Quân đội tiên phong thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo cơ chế thị trường là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu; đồng thời, đó cũng là quá trình 'thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý'(1).

Trong quan điểm chỉ đạo về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém”(2).

Đối với các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ), thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2001 đến nay, bằng nhiều hình thức sắp xếp, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại các DNQĐ phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết của Đảng qua từng thời kỳ, phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng (QSQP), góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Số lượng đầu mối DNQĐ được tinh giảm từ trên 300 doanh nghiệp trước năm 2000, nay xuống còn 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý.

Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng và sắp xếp, đổi mới DNNN, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ và chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, ban hành các văn bản định hướng sắp xếp DNQĐ phù hợp với nhiệm vụ QSQP và quy định của pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sắp xếp, đổi mới DNQĐ gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và thực hiện nhiệm vụ QSQP; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng đối với các doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị; bảo đảm đủ nguồn lực cho các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chiến lược; chỉ đạo cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ QSQP; gắn quản lý các doanh nghiệp với hoạt động chuyên môn kỹ thuật đặc thù quốc phòng. Các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới nhìn chung ổn định, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thích ứng được với thị trường trong nước và từng bước hội nhập quốc tế; bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục vạn lao động; góp phần quan trọng vào giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo đảm an sinh xã hội... Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới, nhiều DNQĐ vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu trên các lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng, như: Viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ cảng biển, xây dựng, đóng tàu, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Các DNQĐ đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên các địa bàn chiến lược, nhất là biên giới, biển, đảo.

Dây chuyền gia công khuôn mẫu, bán thành phẩm tổng đài, điện thoại quân sự trên máy CNC hiện đại của Công ty Thông tin M3, Viettel. Ảnh: VĂN THUẬN.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển DNQĐ trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể là: Nhận thức của cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa chưa thật đầy đủ, sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt; triển khai thực hiện còn lúng túng, còn biểu hiện ngại đổi mới, né tránh cổ phần hóa. Việc tổ chức sắp xếp có nơi, có lúc chưa tuân thủ đúng đề án đã được phê duyệt, tiến độ chậm so với kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng vẫn còn nhiều, cơ cấu chưa hợp lý, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cùng ngành nghề, hoạt động trên cùng một địa bàn. Một số doanh nghiệp còn tồn đọng về tài chính. Các cơ chế, chính sách liên quan đến sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa được hoàn thiện đồng bộ và theo kịp sự phát triển của thực tiễn...

Hiện nay, Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, cơ cấu lại DNNN là một khâu đột phá chiến lược. Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần Nghị quyết 425-NQ/QUTW ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 80/TTg-ĐMDN, ngày 4-10-2017. Trong đó, Bộ Quốc phòng xác định rõ từ nay đến năm 2020 cần phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội, với mục tiêu giảm mạnh đầu mối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp SXKD thuần túy, thương mại, xây dựng, dịch vụ… Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DNQĐ; bảo đảm sự phát triển ổn định, lâu dài của các DNQĐ; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước và phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quá trình cơ cấu lại DNQĐ cần trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả; xây dựng được những doanh nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Giữ lại công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước là các doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự quốc phòng, nhưng thực hiện tái cấu trúc, nhằm bảo đảm có cơ cấu tổ chức hợp lý, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, bảo đảm SXKD đạt hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp có cùng ngành nghề sẽ thực hiện việc sáp nhập, tận dụng năng lực quản trị, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo ra các doanh nghiệp có quy mô phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ QSQP. Thực hiện sắp xếp, tái cấu trúc, tổ chức lại các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chiến lược thuộc các quân khu cho phù hợp với từng địa bàn cụ thể.

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, cần thực hiện nhanh chóng và đồng bộ (cả công ty mẹ và công ty con), bảo đảm tập trung vốn và vai trò quản trị, điều hành cho công ty mẹ. Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đã đầu tư đối với các doanh nghiệp thương mại, xây dựng, dịch vụ; chỉ giữ lại vốn Nhà nước tại một số ít doanh nghiệp có nhiệm vụ QSQP. Quá trình thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần cần bảo đảm không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và quân đội.

Công tác sắp xếp DNQĐ sẽ được Bộ Quốc phòng thực hiện nghiêm túc, triệt để như các phương án đã nêu trong Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020”, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới và sắp xếp DNNN. Theo đó, đến năm 2020, Bộ Quốc phòng còn lại 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý; thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ QSQP. Bộ Quốc phòng sẽ có điều kiện để quản lý, giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ đất quốc phòng. Cơ cấu doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng hợp lý, không còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề kinh doanh, hoạt động trên cùng một địa bàn. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, sau cơ cấu lại sẽ nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, bảo đảm SXKD hiệu quả; đáp ứng yêu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị quân sự, bảo đảm kỹ thuật trên cả ba miền chiến lược, cả ở cấp chiến lược và chiến dịch; tạo ra thế trận quốc phòng, an ninh trên từng khu vực; đồng thời có điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại quân sự…

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ quản, lãnh đạo, chỉ huy các DNQĐ cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp cần quán triệt, chấp hành nghiêm các nội dung của đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới DNQĐ.

