Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị đuổi khỏi Syria

Các căn cứ quân sự trên toàn thế giới hầu hết là do tình thế bắt buộc phải chấp nhận, chứ chả ai ưa gì.

Ảnh: Các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chạy dọc theo xa lộ M4, gần thị trấn Arihah, sau khi bắt đầu rút khỏi trạm quan sát lớn nhất của họ ở Syria, nằm ở thị trấn Morek. 20/10/2020 (Ảnh: DPA / TASS)

Ảnh: Các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chạy dọc theo xa lộ M4, gần thị trấn Arihah, sau khi bắt đầu rút khỏi trạm quan sát lớn nhất của họ ở Syria, nằm ở thị trấn Morek. 20/10/2020 (Ảnh: DPA / TASS)

Có rất nhiều căn cứ quân sự nước ngoài nằm trên khắp thế giới. Theo quy luật, chúng xuất hiện trên lãnh thổ của các quốc gia khác do kết quả của chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, khi một bên mạnh, với lý do bảo vệ "một bên", củng cố ảnh hưởng của mình trong một khu vực cụ thể nhưng không ai thực sự thích điều này và người ta đã làm tất cả để thoát khỏi nó.

Một thông tin khá bất ngờ trong những ngày gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ 4 trong số các trạm quan sát của họ (trên thực tế là các căn cứ quân sự phòng thủ bằng xe bọc thép) ở các tỉnh Hama, Idlib và Aleppo của Syria.

Trong đó có căn cứ lớn nhất tại thành phố Murek, kiểm soát đường cao tốc M6 quan trọng về mặt chiến lược. Tất cả chúng đều nằm trong vùng lãnh thổ do quân chính phủ Syria kiểm soát.

Moscow và Damascus đã nhiều lần "bóng gió" với Ankara về việc cần thiết phải rút các căn cứ này, nhưng nước này không chịu rời khỏi lãnh thổ do quân đội Syria chiếm đóng. Lần cuối cùng chủ đề này được thảo luận là vào giữa tháng 9 năm nay trong cuộc tham vấn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã từ chối dỡ bỏ các cứ điểm này cũng như không chịu giảm số lượng lực lượng vũ trang của họ ở khu vực giảm leo thang Idlib, rút vũ khí hạng nặng và thiết bị quân sự khỏi đó.

Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã rút một phần các căn cứ của họ trên lãnh thổ Syria. Liệu đây có phải là Tổng thốgg Erdogan bị tác động trước sức ép của Điện Kremlin?

Nguyên nhân chính là do thái độ của cư dân địa phương đối với các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ nên chúng đã bị giải thể một tuần sau khi các cuộc biểu tình nổ ra gần các vị trí của các đồn bốt.

Và vào ngày 23 tháng 10, những vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển các kho chứa các sản phẩm dầu mỏ và bãi đậu xe của các chiến binh thân Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc, gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số nguồn tin cho rằng cuộc tấn công có thể được thực hiện bởi quân đội Nga bằng tên lửa đất đối không “Kalibr-M” hoặc OTRK “Iskander”.

Khả năng tham gia vào các cuộc tập kích này và các loại vũ khí tên lửa và pháo binh của Mỹ cũng đã được đề cập nhưng cho dù đó là gì đi nữa thì Erdogan cũng đã rút quân ra khỏi lãnh thổ "không thân thiện" đó.

Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng người dân địa phương thực lòng thân thiện với sự hiện diện quân đội Nga ở Syria. Mặc dù theo quan điểm của các quy phạm pháp luật quốc tế, việc tập hợp Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ở Khmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus là dựa trên cơ sở pháp lý, nhưng ngay ở Damascus người ta vẫn đang phàn nàn về điều này.

Đó là Syria, còn Armenia thì vẫn định kỳ đưa ra chủ đề về việc rút căn cứ quân sự số 102 của Nga, được triển khai tại thành phố Gyumri. Thỏa thuận về việc triển khai căn cứ này được gia hạn từ năm 2010 đến năm 2044, trong khi các cuộc mít tinh chống Nga với khẩu hiệu "Quân đội Nga hãy rời khỏi Armenia!" vẫn thường xuyên diễn ra ở Yerevan.

Một trong số các cuộc mít tinh diễn ra vào mùa hè năm nay, tuy nhiên, sau đó, thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan đã bình luận về những tin đồn này trên các phương tiện truyền thông địa phương, gọi đó là "hậu quả của sự non nớt về quân sự-chính trị".

