Quân đội Ba Lan nếm trái đắng vì ham mua xe tăng Leopard giá rẻ

Hiện nay nhiều quốc gia châu Âu đang bán thanh lý các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 dư thừa với giá rất rẻ để tiến lên các dòng chiến xa tối tân hơn, tuy nhiên đây có thực sự là một món hời như nhiều người vẫn nghĩ?

Quân đội Phần Lan mới đây đã mua 100 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6NL cùng với phụ tùng, đạn dược, thiết bị mô phỏng huấn luyện từ Hà Lan với giá chỉ 200 triệu euro, đây được xem là món hời lớn khi một chiếc Leopard 2A6 sản xuất mới có giá lên tới gần 10 triệu euro.

Trước đó, Canada đã nhanh chân mua lại 20 chiếc Leopard 2A6NL từ Hà Lan, chúng được chuyển giao trong năm 2007. Bồ Đào Nha cũng mua 37 chiếc Leopard 2A6NL, hợp đồng ký năm 2007, chuyển giao vào năm 2008.

Hồi năm 2012, Hà Lan cũng chào bán cho Indonesia 80 xe tăng Leopard 2A6NL đã qua sử dụng với đơn giá 250 triệu USD, tức là chỉ 3,125 triệu USD cho mỗi chiếc.

Mức giá của xe tăng Leopard 2 đã qua sử dụng được xem là rẻ đến mức khó tin, tuy nhiên đây chưa chắc đã là sự đầu tư đúng đắn nếu nhìn vào trường hợp sau đây của quân đội Ba Lan.

Năm 2002, Ba Lan ký hợp đồng mua lại 128 xe tăng Leopard 2A4 của quân đội Đức, các chiến xa này có tuổi đời trong khoảng 25 - 27 năm và tình trạng kỹ thuật được đánh giá là còn khá tốt

Ba Lan đánh giá các xe tăng trên mới chỉ bị hao mòn 25 - 30% và có khả năng sử dụng bình thường thêm ít nhất là 1 thập niên nữa, tuy nhiên từ khi nhận xe cho đến lúc phải đại tu vào năm 2011 thì chúng mới vào biên chế được khoảng hơn 5 năm.

Ngoài các thành phần có độ hao mòn cao như nòng pháo, hệ thống truyền động, khi tiến hành đại tu Ba Lan còn phát hiện ra nhiều vấn đề như kính ngắm ảnh nhiệt của pháo thủ và trưởng xe đi kèm nhiều thành phần của hệ thống kiểm soát hỏa lực đã gần hết thời gian khai thác.

Tuy nhiên các thiết bị này từ lâu đã không còn được sản xuất vì đây là dòng tăng đã tương đối cao tuổi, cho nên quân đội Ba Lan đã quyết định nâng cấp toàn diện xe Leopard 2A4 lên chuẩn Leopard 2PL.

Gói nâng cấp tập trung vào vào kính ngắm, giáp trước, thân xe và gầm xe. Tuy nhiên việc tăng các tấm thép vào gầm để chống mìn đã bị đình chỉ vì sẽ làm tăng khối lượng xe tăng vọt lên 59,5 tấn tương đương Leopard 2A5, bắt buộc phải gia cố hệ thống treo dẫn tới làm tăng chi phí.

Những yêu cầu tiếp theo là thay hệ thống ổn định nòng pháo thủy lực bằng điện, giảm thiểu khả năng xe cháy khi xe bị trúng đạn, bổ sung camera lùi và động cơ điện phụ trợ.

Ngoài ra còn có một gói mở rộng, bao gồm nâng cấp khả năng liên lạc với bộ binh, tích hợp tháp súng máy điều khiển từ xa, điều hòa không khí cho tổ lái, khối tản nhiệt cho thiết bị điện tử. Yêu cầu chung là chi phí của Leopard 2PL sau nâng cấp chỉ được bằng một nửa Leopard 2A6.

Sau nhiều cuộc đấu thầu, cuối cùng hợp đồng nâng cấp 128 xe Leoaprd 2A4 đã được ký kết vào năm 2015, nhà thầu chính là một công ty Ba Lan cùng các đối tác Đức, thời hạn hoàn thành công việc là vào năm 2020.

Giá trị hợp đồng nâng cấp 128 chiếc Leopard 2A4 lên chuẩn Leopard 2PL là 575 triệu USD, tính ra mỗi chiếc xe tăng này yêu cầu 4,5 triệu USD tiền hiện đại hóa, chưa kể chi phí mua sắm ban đầu.

So sánh với một chiếc xe tăng khác là T-72B3 của Nga, chiếc MBT này được chào bán với giá chỉ 3 triệu USD trong khi các thành phần gần như mới 100% vì được lấy ra từ kho dự trữ dưới thời Liên Xô.

Xe tăng T-72B3 đời mới nhất của Nga có độ cơ động cao hơn và khả năng bảo vệ tương đương Leopard 2PL, chi phí dành cho chiếc xe tăng nặng 46 tấn lắp động cơ 1.130 mã lực chắc chắn rẻ hơn nhiều so với chiếc trọng lượng 60 tấn lắp động cơ 1.500 mã lực.

Hệ thống điều khiển hỏa lực cùng thiết bị điện tử của Leopard 2PL mặc dù được đánh giá cao hơn T-72B3 nhưng chênh lệch giá thành từ khi mua về cho tới lúc nâng cấp đã cao gấp đôi T-72B3.

Do vậy nếu không đánh giá thật kỹ trước khi tiếp nhận thì các khách hàng vừa mua xe tăng Leopard 2A6NL của Hà Lan rất dễ rơi vào trường hợp như Ba Lan.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-quan-doi-ba-lan-nem-trai-dang-vi-ham-mua-xe-tang-leopard-gia-re/770967.antd