Quân đội Mỹ không thích hợp đối đầu Nga-Trung?

Trung Quốc và Nga là các đối thủ 'khó chơi' vì tạo ra những thách thức đa chiều ở các khu vực gần lãnh thổ khiến quân đội Mỹ khó đối phó.

Chiến thuật vùng xám

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết ngày 21/2 hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku, thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, trong ngày thứ 2 liên tiếp.

Đây là lần thứ 9 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật Bản trong năm nay, vốn nằm trong chiến thuật được gọi là “vùng xám” đang gây khó dễ cho Mỹ và các nước đồng minh.

Trang The Diplomat mới đây đăng tải ý kiến của chuyên gia Bryan Clark, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Nhận thức Quốc phòng tại Viện Hudson, nói về cách thức hoạch định chiến lược quân sự của Mỹ cho cuộc xung đột quân sự với Nga và Trung Quốc, cả trong trường hợp chiến tranh quy ước và không quy ước.

Chuyên gia này chỉ ra rằng quân đội chính quy với quân số khổng lồ, trang bị hạng nặng và ngân sách tốn kém không thích hợp trong các cuộc xung đột không quy ước.

Quân đội Mỹ thể hiện cả sức mạnh lẫn sự bất lực trong nhiều cuộc chiến

Quân đội Mỹ thể hiện cả sức mạnh lẫn sự bất lực trong nhiều cuộc chiến

Theo chuyên gia này, tham khảo ý kiến của cộng đồng tình báo, các nhà hoạch định quân sự Mỹ sẽ xác định những sự kiện nên được sử dụng để lên kế hoạch về quy mô và mức độ phối hợp giữa các lực lượng Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa việc lập kế hoạch cho những tình huống có khả năng xảy ra nhất và kịch bản cho những sự kiện nghiêm trọng nhất.

Ví dụ, các cuộc xung đột quy mô lớn và cường độ cao như các cuộc tấn công Đài Loan hoặc Latvia sẽ gây khó khăn cho Mỹ và các đồng minh quân sự, nhưng lại ít có khả năng xảy ra hơn so với các kịch bản như một cuộc đối đầu không rõ ràng và kéo dài giữa Trung Quốc hoặc Nga với các quốc gia láng giềng.

Giới hoạch định quân sự Mỹ thường chọn các kịch bản cường độ cao, mặc dù các cuộc xung đột kéo dài có thể khiến quân đội Mỹ khó xử lý hơn.

Theo Bryan Clark, sau khi đã quyết định kịch bản, các nhà hoạch định xây dựng một mô tả chi tiết những sự kiện dẫn tới xung đột, khả năng hành động của kẻ thù, đồng minh, của chính phủ và quân đội bên không tham chiến, cũng như chiến lệnh sẽ được triển khai của mỗi bên tham gia. Các kịch bản thường không nêu chi tiết hành động của chính phủ và quân đội Mỹ.

Trong khi đó, xung đột không theo quy ước được Bryan Clark giải thích là xung đột không liên quan tới quá trình chiến đấu liên tục giữa các lực lượng vũ trang chính quy (cuộc nổi dậy của các lực lượng dân quân được hậu thuẫn; các hành vi quấy rối của chính phủ và các doanh nghiệp đối địch trong không phận hoặc hải phận quốc tế; hoặc sử dụng quân sự, lực lượng chấp pháp và dân sự để phong tỏa vùng lãnh thổ tranh chấp).

Chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc đang gây lúng túng cho Mỹ và các đồng minh

Bộ Quốc phòng Mỹ lên kịch bản cho những sự kiện này, song chúng có mức độ ưu tiên thấp. Tuy nhiên, vì xung đột không theo quy ước ít dữ dội hơn so với các kịch bản truyền thống, quốc gia gây hấn có thể duy trì cuộc xung đột không theo quy ước lâu hơn và triển khai đa dạng nhiều loại hình lực lượng (dân sự và bán dân sự) gây khó khăn cho quân đội Mỹ.

Bryan Clark đánh giá các lực lượng Mỹ phần lớn đều có năng lực cao và quy mô lớn, khiến những chiến dịch quân sự kéo dài thường vô cùng tốn kém và Washington có rất ít lựa chọn trong trường hợp leo thang căng thẳng mức độ thấp.

