Quân đội Nga: Từ 'Diện mạo mới' đến 'Bước tiến mới'

Lầu Năm Góc đánh giá Quân đội Nga đã hoàn toàn lột xác so với thời hậu Liên Xô...

Trước đây, ấn tượng của Mỹ-NATO về Quân đội Nga chỉ là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ

Trước đây, ấn tượng của Mỹ-NATO về Quân đội Nga chỉ là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ

Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ (Center For Naval Analyses - CNA) vừa công bố báo cáo về những thành tựu của Moscow trong lĩnh vực quốc phòng, sau “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Gruzia tháng 8/2008 và đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Những kết luận gây thất vọng cho Mỹ: Quân đội Nga ngày nay có khả năng thiết lập sự thống trị thông tin trên chiến trường, sở hữu đội máy bay không người lái tác chiến kiểu "bầy đàn", robot chiến đấu hoạt động độc lập, sử dụng nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quân đội. Tức là, quân đội Nga hiện nay khác hẳn với thời kỳ đầu thế kỷ.

Xó bỏ định kiến về “Một đội quân to xác, chỉ mạnh về hạt nhân”

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên bang Xô viết tan rã vào những ngày cuối cùng của năm 1991 cho đến đầu thế kỷ 21, Liên bang Nga chỉ nổi lên là một trong 15 nước cộng hòa mới được thừa hưởng nhiều vũ khí chiến tranh của Hồng quân Liên Xô.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga ngày càng sâu sắc trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, các lực lượng vũ trang Nga cũng suy giảm về quy mô và suy yếu nhiều về thực lực. Vào thời điểm đó, đúng như Mỹ-NATO nhận định, Quân đội Nga là một đội quân “to xác, chỉ mạnh về hạt nhân”, còn các lĩnh vực khác hết sức lạc hậu.

Những yếu kém của Quân đội Nga đã bộc lộ trong “Chiến tranh Nam Ossetia 2008”

Nhận xét này hoàn toàn đúng với những thể hiện của Quân đội Nga trong cuộc chiến tranh ngắn này với Gruzia trên cả vùng đất ly khai Nam Ossetia và lãnh thổ Gruzia vào tháng 8/2008 (còn được gọi là “Cuộc chiến tranh 5 ngày” hay “Chiến tranh Nam Ossetia 2008”).

Sự thể hiện của Quân đội Nga trong chiến thắng chóng vánh nhưng không lấy gì làm ấn tượng trước Gruzia đã bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng về cả yếu tố con người, vũ khí trang bị, trình độ chiến-kỹ thuật; thể hiện rõ sự lạc hậu so với quân đội phương Tây, đặc biệt là tư duy tác chiến cũ kỹ, ít áp dụng các thành tựu công nghệ.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến ngắn ngủi này, Nga đã tự nhận thức được sự yếu kém của mình và tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng với tên gọi đúng với tính chất của nó là “Diện mạo mới”. Chương trình cải cách này nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nền kinh tế đang hồi phục thần kỳ.

Chương trình cải cách "Diện mạo mới" theo định hướng chỉ huy đơn giản hóa, giải tán các sư đoàn hạng nặng, ưu tiên các lữ đoàn cơ động làm nòng cốt của quân đội mới; tăng cường hàm lượng vũ khí trang bị hiện đại. Kết quả đã gia tăng tính chuyên nghiệp và năng lực chiến đấu của Quân đội Nga.

Đặc biệt là với ngân sách quốc phòng rất ít ỏi nhưng nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã có những thành tựu kinh ngạc, sản xuất thành công những vũ khí, trang, thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, có ý nghĩa quyết định nâng cao sức mạnh quân đội Nga.

“Diện mạo mới” của quân đội Nga bắt đầu lộ diện trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, khi họ mở chiến dịch kinh điển mang tên “Mùa xuân Crimea” vào tháng 2 và tháng 3 năm 2014.

Việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự chớp nhoáng nhưng bao gồm rất nhiều khâu phức tạp, bí mật tràn ngập Crimea, bảo vệ thành công cuộc chuyển giao bán đảo này về tay Nga đã cho thấy trình độ tổ chức và khả năng nghi binh, giữ bí mật của họ tốt đến mức nào.

Lực lượng quân sự Nga phong tỏa căn cứ quân sự Ukraine ở bán đảo Crimea tháng 3/2014

Bên cạnh đó, các binh sĩ Nga cũng xuất hiện với những vũ khí và trang bị cực kỳ hiện đại, cho thấy quân đội nước này đã tiệm cận hình mẫu về quân đội phương Tây.