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng, đúng kế hoạch, đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII); Nghị quyết 425-NQ/QUTW. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa xây dựng nghị quyết lãnh đạo, xác định rõ chủ trương, kế hoạch, lộ trình và các biện pháp thực hiện đồng bộ về công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc quyền thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ của đề án, nghiêm cấm việc tham mưu các hình thức sắp xếp khác. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những vấn đề trọng tâm, như: Xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới; phương án kiện toàn tổ chức biên chế, giải quyết chính sách cho người lao động; xây dựng chủ trương quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đất quốc phòng khi sắp xếp, cổ phần hóa; định hướng hoạt động, phát triển doanh nghiệp sau khi cơ cấu lại... Quá trình thực hiện, các đơn vị, doanh nghiệp cần bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, phương án cơ cấu đã được phê duyệt; chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng nhưng khẩn trương, quyết liệt và có giải pháp toàn diện, đột phá, khả thi cao.

Cần làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động trong toàn quân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ.

Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kế hoạch và lộ trình của Bộ Quốc phòng. Trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), ban lãnh đạo doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo Thường vụ QUTW, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, xử lý theo quy định...

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đúng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

Quá trình thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phải sát với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phù hợp với thị trường, thực tiễn DNQĐ, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo hướng rút gọn đầu mối, gắn với Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội và định hướng phát triển DNNN, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các doanh nghiệp cần có phương án xử lý cụ thể các vấn đề có liên quan, nhất là các doanh nghiệp được giữ lại là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cần xác định rõ chiến lược phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả, Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Trong đó chú trọng xử lý các nội dung tồn đọng về tài chính, bảo đảm sự lành mạnh, minh bạch; tập trung nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, hướng đến việc áp dụng các chuẩn mực quản trị tiên tiến.

Các doanh nghiệp thuộc diện sáp nhập, hợp nhất hình thành các tổng công ty, phải thực sự cơ cấu lại về tổ chức và nguồn lực; kiên quyết phá bỏ quan điểm sáp nhập cơ học… Các tổng công ty sau khi hình thành, đi vào hoạt động phải là các doanh nghiệp mạnh về tổ chức, có ngành nghề SXKD hợp lý, gắn chặt với việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ QSQP. Cần xác định rõ các DNQĐ phải luôn gương mẫu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; là doanh nghiệp tiên tiến của đất nước.

Thứ ba, chủ động và kiên quyết thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công tác cổ phần hóa hiện nay đang ngày càng đi vào chiều sâu, do đó quá trình triển khai cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo một cách sát sao theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện từng bước vững chắc, đẩy nhanh nhưng không nóng vội, không để thất thoát tài sản của Nhà nước, không tạo cơ hội cho những hành vi tham nhũng, kiên quyết không cổ phần hóa khép kín.

Các cơ quan, đơn vị cần chủ động trong việc hướng dẫn, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa giải quyết các tồn đọng về tài chính và lao động trước khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định hiện hành, tránh tình trạng để đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa mới xử lý, dẫn đến chậm trễ hoặc không thực hiện được. Cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong cổ phần hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các bước cổ phần hóa. Gắn trách nhiệm hành chính của người lãnh đạo ở các đơn vị, lãnh đạo doanh nghiệp với kết quả cổ phần hóa, thoái vốn ở đơn vị, doanh nghiệp mình.

Từng đơn vị, doanh nghiệp phải chỉ đạo doanh nghiệp cổ phần hóa xây dựng kế hoạch cụ thể, đề xuất các giải pháp xử lý đối với từng tình huống phát sinh; khắc phục tình trạng tạo cớ để trì hoãn hoặc kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa, gây tâm lý mệt mỏi. Những việc mà doanh nghiệp tự làm được thì khẩn trương thực hiện, những việc khó khăn phải sớm có phương án báo cáo cấp trên tháo gỡ. Đặc biệt, những vấn đề kiến nghị với cấp trên phải rõ ràng, cụ thể và sau khi được giải quyết cần kịp thời triển khai để mọi người yên tâm, tin tưởng.

Thứ tư, tập trung chấn chỉnh, kiện toàn mô hình tổ chức, cơ cấu chức danh lãnh đạo, quản lý bộ máy của các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới.