Hệ quả là Chính phủ Mỹ thường bị coi là kẻ xâm lược trong các cuộc xung đột không theo quy ước vì lực lượng mà họ triển khai không tương xứng với tình hình.

Mỹ cần lực lượng mới?

Theo Bryan Clark, Lầu Năm Góc đã phát triển một bộ các giả định liên quan tới xung đột theo quy ước. Quân đội Mỹ thường cho rằng họ không phải là kẻ gây hấn và sẽ cảnh báo trước về khả năng huy động lực lượng tới khu vực xung đột.

Các lực lượng đã được triển khai sẽ đáp trả các hành vi gây hấn và cố gắng trì hoãn hoặc ngăn chặn các hoạt động của kẻ thù, đồng thời chuẩn bị cho các lực lượng tăng viện đến từ khu vực lân cận hoặc từ lục địa Mỹ.

Quân đội Mỹ có quan điểm ít chặt chẽ hơn về các cuộc xung đột không theo quy ước. Vì các kịch bản này diễn ra ở mức độ dưới mức chiến tranh vũ trang, việc điều động quân đội thường không phải là phản ứng phù hợp.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng không liên tục triển khai các lực lượng chấp pháp như Lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc các đơn vị bán quân sự như nhà thầu- mặc dù việc triển khai lực lượng này ở Tây Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng.

Tàu sân bay biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Mỹ

Việc sử dụng các lực lượng truyền thống thường theo từng đợt và chỉ giới hạn ở mức độ phô trương sức mạnh, các cuộc tập trận, hoặc thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải chứ không phải là trực tiếp chống lại các hoạt động gây hấn không theo quy ước.

Bryan Clark cho rằng Trung Quốc và Nga là các đối thủ “khó chơi” vì họ tạo ra những thách thức đa chiều ở các khu vực gần lãnh thổ của họ. Hai nước này đã thiết lập những mạng lưới cảm biến rộng lớn sử dụng radar, tình báo điện tử và ảnh vệ tinh xung quanh lãnh thổ của mình, được sử dụng để trinh sát và giúp tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhắm trúng mục tiêu.

Chuyên gia Mỹ tin rằng mạng lưới vũ khí và cảm biến giúp Bắc Kinh và Moscow có thể tiến hành các cuộc tấn công nhanh chóng và quy mô lớn tại những khu vực họ quan tâm, như Biển Hoa Đông và Biển Đông đối với Trung Quốc, và tại Đông Âu đối với Nga.

Trong một cuộc xung đột thông thường, tên lửa của Trung Quốc và Nga cho phép họ có thể trì hoãn quá trình tăng viện của Mỹ, đồng thời nhanh chóng tấn công buộc các đồng minh của Mỹ khuất phục. Trong một cuộc xung đột không theo quy ước, Trung Quốc và Nga có thể đe dọa lực lượng quân sự Mỹ và buộc giới chỉ huy quân sự phải điều động các đơn vị nhỏ với rủi ro cao hoặc triển khai các đơn vị lớn hơn nhưng không tương xứng với cuộc đối đầu không theo quy ước.

Lính đặc nhiệm của Mỹ

Thành công của Trung Quốc và Nga trong các chiến dịch “vùng xám” trong thập kỷ qua là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Chính phủ Mỹ đã không xác định được đối sách phù hợp, thỏa đáng đối với một cuộc xung đột không theo quy ước.

Xuất phát từ đánh giá trên, Bryan Clark cho rằng Mỹ sẽ cần thêm nhiều đơn vị quy mô nhỏ hơn và ngốn ít ngân sách hơn cho việc trang bị vũ khí và bảo dưỡng so với quân đội Mỹ hiện nay. Những đơn vị được trang bị khí tài hạng ít nặng hơn như tàu chiến ven biển, tàu tuần duyên, hoặc Vệ binh Quốc gia cấp trung đội có thể sẽ phù hợp hơn trong các cuộc đụng độ không theo quy ước.

Các đơn vị này có chi phí thiết lập và vận hành không quá cao, bởi vậy có thể được sử dụng với số lượng lớn để đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ tại các khu vực tranh chấp trong thời gian dài.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/quan-doi-my-khong-thich-hop-doi-dau-nga-trung-3427984/