Quân đội Trung Quốc xưa dùng cách gì để giải quyết sinh lý cho sĩ tốt?

Quân đội Mỹ thời nay có chế độ giải quyết nhu cầu sinh lý cho binh sỹ. Nhưng ít ai ngờ là từ thời cổ đại, quân đội của phong kiến Trung Quốc cũng đã có chế độ đó.

Bất cứ là cổ hay kim, mỗi nước đều muốn có một quân đội có đủ uy vũ hùng tráng để có thể chống lại nước ngoài, bảo vệ an toàn quốc gia và nhân dân khỏi bị xâm phạm. Quân đội muốn đánh thắng trận, tất phải duy trì kỷ luật rất nghiêm túc, nhất định phải thực hành nghiêm những mệnh lệnh cấm mới có thể là một quân đội tiêu chuẩn.

Thời kỳ Xuân Thu, nhà binh pháp nổi tiếng Tôn Tử cũng nhận thức rằng kỷ luật của quân đội là rất quan trọng. Khi chỉ đạo cho các phi tử và cung nữ của Ngô vương Hạp Lư diễn tập trận pháp, ông từng trảm 2 phi tử không tuân thủ kỷ luật. Hai phi tử này lại là hai ái thiếp của Ngô Vương. Sau khi Tôn Võ xử tử hai phi tử kia xong, tất cả các phi tần, cung nữ đều rất nghe lời. Điều này nói lên tầm quan trọng của kỷ luật quân đội.

Chúng ta đều biết, để duy trì uy nghiêm và sĩ khí quân đội, trong quân doanh thời cổ đại không bao giờ xuất hiện phụ nữ. Vì vậy tướng sĩ trong quân, bất kể địa vị cao thế nào, tôn quý thế nào, đều không thể mang phụ nữ gia thuộc đi theo, nếu không sẽ bị quân pháp xử trí. Nhưng vấn đề cũng vì thế mà xuất hiện, chúng ta đều biết, thời cổ khi hành quân đánh trận thường kéo dài ngày, có khi chiến tranh thậm chí dài hàng mấy năm liền.

Ở trên chúng ta đã nói, trong quân doanh không thể xuất hiện phụ nữ vì quân pháp, mà sĩ tốt trong quân đều là đàn ông tráng niên. Họ ở trên sa trường giữa kim qua thiết mã anh dũng giết địch, thân xác và tinh thần đều căng thẳng tột độ, tạm thời không nghĩ đến chuyện nam nữ. Nhưng một khi đêm đến yên tĩnh, họ khó có thể tránh khỏi những giày vò của nhu cầu sinh lý. Ở giữa quân doanh không thể xả hơi, vậy thì họ phải làm sao?

Đây thực không phải vấn đề nhỏ. Rất nhiều binh sỹ vì thế trốn khỏi doanh trại tác oai tác quái, tìm con gái trong dân chính là liên quan đến vấn đề nói trên. Ngoài ra, thời cổ đại còn có chuyện khi một bên thua trong chiến tranh thì phụ nữ bên đó sẽ bị binh sỹ bên thắng giày vò làm nhục. Chuyện này cũng chính là có quan hệ với thực tế các binh sỹ bị áp chế nhu cầu sinh lý lâu dài mà ra.

Để giải quyết vấn đề này, những người thống trị thời cổ đã phát minh ra chế độ “doanh kỹ”. Căn cứ theo các nhà sử học Hoàng Hiện Phan trong sách “Khái lược xã hội thời Đường” cho biết: “Chế độ doanh kỹ, được biết là để an ủi quân sĩ, bắt đầu từ nước Việt thời Xuân Thu”. Cũng có thể nói sớm nhất ở thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, trong quân đội nước Việt đã manh nha có doanh kỹ.

Theo “Việt tuyệt thư” chép rằng, Việt vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, khi đã tích được thực lực quân sự tối đa và tuyên chiến với Ngô vương, bèn đặc biệt tìm rất nhiều quả phụ, đưa họ đến quân doanh để cổ vũ sĩ khí quân sĩ. Đây có lẽ là khởi nguyên sớm nhất của doanh kỹ.

Sau đó chế độ doanh kỹ đến thời Hán Vũ Đến phát triển hệ thống hơn. Hán Vũ Đế thậm chí thành lập một cơ quan chuyên môn sắp xếp doanh kỹ trong quân đội. Chính bởi như thế cho nên danh tướng Lý Lăng thời Tây Hán khi giao chiến với Hung Nô thất bại mới hỏi rằng có phải vì trong quân chứa phụ nữ cho nên mới dẫn đến sĩ khí của tướng sĩ suy lạc bại trận.

Chế độ doanh kỹ nguồn gốc từ thời Xuân Thu, đến Tây Hán dần dần định hình, cho đến Đường Tống vẫn lưu hành, thậm chí Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương những năm đầu thời Minh cũng thành lập cái gọi là “quả phụ doanh”, đem vợ những tội nhân tập trung lại. Cho đến khi Lưu Bá Ôn đề xuất kháng nghị mới hủy bỏ chế độ này.

Cần nói thêm là, những người trong doanh kỹ thời cổ đại, đại đa số là vợ con những tội phạm hoặc là những nữ tù binh bị bắt. Cuộc sống của họ vô cùng khốn khổ, cơ bản không có tự do. Họ một khi đến tuổi già mãn kinh hoặc bị bệnh sẽ bị bỏ mặc muốn sống thì sống, chết thì chết. Số phận tốt hơn một chút thì được ban thưởng cho các đại tướng, công thần để làm tì nữ tiểu thiếp.

Ví dụ như sách “Tam Quốc chí Ngụy chí” chép: Thời Tam Quốc, Tào Tháo từng thưởng công cho đại tướng có công chinh phạt Tôn Quyền là Hạ Hầu Đôn một “kỹ lạc danh xướng”. Như thế có thể biết, trong mắt những kẻ thống trị cổ đại, sinh mạng những doanh kỹ này đơn giản chỉ là con sâu cái kiến. Nó cũng là một chuyện chứng minh sự khốn khổ của người phụ nữ thời xưa.

Trần Vũ (theo Toutiao)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/quan-doi-trung-quoc-xua-dung-cach-gi-de-giai-quyet-sinh-ly-cho-si-tot-826826.html