Kết luận của Thường vụ QUTW (tại Thông báo số 951-TB/VPQU ngày 12-10-2017 của Văn phòng QUTW) đã nêu rất rõ ràng, cụ thể về mô hình tổ chức của các DNQĐ sau sắp xếp. Các đơn vị, doanh nghiệp trên cơ sở đó cần quán triệt và thực hiện nghiêm:

Một, đối với tổng công ty, công ty 100% vốn Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con tổ chức thành Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên. Trong đó: Chủ tịch Hội đồng thành viên cơ cấu là Bí thư Đảng ủy; Thành viên Hội đồng thành viên cơ cấu là Đảng ủy viên; Tổng giám đốc là thành viên Hội đồng thành viên, cơ cấu là Phó bí thư Đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này đều do Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Hai, đối với các công ty độc lập 100% vốn Nhà nước tổ chức thành Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên. Trong đó: Chủ tịch công ty cơ cấu là Bí thư Đảng ủy; Tổng giám đốc (Giám đốc) cơ cấu là Phó bí thư Đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này đều do Thường vụ cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương đề nghị và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Ba, đối với các công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổ chức thành Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban kiểm soát. Trong đó: Chủ tịch Hội đồng quản trị cơ cấu là Bí thư Đảng ủy; Tổng giám đốc (Giám đốc) cơ cấu là Phó bí thư Đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này do Bộ Quốc phòng giới thiệu và Hội đồng quản trị doanh nghiệp bầu.

Bốn, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, giải thể sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện nay để thuận lợi triển khai nhiệm vụ sắp xếp, tránh xáo trộn về nhân sự, tổ chức, gây khó khăn khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp.

Thứ năm, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế của Bộ Quốc phòng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

Quá trình triển khai đề án, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước hết là Cục Kinh tế cần tăng cường phối hợp, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, các quy định về quản lý, giám sát, tạo hành lang pháp lý để việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đạt mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Chú trọng việc soạn thảo, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kịp thời, nhanh chóng các thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, bổ nhiệm…; các thông tư về cổ phần hóa DNQĐ; về phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu; về quy chế hoạt động của kiểm soát viên… Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để việc sắp xếp, đổi mới ảnh hưởng đến nhiệm vụ QSQP, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp và không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước...

Thường xuyên tổ chức tốt việc tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ đơn vị, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đề án theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng. Cần tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, bảo đảm triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra; trong quá trình thực hiện, thường xuyên liên hệ với các bộ, ngành để kịp thời phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Thứ sáu, quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách đối với quân nhân, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện cơ cấu lại.

Việc cơ cấu lại sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn quân nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp quân đội; số lượng lao động phải chuyển đổi vị trí, bố trí sắp xếp lại và dôi dư cần giải quyết chính sách lớn, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc diện sáp nhập, cổ phần hóa, giải thể hoặc phá sản. Đây là vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm, nếu làm tốt sẽ tạo thêm động lực và ngược lại sẽ tạo lực cản đối với quá trình sắp xếp, đổi mới DNQĐ lần này. Bởi vậy, đi đôi với công tác tư tưởng, tổ chức, các cơ quan, đơn vị có doanh nghiệp và các DNQĐ thuộc diện cơ cấu lại cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách trong sắp xếp, đổi mới. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức biên chế, bố trí, sắp xếp việc làm; phương án giải quyết số lao động dôi dư,... bảo đảmphù hợp với lộ trình sắp xếp, đổi mới và các quy định của pháp luật.

Giải quyết tốt chính sách đối với người lao động ở các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là đối với quân nhân và công nhân viên chức quốc phòng; thực hiện tốt chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, động viên người lao động tiếp tục làm việc và gắn bó lâu dài với công ty cổ phần. Đối với công ty cổ phần chỉ giữ lại cán bộ quản lý phần vốn Nhà nước (3 đến 5 người) và số quân nhân còn thiếu dưới 05 năm thời gian phục vụ quân đội mới đủ điều kiện nghỉ hưu (khi đủ điều kiện thì cho nghỉ).

Quá trình tiến hành, cần công khai phương án sắp xếp, điều động, luân chuyển; có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc có phẩm chất, năng lực tốt, giàu kinh nghiệm, có nguyện vọng tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành, cũng như chủ động phát hiện, đề xuất điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các chế độ, chính sách phù hợp với quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự phát triển của thực tiễn, nhằm động viên cả về vật chất, tinh thần đối với quân nhân, người lao động, nhất là số phải chuyển ra, bảo đảm cho họ ổn định tư tưởng, cuộc sống...

Cùng với các nội dung, nhiệm vụ nêu trên, các DNQĐ cần chú trọng, tích cực và chủ động trong đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, tăng năng lực quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, có chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau sắp xếp, cơ cấu lại, góp phần tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, trong đó có các DNQĐ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII)(3) là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến biên chế, tổ chức, chế độ, chính sách, tư tưởng, tình cảm của nhiều người. Vì vậy, cần phải “tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội”, nhất là đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, do đó cũng sẽ tiên phong và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, mà cụ thể là “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ đến năm 2020” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực chung của các cơ quan đơn vị toàn quân trong quá trình triển khai thực hiện.

.....................

ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII - Văn phòng Trung ương Đảng, H.2017, tr.64.
Sđd, tr.64.
Sđd, tr.64.

Thượng tướng TRẦN ĐƠN

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-doi-tien-phong-thuc-hien-co-cau-lai-doi-moi-va-nang-cao-hieu-qua-doanh-nghiep-nha-nuoc-524381