Quân đội Mỹ làm gì để nắn gân Trung Quốc?

Để chống 'hai đối thủ cạnh tranh lớn' là Trung Quốc và Nga, 'các lực lượng Mỹ phải được triển khai ở nước ngoài theo hướng tiến bộ và viễn chinh hơn'.

Mỹ dịch chuyển sức mạnh

Mỹ đang tỏ rõ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trên tất cả các “mặt trận”, từ kinh tế thương mại đến chính trị, ngoại giao và quân sự. Đáng chú ý, quân đội Mỹ đã liên tục có những điều chỉnh để ứng phó với cái mà họ coi là “mối đe dọa” gồm Nga và Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asia Review của Nhật Bản vừa cho đăng tải bài phân tích về các động thái điều chuyển lực lượng gần đây của quân đội Mỹ và chỉ ra 3 xu hướng trong các hoạt động toàn cầu của quân đội Mỹ gồm:

1/Dịch chuyển về mặt địa lý từ châu Âu và Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương; 2/ Chuyển đổi từ chiến đấu trên bộ sang khái niệm "trận chiến trên biển và không"; 3/ Duy trì chi tiêu quốc phòng.

Mỹ vừa điều 2 tàu sân bay tới thực hiện FONOP ở khu vực Biển Đông

Mỹ vừa điều 2 tàu sân bay tới thực hiện FONOP ở khu vực Biển Đông

Vài nghìn binh sỹ Mỹ đang đóng quân ở Đức dự kiến sẽ được điều chuyển tới các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Australia. Động thái này được đánh giá là phản ánh sự thay thổi ưu tiên của quân đội Mỹ.

Trong Chiến tranh Lạnh, các chiến lược gia quốc phòng Mỹ cho rằng cần phải duy trì một lực lượng trên bộ khổng lồ ở châu Âu để khống chế Liên Xô. Trong những năm 2000, khi Mỹ tiến hành "cuộc chiến chống khủng bố" tại Iraq và Afghanistan, trọng tâm chủ yếu tập trung vào Trung Đông. Tờ báo Nhật Bản cho rằng, giờ đây, cuộc chơi tập trung vào Trung Quốc.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông Robert O'Brien hồi cuối tháng trước tuyên bố để chống lại "hai đối thủ cạnh tranh lớn" là Trung Quốc và Nga, "các lực lượng Mỹ phải được triển khai ở nước ngoài theo hướng tiến bộ và viễn chinh hơn so với những năm gần đây".

Binh sĩ Mỹ tại châu Âu

Ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông O'Brien cho rằng "Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với thách thức địa-chính trị quan trọng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc". Một ví dụ được đưa ra là việc Trung Quốc tiếp tục chi tiền để tăng cường sức mạnh quân sự. Chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc được cho là cao hơn rất nhiều so với ngân sách được công bố hàng năm, vốn đã cao gần gấp 3 lần ngân sách quốc phòng của Nga.

Điểm mấu chốt trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc là chống tiếp cận/ chống xâm nhập (A2/AD) nhằm không cho các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ tiếp cận bờ biển Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã tăng cường các hệ thống tên lửa chính xác và radar tinh vi.

Việc tái triển khai các lực lượng Mỹ phản ánh cả 3 khía cạnh trong xu hướng hoạt động toàn cầu của quân đội Mỹ. Về mặt địa lý, sự dịch chuyển ra khỏi Trung Đông đã được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng đá phiến. Mối quan tâm của Mỹ ở Trung Đông đã giảm do sự phụ thuộc của Mỹ vào khu vực này về mặt năng lượng đã giảm.

Về mặt chiến lược, quân đội Mỹ đã chuyển trọng tâm và nguồn lực sang Hải quân và Không quân bởi vì giờ đây mối đe dọa từ một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn ở châu Âu đang giảm dần. Khái niệm “Trận chiến trên biển và trên không” được công bố năm 2010 nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ A2/AD của Trung Quốc bằng cách sử dụng máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm.

