Thỏa thuận hòa bình Israel-Bahrain sẽ tái định hình Trung Đông ra sao?

Nhiều khả năng nhiều quốc gia Arab nữa sẽ theo chân Bahrain và Israel để ký thỏa thuận hòa bình với Israel, tạo ra cục diện mới ở Trung Đông.

Thỏa thuận do Mỹ làm trung gian giữa Israel và 2 nước đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh là cột mốc quan trọng trong tiến trình của Mỹ hướng tới một nền hòa bình giữa Israel và khối Arab.

Bahrain đã tiếp bước các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một đồng minh lâu năm của Mỹ trong thế giới Arab, trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel.

Thủ tướng Israel ký thỏa thuận hòa bình đồng thời với UAE và Bahrain. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Israel ký thỏa thuận hòa bình đồng thời với UAE và Bahrain. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì lễ ký kết tại Nhà Trắng vào hôm 15/9 với sự tham gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan.

Các quan chức đã ký 2 văn bản riêng rẽ: Hiệp ước hòa bình Israel-UAE và một tuyên bố của Israel và Bahrain về việc tạo dựng hòa bình.

Các thỏa thuận giữa Israel và 2 nước vùng Vịnh nói trên (do Mỹ làm trung gian) là những cột mốc quan trọng trong hành trình ngoại giao kéo dài hướng tới một nền hòa bình rộng hơn giữa Arab và Israel. Đây là 2 nước Arab đầu tiên ký thảo thuận hòa bình với Israel kể từ khi Ai Cập làm điều tương tự vào năm 1979 và Jordan vào năm 1994.

Giới chức Mỹ ca ngợi thỏa thuận này, coi đó là một cột mốc trong lịch sử. Thỏa thuận được đặt tên theo Abraham, ông tổ của đạo Do Thái, Kitô giáo và đạo Hồi.

Cả hai thỏa thuận hòa bình nói trên đều là những thành tựu trung gian hòa giải của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như là kết quả của chiến lược dài lâu của Thủ tướng Israel Netanyahu về chủ động giao lưu với các nước Arab ôn hòa đang ngày càng có chung lợi ích và mối quan tâm với Israel.

Đột phá ngoại giao do áp lực chung từ Iran

Israel, UAE, và Bahrain đều đối mặt với sức ép từ Iran (do phái Shiite chiếm đa số) cũng như từ các nhóm cực đoan Hồi giáo dòng Sunni. Cả 3 nước này đều quan ngại về Thổ Nhĩ Kỳ khi quốc gia này ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và các chi nhánh của tổ chức này trong các cuộc xung đột ở Syria, Gazam, và Libya.

Cả 2 thỏa thuận (giữa Israel với UAE và với Bahrain) đều dọn đường cho Israel, Bahrain, và UAE thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, công nghệ, và du lịch, và quan trọng nhất là hợp tác chiến lược ứng phó với Iran.

Thái độ của Iran đối với 3 nước này đã kéo 3 nước lại gần nhau, và có vẻ Iran sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại khi Israel tăng cường quan hệ với khối Arab.

Thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE chỉ rõ rằng “Israel và UAE sẽ cùng với Mỹ thực hiện một chương trình chiến lược về Trung Đông để làm sâu sắc thêm hợp tác ngoại giao, thương mại, và an ninh giữa các nước cũng như với các nước khác cam kết hòa bình và không can thiệp”.

Thỏa thuận này giúp Iran nhận thức rõ hơn về hợp tác quân sự và tình báo giữa Israel và 2 vương quốc Arab, đồng thời được dự kiến sẽ mở đường cho việc Mỹ xuất khẩu các vũ khí tối tân của mình sang 2 nước này, có thể là cả máy bay tàng hình F-35 và phi cơ không người lái vũ trang từng bị từ chối trong quá khứ.

Với việc thúc đẩy đàm phán giữa Israel và các nước Arab, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump tìm cách tái khởi động tiến trình hòa bình khu vực, khuyến khích phía Palestine linh hoạt hơn nữa.

Jared Kushner (con rể của Tổng thống Trump) - nhân vật đóng vai trò hàng đầu trong các đột phá ngoại giao vừa qua ở Trung Đông, đánh giá rằng các thỏa thuận này cho thấy nhiều lãnh đạo khu vực đã mệt mỏi về việc phải đợi chờ người Palestine.

Israel sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Arab nào nữa sau UAE?

VOV.VN - Israel và UAE vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sau đột phá này, Israel sẽ còn lập quan hệ ngoại giao với những nước Arab nào nữa?

Lợi ích quốc gia trên hết

Giới lãnh đạo của Bahrain và UAE đã đặt lợi ích dân tộc mình lên trên hết. Nhiều nước Arab vùng Vịnh đã phẫn uất trước việc Palestine ủng hộ Saddam Hussein đưa quân vào chiếm Kuwait vào năm 1990.

Nhiều nước Arab vùng Vịnh cũng phê phán Hamas và các phần tử cực đoan Palestine vì đã hợp tác gần gũi với Iran – kẻ thù không đội trời chung của họ.

Giới lãnh đạo trẻ và năng động của Bahrain và UAE cũng không hài lòng với tầng lớp lãnh đạo Palestine hiện nay.

Bahrain và UAE cảm nhận rằng các yêu cầu của giới lãnh đạo Palestine là không thực tế và họ đang chủ động tìm kiếm hòa bình. Cả 2 nước đều đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ Mỹ thúc đẩy hòa bình giữa Israel và khối Arab.

Hai nước Arab này cũng nhận được sự ủng hộ của Saudi Arabia trong các nỗ lực hòa bình của mình. Dù Saudi Arabia cẩn trọng tránh công khai tham gia các đàm phán hòa bình, nước này vẫn bắn đi tín hiệu ủng hộ các chuyến bay thương mại giữa Israel và UAE cũng như các chuyến bay của Israel hướng về phía đông.

Marốc, Oman, và Sudan nhiều khả năng sẽ tham gia hòa đàm với Israel trong tương lai gần. Nếu đà đàm phán này được duy trì, các thỏa thuận UAE và Bahrain có thể tiếp thêm hơi thở mới vào sáng kiến hòa bình của Mỹ, vốn bị Palestine phản đối với yêu sách đưa hàng trăm ngàn người Palestine tị nạn về Israel.

Các thỏa thuận hòa bình của Bahrain và UAE với Israel có thể kích thích Palestine lựa chọn một quan điểm đàm phán thực tế hơn với Israel và tham gia cùng các nước Arab khác trên con tàu hòa bình./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thoa-thuan-hoa-binh-israel-bahrain-se-tai-dinh-hinh-trung-dong-ra-sao-779548.vov