Đến cuộc chiến ở Syria thì Mỹ đã nhận thức đầy đủ một chân lý là sức mạnh của quân đội Nga đã đạt đến đẳng cấp số 1 thế giới. Lầu Năm Góc choáng ngợp trước khả năng hiện đại hóa nhanh chóng và sự tiến bộ trong kỹ-chiến thuật của các Lực lượng vũ trang Nga.

Thế nhưng điều đó vẫn là chưa đủ với tham vọng của ông Putin. Một “Diện mạo mới” chỉ thể hiện sự tiên tiến về vẻ bề ngoài, còn một “Bước tiến mới” mới là biểu hiện thực sự về sức mạnh của một quân đội hàng đầu thế giới. Những kinh nghiệm thu nhận được trong cuộc chiến ở Syria đã khiến Quân đội Nga tiến hành một cuộc cải tổ mới.

Báo cáo của Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ nêu rõ rằng, sau hơn hai thập kỷ xây dựng lại, công cuộc cải cách và tái đầu tư đã biến các lực lượng vũ trang của Nga trở thành lực lượng mạnh nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với sự biến đổi đáng kinh ngạc về chất.

Từ “Diện mạo mới” đến “Bước tiến mới”

Cách tiếp cận mới về chất

Sau khi tích lũy kinh nghiệm về chiến tranh hiện đại ở Syria, Moscow đã hình thành tầm nhìn của riêng mình về "chiến trường của tương lai" không khác nhiều so với quan điểm của phương Tây.

Sự xuất hiện của vũ khí mới và công nghệ quân sự tiên tiến cho phép Nga "thu hẹp khoảng cách công nghệ với Hoa Kỳ và các đồng minh". Đây là đánh giá thận trọng nhất, còn nếu nói thẳng ra, có những mặt Nga đã vượt qua Mỹ và các đồng minh chủ chốt trong NATO.

Chuyên gia Samuel Bendett của CNA cho biết: “Đây là một đội quân hoàn toàn khác so với trước năm 2009. Người Nga đã cải tiến đáng kể bộ máy quân sự của họ, đang tích cực tiến lên trong những lĩnh vực mà chúng tôi đã tin chắc phương Tây đang chiếm lợi thế”.

Máy bay không người lái trinh sát và tấn công Orion của công ty Kronstadt

Vị chuyện gia Mỹ nhấn mạnh, Nga không ngại thử nghiệm, sử dụng những cách tiếp cận mới; Lực lượng vũ trang Nga có trình độ phát triển công nghệ quân sự ngày càng cao; mức độ tương tác giữa các Quân-Binh chủng và tính linh hoạt trong việc sử dụng chúng ngày càng tăng.

Theo các chuyên gia CNA, trước đây Nga đã dựa vào vũ lực và hỏa lực trong các cuộc xung đột vũ trang, "cố gắng đè bẹp kẻ thù bằng lực lượng xe tăng và pháo binh rất lớn" (mặc dù không ai nghi ngờ vai trò của xe tăng và pháo binh trong chiến tranh hiện đại).

Nhưng giờ đây, Moscow đang đặt cược vào "sự thống trị thông tin trên chiến trường", cố gắng "nhìn xa hơn và nghe nhiều hơn đối phương” trong khu vực xung đột.

Vì vậy, công nghệ trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực chỉ huy và kiểm soát quân đội, trong hệ thống cảnh báo sớm về cuộc tấn công bằng tên lửa, trong huấn luyện quân đội và hậu cần quân sự.

Phân tích địa chính trị và chỉ huy quân sự

Nga sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích bức tranh địa chính trị thế giới dựa trên một loạt dữ liệu lớn về các cuộc xung đột trước đây. Ở cấp độ hoạt động, quân đội sử dụng AI để liên kết các đơn vị thuộc các loại và chi nhánh khác nhau của Lực lượng vũ trang thành một mạng duy nhất, nhằm cải thiện khả năng phối hợp và tăng tốc quá trình ra quyết định.

Ví dụ, trong tương lai gần, một đơn vị lực lượng đặc biệt ở vùng hậu phương địch sẽ có khả năng rất nhanh chóng nhận thông tin từ máy bay không người lái hoặc vệ tinh, lựa chọn loại vũ khí để tiêu diệt mục tiêu và điều khiển hỏa lực.

Lầu Năm Góc thừa nhận rằng, khái niệm này có nhiều điểm tương đồng với khái niệm mới của Mỹ về chỉ huy và kiểm soát toàn miền chung (Joint All-Domain Command and Control – JADC2). “Nga đang cố gắng hiểu Lầu Năm Góc và NATO đang mưu toan những gì” - chuyên gia Sam Bendett nhận định.

Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumph của Nga

Mọi sự chú ý của các nhà chức trách quân sự và chính trị của Nga đều hướng về phương Tây. Và những nỗ lực của các nhà khoa học Nga nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đang tập trung vào việc ngăn chặn mối đe dọa đối với đất nước từ Liên minh Bắc Đại Tây Dương. NATO càng mạnh thì Nga càng tích cực triển khai các biện pháp đối phó.

Các chuyên gia của CNA cho rằng, Moscow nhận thấy mối nguy hiểm chính là Không quân Mỹ. Trong trường hợp quan hệ với phương Tây trở nên trầm trọng hơn, Không quân Mỹ có thể mở cuộc không kích quy mô lớn vào Nga, như trường hợp của Nam Tư vào cuối những năm 1990.

Theo Lầu Năm Góc, đây là lý do tại sao Nga liên tục đưa AI vào hệ thống phòng không, điều này sẽ giúp họ phản ứng nhanh chóng - gần như ngay lập tức - với các tình huống tác chiến trên không, từ phát hiện mục tiêu, bám bắt mục tiêu, chỉ thị mục tiêu, điều phối tấn công mục tiêu, điều khiển tên lửa đạt độ đánh chặn chính xác cao nhất.

Robot chiến đấu và AI trên không và trên biển

Báo cáo của CNA nhận định rằng, trong các cuộc xung đột vũ trang tiềm năng, Nga dự định sử dụng rộng rãi các nền tảng không người lái và trong tương lai sẽ thay thế hoàn toàn con người bằng robot.

Các nhà phân tích Mỹ nhắc nhở: Vào năm 2018, các UAV của Nga đã thực hiện hơn 23.000 chuyến bay với tổng thời gian hơn 140.000 giờ. Dù Nga chưa có nhiều UAV tấn công, nhưng, nước này có kinh nghiệm phong phú trong việc sử dụng UAV để trinh sát và điều chỉnh hỏa lực pháo binh.

Ngoài ra, Nga đang cố gắng sử dụng AI để chống lại các máy bay không người lái tấn công kiểu "bầy đàn", cũng dựa trên kinh nghiệm tác chiến đã thu lượm được ở Syria.

Đối với cuộc chiến trên biển, theo các chuyên gia của CNA, người Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các loại thiết bị hoạt động dưới nước không người lái có khả năng tấn công mạnh vào các tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Mỹ.

Xe bọc thép Patrol và UAV Strekoza trong thử nghiệm công nghệ vũ khí tiên tiến của Nga

Các chuyên gia kêu gọi Lầu Năm Góc phải hết sức cảnh giác với những mối đe dọa này, nếu không, Hải quân Hoa Kỳ sẽ phải hối hận.

Các nhà phân tích ở bên kia đại dương có đủ mọi lý do để lý luận như vậy. Ví dụ, vào cuối tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết rằng, Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các robot chiến đấu được trang bị trí tuệ nhân tạo.

Theo ông, "... đây không chỉ là một số nguyên mẫu thử nghiệm và cũng không chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng", mà thực sự đã có những loại robot đã trực tiếp tham gia chiến đấu, để Nga có thể đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, tiếp tục phát huy các điểm mạnh, khắc phục triệt để những nhược điểm của chúng.

Ủy ban Công nghiệp-Quân sự thuộc Chính phủ Liên bang Nga thông báo rằng, thời gian tới, một bộ phận đặc biệt về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quân sự sẽ xuất hiện trong bộ quốc phòng nước này.

Lời kết:

Với một quân đội có quy mô nhỏ hơn nhiều cường quốc khác nhưng lại sở hữu năng lực chiến đấu hàng đầu thế giới, nếu xét về hiệu quả chiến đấu, tính chuyên nghiệp so với ngân sách đầu tư thì Nga xứng đáng đứng đầu thế giới về hiệu quả đầu tư cho quốc phòng.

Ngày xưa, Mỹ chỉ lo lắng về kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga nhưng hiện nay, bất cứ loại vũ khí thông thường nào của Nga cũng khiến Washington phải giật mình. Cùng với đó là khả năng cơ động quy mô lớn; năng lực tác chiến xuyên biên giới; trình độ phối hợp, hiệp đồng quân binh chủng trên chiến trường rộng lớn của Quân đội Nga cũng đã vượt lên một tầm cao mới.

Giới chuyên gia quân sự Mỹ đã đi đến kết luận rằng: Đã đến lúc Washington suy ngẫm lại một cách tổng quát, thay đổi chiến lược ngăn chặn, thậm chí thay đổi cả cấu trúc quân đội Mỹ đề phòng trường hợp xảy ra đối đầu quân sự với Nga, không chỉ trên biên giới Đông Âu mà còn trên toàn thế giới.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/quan-doi-nga-tu-dien-mao-moi-den-buoc-tien-moi-3433364/