Sau khi bắt đầu cuộc xung đột vũ trang hiện tại giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorno-Karabakh, người ta lại nói về sự "vô dụng" của căn cứ quân sự Nga. Những lời chỉ trích đã trút xuống Tổng thống Putin vì ông đã dứt khoát từ chối gửi quân đội của mình đến Karabakh để giúp đỡ người Armenia.

Trong khi đó, Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ đồng minh của mình và sẽ hỗ trợ Armenia, nếu nước này bị xâm lược vũ trang.

Ngoài Syria và Armenia, Nga còn có các căn cứ quân sự ở một số quốc gia khác. Ví dụ như, ở Abkhazia có căn cứ quân sự số 7 với quân số khoảng 4.000 người. Ở Belarus có hai cơ sở quân sự của Nga - trạm radar Volga ở Gantsevichi, trung tâm liên lạc của Hải quân 43 ở Vileika.

Các cuộc đàm phán về việc thanh lý các cơ sở này bắt đầu từ phe phản đối Tổng thống mới đắc cử của đất nước Alexander Lukashenko.

Một loạt các cơ sở quân sự của Nga được đặt tại Kazakhstan. Trước hết, là Sân bay Vũ trụ Quốc gia số 5 (là một phần của Baikonur), một trung đoàn hàng không vận tải riêng biệt ở Kostanay;

Một trung tâm kỹ thuật vô tuyến riêng biệt ở Priozersk tại khu huấn luyện Sary-Shagan có khu thử nghiệm cấp Nhà nước cho hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa; Trạm đo đạc độc lập của Lực lượng Tên lửa Chiến lược ở làng Novaya Kazanka. Tuy nhiên, với Nur-Sultan (tên mới của thủ đô Kazakhstan- ND), không phải mọi thứ đều đơn giản như tưởng tượng.

Tại một trong những cuộc gặp cuối cùng với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Saken Zhasuzakov lưu ý sự cần thiết phải sửa đổi Hiệp định năm 1994 về hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Kazakhstan.

Trong đó bao gồm cả trên các bãi tập quân sự của Nga, hiện được coi là "các điều khoản đã thi hành." Nur-Sultan không đuổi Moscow ra khỏi lãnh thổ của mình, hơn nữa, nước này còn sẵn sàng cho việc mở rộng hợp tác, tuy nhiên, sự lạnh nhạt trong quan hệ là điều thấy rõ.

"Vấn đề cơ bản" đối với các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ được xác định bởi số lượng của chúng. Quốc kỳ Mỹ bay trên các căn cứ của quân đội Mỹ ở 46 quốc gia, và trong số đó có một số căn cứ còn được triển khai thành nhiều cơ sở.

Người Mỹ thậm chí còn đóng quân ở Luxembourg, nơi có dân số chỉ có nửa triệu người. Các căn cứ quân sự của Mỹ nằm rải rác trên thế giới không được chào đón ở khắp mọi nơi. Trong nhiều năm, các cuộc biểu tình phản đối căn cứ Không quân Hoa Kỳ đặt tại Ramstein của Đức vẫn tiếp tục diễn ra.

Tại Cộng hòa Séc, từ hồi năm 2014, người ta đã đóng một căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng núi Brda, nơi dự kiến đặt một trạm radar phòng thủ tên lửa. Căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa từ lâu đã khiến người dân địa phương khó chịu hô vang "Người Mỹ hãy về nhà đi!"

Tuy nhiên, "những kẻ chiếm đóng" Hoa Kỳ không có ý định rời bỏ bất kỳ quốc gia nào. Chỉ có một quá trình giảm lực lượng quân sự, và đôi khi nó chỉ là một sự tái triển khai. Ví dụ, ở Đức, nơi quân đội Mỹ đang rời đi với số lượng 9,5 nghìn người (trong tổng số 34,4 nghìn người) thì lực lượng đó chủ yếu được chuyển đến Ba Lan và chỉ một số ít được điều về Mỹ.

Và Nga cũng sẽ không rời bỏ các căn cứ quân sự ở nước ngoài của mình. Còn nhớ trải nghiệm về sự sụp đổ của quân đội Liên Xô, khi một nửa châu Âu và một số khu vực khác bị "mất". Và bây giờ mọi người chắc biết rõ là ai đang ở đó?

NguynQuang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/quan-doi-tho-nhi-ky-bi-duoi-khoi-syria-3421414/