chiến trường. Nó được bắt đầu thiết kế từ năm 1970 và phải mất 10 năm sau đó mới hoàn thiện, đến năm 1982 IMR-2 được Liên Xô đưa vào sản xuất hàng loạt.

Điểm nổi bật nhất của IMR-2 là việc nó được phát triển dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và là ứng cử viên sáng giá thay thế cho dòng xe bọc thép công binh IMR được phát triển trên khung gầm T-55 đang được Quân đội Liên Xô sử dụng lúc đó.

Do có vai trò đặc biệt trên chiến trường nên IMR-2 có khả năng hoạt động ở hầu hết mọi loại địa hình lẫn môi trường khác nhau, kể cả khi khu vực nó hoạt động bị nhiễm phóng xạ và vũ khí hóa học.

Trang bị chính của IMR-2 gồm hệ thống cần cẩu đa năng có chiều dài tối đa 8.15m và có thể nâng được vật có trọng lượng lên tới 2 tấn, để thuận tiện hơn trong việc hoạt động trên các địa hình phức tạp cần cẩu của IMR-2 có thể xoay 360 độ.

Trong khi đó, phía trước của IMR-2 được trang bị hệ thống lưỡi ủi thủy lực giúp loại bỏ và san bằng các vật cản trên mặt đất. Điểm đặc biệt là lưỡi ủi của IMR-2 có thể được gấp lại theo hình chữ V hoặc giữ thẳng tùy theo yêu cầu của từng loại địa hình khác nhau.

Do sử dụng khung gầm bánh xích IMR-2 hoạt động dễ dàng ở nhiều địa hình khác nhau từ địa hình gồ ghề, ven rừng, trên tuyết, sườn núi kể cả khu vực bãi mìn và vật cản chống tăng do đối phương lắp đặt.

Sức mạnh của IMR-2 là nằm ở động cơ diesel V-84-1 V-12 được làm mát bằng nước có công suất lên tới 840 mã lực, với tốc độ di chuyển tối đa trên đường bằng là 50km/h và có tầm hoạt động khoảng 500km.

Xe công binh IMR-2 được vận hành chỉ với hai binh sĩ và có thể sống độc lập trong carbin xe trong vòng 3 ngày trước các loại vũ khí sinh hóa học. Họ cũng có khả năng sống sót cao hơn so với thế hệ IMR nhờ khung gầm xe tăng T-72 dùng kiểu giáp composite tốt hơn.

Từ năm 1990 cho đến nay đã có tổng cộng 659 chiếc IMR-2 và các biến thể của nó được Nga chế tạo và IMR-2 phục vụ chủ yếu trong Quân đội Nga cũng như quân đội một số khác trên thế giới.

IMR-2 có bề dày chiến tích cũng khá lớn khi nó được điều động cho chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan và Nga trong xung đột ở Chechnya. Tuy nhiên khả năng của IMR-2 được thể hiện rõ nhất khi nó tham giaquá trình khắc phục sự cố hạt nhân Chernobyl.

Biến thể nâng cấp của xe bọc thép công binh IMR-2MA được Quân đội Nga giới thiệu tại một triển lãm quốc phòng do nước này tổ chức.

Video Cận cảnh "cỗ máy quái vật" của bộ đội công binh Việt Nam - Nguồn: QĐND Online

Anh Tú (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/quan-doi-viet-nam-co-so-huu-mot-phan-cua-xe-tang-chu-luc-t-72-1443232.html