Quân đội châu Âu tự bảo vệ mình trước Trung-Nga-Mỹ

Tổng thống Pháp khẳng định cần một châu Âu có thể tự vệ hiệu quả hơn, theo một cách có chủ quyền hơn, thậm chí là trước Mỹ.

Lời tuyên chiến từ Paris

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Liên minh phòng thủ châu Âu sẵn sàng phản ứng trước các cuộc khủng hoảng gần biên giới châu lục đã ra mắt tại Paris vào ngày 7/11 vừa qua. Tham gia lực lượng này cùng Pháp còn có 9 quốc gia: Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng. EU dự tính sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng từ năm 2021 để dành khoảng 13 tỷ euro (15 tỷ USD) trong vòng 7 năm cho việc nghiên cứu và phát triển thiết bị mới.

Tổng thống Pháp Macron từng kêu gọi có một "quân đội châu Âu thực sự" để bảo vệ chính mình trước Nga và thậm chí cả Mỹ, trong bối cảnh châu lục này kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I.

Tổng thống Pháp E. Macron chỉ thẳng Mỹ là một trong những đối tượng của Liên minh phòng thủ châu Âu

Phát biểu với đài phát thanh Europe 1, Tổng thống Macron, người đã hối thúc việc thành lập một lực lượng quân sự chung của EU kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, cho rằng châu Âu cần giảm bớt phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi một hiệp ước hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Macron nói: "Chúng ta phải bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ. Khi tôi nghe thấy Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông ấy sẽ rút khỏi một hiệp ước giải trừ quân bị chủ chốt ra đời sau cuộc khủng hoảng tên lửa thập niên 1980 làm chao đảo châu Âu, vậy ai sẽ là nạn nhân chính? Đó là châu Âu và an ninh của châu lục này".

Ông Macron còn nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không bảo vệ được châu Âu, trừ khi chúng ta quyết định có một quân đội châu Âu thực sự". Theo ông, "chúng ta cần một châu Âu có thể tự bảo vệ mình hiệu quả hơn mà không chỉ phụ thuộc vào Mỹ, theo một cách có chủ quyền hơn".

Theo nhà lãnh đạo Pháp, EU đã trải qua 70 năm hòa bình và thịnh vượng nhưng "thời kỳ vàng" này có thể sẽ không kéo dài. Hòa bình tại EU hiện đang bấp bênh. Khối này trong thời gian qua đã nhiều lần đối mặt với các cuộc tấn công và can thiệp, đặc biệt trên không gian mạng.

Ông Macron đang thực sự lo lắng cho hòa bình của châu Âu?

Từ hơn một năm trước, ông Macron đã đề xuất ý tưởng thành lập một lực lượng vũ trang bao gồm 9 nước châu Âu vốn có thể nhanh chóng triển khai một chiến dịch quân sự chung, sơ tán người dân từ vùng chiến sự hay cứu trợ sau một thảm họa thiên nhiên nhưng vấp phải sự hoài nghi của các quốc gia khác trong EU do trùng với việc ra mắt một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đầu tư quân sự chung.

Tham vọng vượt quá khả năng?

Hồi tháng 11/2017, 23 trên tổng số 28 nước EU đã tham gia ký kết Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng châu Âu (PESCO) tại Brussels, Bỉ. Chỉ có 5 nước đứng ngoài thỏa thuận này bao gồm Anh, Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta.

Theo thỏa thuận, cũng do Pháp thúc đẩy, 23 quốc gia thành viên PESCO sẽ đóng góp 5,8 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng chung để mua sắm vũ khí và phục vụ các hoạt động quân sự. Ngân sách của EU cũng sẽ dành một khoản tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu quốc phòng.

Hiện chưa rõ liên minh mới thành lập sẽ đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ với PESCO. Giới phân tích cho rằng đây là cách để Pháp thúc một liên minh gồm 10 nước để trở thành một “quân đội thực sự” và làm nòng cốt cho PESCO.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/quan-doi-chau-au-tu-bao-ve-minh-truoc-trung-nga-my-3368897/