Quân đội Mỹ rục rịch rời khỏi Afghanistan

Lính Mỹ đã bắt đầu vận chuyển thiết bị quân sự và kết thúc hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Afghanistan để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của việc rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Vận chuyển xe quân sự của Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Military Times

Hồi giữa tháng 4 này, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố giai đoạn cuối của quá trình rút quân khỏi Afghanistan bắt đầu vào ngày 1-5 và sẽ hoàn tất trước 11-9-2021 (tròn 20 năm sau vụ tấn công khủng bố của tổ chức Al Qaeda ở Mỹ, khơi mào cuộc chiến dài nhất trong lịch sử xứ cờ hoa). Kể từ thông báo đó, quân đội đã vận chuyển khí tài cũng như cắt đứt hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ như thu gom rác và bảo trì tại địa phương.

Hôm 22-4, một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ trong khi phần lớn thiết bị sẽ được không vận về nước, quân đội cũng sẽ sử dụng các tuyến đường bộ ở Pakistan và khu vực Trung Á. Riêng những thiết bị không đưa về Mỹ hoặc không để lại cho lực lượng an ninh Afghanistan sẽ được bán cho các nhà thầu. Có nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động rút quân có thể hoàn tất trước ngày 11-9 tới.

Cần lực lượng bảo vệ quá trình rút quân

Trong quá trình rút quân, lực lượng Mỹ và NATO có những lo ngại về sự an toàn cho mình. Số là theo thỏa thuận mà Taliban đã ký với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, hạn chót để Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan là ngày 1-5. Trong đó, phía Taliban cam kết sẽ không tấn công lính Mỹ và NATO nhưng rồi cũng nhắc tới “những hậu quả” nếu Washington phớt lờ hạn chót 1-5. Chính quyền đương nhiệm ở Mỹ thì lập luận rằng thời hạn đó khó có thể đạt được do thiếu thời gian chuẩn bị và việc Taliban không giữ đúng lời hứa về giảm bạo lực. Bởi vậy, một số nhà phân tích và nghị sĩ nhận thấy khả năng cao Taliban sẽ thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào các lính Mỹ đang rút quân. Nhóm phiến quân Hồi giáo này hiện có ít nhất 50.000 tay súng và kiểm soát lãnh thổ nhiều hơn so với cách đây một thập niên.

Vì những lý do trên, tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 22-4, Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ Kenneth McKenzie lên tiếng yêu cầu triển khai một tàu sân bay trong khu vực để giúp bảo vệ lực lượng do Mỹ dẫn đầu khi họ rời khỏi Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu rõ chiến dịch rút quân của nước này sẽ diễn ra một cách an toàn và trật tự. Nếu yêu cầu trên được duyệt, hai hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower và USS Theodore Roosevelt nhiều khả năng là “những ứng viên”. Hiện nay, chiếc Eisenhower đang được triển khai tại Ðịa Trung Hải, còn Roosevelt nằm ở cảng nhà tại San Diego.

Afghanistan có khả năng sụp đổ?

Cũng tại phiên điều trần trên, Tướng McKenzie cảnh báo lực lượng an ninh Afghanistan “chắc chắn sẽ sụp đổ” nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ. Ông này bày tỏ lo ngại về khả năng cầm cự và vận hành máy bay của quân đội Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Khi đó, việc theo dõi và tấn công các tay súng Al Qaeda tại Afghanistan sẽ càng khó khăn hơn. Phát biểu trước Hạ viện hôm 20-4, Tướng McKenzie nhấn mạnh hoạt động thu thập thông tin tình báo chắc chắn cũng sẽ giảm nếu không có các quân nhân Mỹ và máy bay không người lái tại Afghanistan vốn có thể giúp truyền tải nhanh thông tin về các mối đe dọa tiềm tàng. Mỹ không có căn cứ quân sự xung quanh Afghanistan, do vậy các chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom sẽ phải bay với khoảng cách xa từ hàng không mẫu hạm/căn cứ tại vùng Vịnh để tới các mục tiêu ở Afghanistan.

Do đó, theo ông McKenzie, sự hỗ trợ về tài chính và các khía cạnh khác của Mỹ cho quân đội Afghanistan là rất cần thiết sau khi binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cũng “rút chân” khỏi đất nước này. Mỹ cùng với các đồng minh NATO mỗi năm tài trợ hàng tỉ USD cho lực lượng an ninh Afghanistan trong 2 thập niên qua. Trong năm nay, Mỹ đã chi hơn 3 tỉ USD để “nuôi” đội quân này, bao gồm trả lương và hỗ trợ các trực thăng hiện đại của Washington. Hiện chỉ còn hơn 2.500 lính Mỹ đóng quân ở Afghanistan trong tổng số 9.600 binh sĩ NATO đang hiện diện tại nước này.

Một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan có nguy cơ tạo ra khoảng trống cho phép các tổ chức khủng bố, đặc biệt là Al Qaeda, một lần nữa quay trở lại. Việc Taliban đồng ý cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố, trong đó có Al Qaeda, cũng như cam kết ngăn chặn Al Qaeda hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan, là một điều kiện tiên quyết dẫn đến thỏa thuận hòa bình với Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, việc Al Qaeda từng duy trì mối quan hệ phức tạp với Taliban đã làm dấy lên những hoài nghi về việc Taliban có thể hoàn toàn chấm dứt quan hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng này hay không, cũng như ý định thực sự của Taliban với những cam kết.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, NBC News, TTXVN)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/quan-doi-my-ruc-rich-roi-khoi-afghanistan-a132606.html