Quân đội Iraq áp sát Mossoul, Mỹ dự báo một trận đánh gian nan

Vào hôm 19/10/2016, lực lượng chính phủ Iraq đã tiến được vào nhiều khu phố của Qaraqosh, thành phố Thiên Chúa giáo lớn nhất Iraq, chỉ cách Mossoul 15 km.

Vào hôm 19/10/2016, lực lượng chính phủ Iraq đã tiến được vào nhiều khu phố của Qaraqosh, thành phố Thiên Chúa giáo lớn nhất Iraq, chỉ cách Mossoul 15 km. Đây là một bước tiến quan trọng trên đường chinh phục lại Mossoul, thành phố phố lớn miền Bắc Iraq vẫn nằm trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo tin từ quân đội Iraq, các đơn vị thuộc lực lượng chống khủng bố Iraq đang truy quét và đánh đuổi các thành phần thánh chiến còn trụ lại trong thành phố Qaraqosh. Một sĩ quan cho biết trong thành phố còn một số ổ kháng cự, sử dụng đến xe gài chất nổ, nhưng sẽ không cầm cự lâu.

Trong chiến dịch giải phóng Mossoul, được sự yểm trợ của không quân thuộc Liên minh quốc tế, quân đội Iraq đã tiến rất nhanh trong hai ngày qua. Tuy nhiên, cũng như các lãnh đạo phương Tây khác, tổng thống Mỹ Obama vào hôm 18/10 đã tiên liệu rằng việc chiếm lại được Mossoul sẽ là một trận đánh “khó khăn”, nhưng ông tin chắc là quân thánh chiến sẽ bị đánh bại.

Hiện nay theo AFP còn khoảng 4.500 quân thánh chiến trong thành phố Mossoul, vùng đất chung quanh cũng ở trong tay họ. Vấn đề là còn khoảng 1,5 triệu thường dân ở Mossoul, có nguy cơ bị IS giữ lại làm "lá chắn".

Về phần Nga, tổng thống Putin trong đêm hôm 18/10 đã nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và thủ tướng Iraq Al- Abadi về chiến dịch chiếm lại Mossoul.

Theo thông cáo của điện Kremly, ông Putin đã “chúc chiến dịch của quân đội Iraq và đồng minh thành công”. Nhưng Moscow không tiết lộ về những gì ông Putin nói với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch tái chiếm Mossoul đã gây căng thẳng giữa Ankara và Bagdad. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia, nhưng chính quyền Iraq đã tỏ ý không mặn mà.

Lo ngại gia tăng về số phận thường dân trong tay IS

Trong khi, các lực lượng Iraq và Kurd đang dồn lực lượng tấn công vào thành phố Mossoul, các tổ chức nhân đạo đang có một mối lo khác. Đó là số phận của 1,5 triệu thường dân đang sống trong thành phố và bị quân thánh chiến khống chế. Một làn sóng ồ ạt người chạy nạn sẽ khiến việc tổ chức cứu trợ nhân đạo quá tải. Nhiều tổ chức nhân đạo yêu cầu mở hành lang an toàn giúp thường dân thoát khỏi vòng chiến sự.

Theo tường thuận của RFI, hàng trăm gia đình đã bắt đầu bỏ chạy khỏi thành phố. Gần 500 gia đình đã đến được Qayyarah, một căn cứ nằm ở cách Mossoul khoảng 60 km về phía nam. Họ đến từ các làng nằm xung quanh đồng bằng Ninive và đã được quân đội Irak chăm sóc.

Trước nguy cơ làn sóng người chạy nạn trở nên ồ ạt, các tổ chức phi chính phủ có mặt tại Erbil thực sự hoang mang. Tình trạng mất ổn định chính trị ở Iraq càng làm phức tạp việc chuẩn bị cho các chiến dịch nhân đạo như thế này. Trước khi bắt đầu tấn công, những người làm công tác nhân đạo đã lên tiếng cảnh báo rằng họ "không đủ khả năng để đến trợ giúp hơn một triệu người chạy nạn từ Mossoul".

Một binh sĩ lực lượng Kurd tham gia tấn công giải thích rằng nhiều trại tị nạn vẫn còn đang xây dựng. Theo Liên hiệp quốc, với một số lượng lớn người như vậy di chuyển trong một thời gian ngắn thì bất kỳ một cơ quan nào cũng không thể quản lý nổi.

Hiện tại thường dân ở Mossoul đang bị quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo giữ lại để làm bia đỡ đạn cho chúng.

Mai Vân - Anh Vũ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/quan-doi-iraq-ap-sat-mossoul-my-du-bao-mot-tran-danh-gian-nan-2100680.html