Trung Quốc tăng cường lực lượng tên lửa cho chiến lược A2/AD

Về vấn đề chi phí, Tổng thống Trump liên tục bày tỏ sự thất vọng về chi phí khổng lồ của việc triển khai quân đội Mỹ trên khắp thế giới và đã buộc các quốc gia chủ nhà phải chịu thêm gánh nặng tài chính.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm từ 184.000 quân vào năm 1987 xuống còn 131.000 quân vào năm 2018. Tuy nhiên, mức giảm đó ít hơn nhiều so với mức giảm ở châu Âu trong cùng giai đoạn, từ 354.000 quân xuống còn 66.000 quân, với xu hướng chung là hướng tới một lực nhỏ hơn, gọn hơn.

Người Mỹ rụt rè

Trong khi đó, bình luận về "Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương" (PDI) mà chính quyền Mỹ mới đưa ra, trang CNN cho rằng sáng kiến này có nhiều điều sai lầm, phí tổn thực sự và lớn nhất của nó là làm sai lệnh những lợi ích an ninh của Mỹ cũng như những ưu tiên chính trị của nước này.

Đây là một sáng kiến chi tiêu quốc phòng trị giá hàng tỷ USD nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Tuy nhiên, CNN nhận định PDI có thể là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi, là một ý tưởng tồi tệ khi tính đến việc đã có những đe dọa về một cuộc xung đột vũ trang từ hàng chục năm qua.

Mỹ triển khai Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương

Theo CNN, chi phí tài chính cho sáng kiến PDI không hề nhỏ, và phí tổn của việc gia tăng đối đầu với Trung Quốc cũng vậy khi đây là những chi phí để phát động thêm một nỗ lực quân sự vốn không nhận được sự ủng hộ của công chúng Mỹ.

Một cuộc thăm dò dư luận do Eurasia Group Foundation tiến hành cho thấy đa số người Mỹ được hỏi đều mong muốn cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á.

Nếu Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ thông qua đề xuất thì sáng kiến PDI được cho là sẽ ngốn gần 7 tỷ USD trong vòng 2 năm tới và thêm hàng tỷ USD nữa trong các năm tiếp theo. Con số 7 tỷ USD này cỏ vẻ chỉ như “muối bỏ bể” so với ngân sách quốc phòng 738 tỷ USD của Mỹ.

Vấn đề ở đây là CNN coi việc chi tiêu 7 tỷ USD này là không cần thiết. Theo CNN, sức mạnh quân sự hiện nay của Mỹ, vốn vượt xa cả thời kỷ đỉnh điểm khi chính quyền Ronald Reagan củng cố sức mạnh quân sự Mỹ vào những năm 1980, quá đủ để đối phó với bất kỳ thách thức quân sự nào do Trung Quốc gây ra.

Washington chi tiêu quân sự gấp 2,5 lần so với mức chi tiêu của Trung Quốc, và không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh có tham vọng theo kịp hoặc thế chân cỗ máy quân sự toàn cầu này của Mỹ.

CNN không đánh giá quá cao năng lực của quân đội Trung Quốc

Cũng theo CNN, mặc dù Bắc Kinh đã đạt được những tiến bộ về công nghệ quân sự và thể hiện sự hung hăng, song có một thực tế là Trung Quốc có đủ những vấn đề trong nước cần chú tâm. CNN dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng một nửa lực lượng quân sự của Trung Quốc đã được huy động để bảo vệ an ninh biên giới và an ninh nội bộ, không còn năng lực phô diễn sức mạnh quân sự bên ngoài lãnh thổ của mình.

CNN dẫn một nghiên cứu khác của Eurasia Group Foundation cho biết, đa số người Mỹ muốn đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á bằng cách giảm thiểu sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực này, đồng thời chuyển giao năng lực cho các đồng minh khu vực để họ có thể tiến tới khả năng tự vệ.

Người Mỹ đang lo ngại về việc dàn trải sức mạnh quá mức trong hàng chục năm qua và không muốn có thêm các cuộc phiêu lưu quân sự.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/quan-doi-my-lam-gi-de-nan-gan-trung-quoc-3410091/