Quan điểm gây tranh cãi nhất hôm nay: Lúc nhỏ không phải làm việc nhà, lớn thì chờ lấy vợ để khôn ra - nên phái mạnh đang ngày càng yếu đi?

'Con trai không phải phục vụ người khác, thậm chí tự phục vụ mình cũng kém. Con trai không sợ mất mát gì, nên cũng chẳng rèn những kỹ năng' là một trong những quan điểm Thu Hà chia sẻ.

Ai cũng biết nếu như con gái được coi là phái đẹp hay phái yếu thì đàn ông con trai trước nay luôn gắn với hình tượng "phái mạnh". Phái mạnh ở đây không chỉ thể hiện ở mặt thể chất khi con trai thường cao lớn, khỏe mạnh hơn con gái mà ngay cả phần tâm lý, con trai cũng được xem là đối tượng mạnh mẽ, rắn rỏi, có khả năng chịu đựng cao hơn.

Thế nhưng mới đây, trên MXH bất ngờ xuất hiện một bài chia sẻ dài với quan điểm ngược lại. Đó chính là phái mạnh có phải càng ngày càng... yếu đi hay không? Câu hỏi được Trần Thu Hà, thường được gọi là Mẹ Su Xim (SN1975, TP.HCM) - một bà mẹ 2 con kiêm tác giả nổi tiếng với cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết" đặt ra trên Facebook đã ngay lập tức thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

Bài viết của chị Thu Hà đề cập đến chuyện những thói quen của các gia đình và quan niệm chung của hầu hết mọi người trong xã hội đã vô hình trung làm giảm sự mạnh mẽ cần có ở phái mạnh.

Bài viết "Các bạn ơi, có phải phái mạnh đang yếu đi không?" của chị Thu Hà đã thu hút nhiều lượt like, share cũng như bình luận

Bài viết "Các bạn ơi, có phải phái mạnh đang yếu đi không?" của chị Thu Hà đã thu hút nhiều lượt like, share cũng như bình luận

Nội dung bài viết:

Các bạn ơi, có phải phái mạnh đang yếu đi không?

Nhà bác tôi có một gái và một trai. Cậu em trai thông minh sáng láng. Cũng như nhiều nhà, con trai không phải làm việc lặt vặt: trồng trọt, cơm canh, lau nhà, dọn rửa, bán hàng, chăm em... Con trai chỉ việc ngồi đợi việc lớn. Mà chắc cả chục năm mới có việc lớn 1 lần, như xây nhà. Và khi đó thợ làm, (và tiền thợ thì mẹ trả!)…

"Rèn luyện" với hàng ngàn việc nhỏ, quen bị bắt ne bắt nẹt, nên khi đi học, người chị không ngại bài khó, chả ngại thầy mắng cô la gì hết. Chị học giỏi, rồi học đại học một cách đơn giản, học lên cao học dễ dàng. Đi làm thì thuận lợi. Chị hòa nhập với môi trường công sở rất nhanh, chẳng việc gì nề hà, và không khó khăn nào chị thấy đáng phải khóc lóc. Đầu óc quen tính toán sắp xếp khoa học, tính tình chịu khó, độ lỳ lại cao. Thế nên cứ từ từ chị tiến.

Em trai, chỉ đợi việc to, nên việc nhỏ chẳng làm. Hoặc cứ xé chuyện nhỏ ra to. Từ những bất đồng nho nhỏ, tới đánh nhau to, từ những bài tập nho nhỏ, tới việc nghỉ học to.

Cậu học trầy trật, ba mẹ liên tục phải thân chinh đi gỡ rối. Và đi làm thì cứ nửa năm, ba tháng lại chuyển công ty. Vì thằng trưởng phòng cậu thấy ngứa mắt, tới gã đồng nghiệp khó chịu, từ cô tạp vụ không sạch sẽ, rồi lão sếp vừa dốt vừa khó tính…

Giờ thì bố mẹ đang mong cậu lấy vợ, "Có vợ cho nó chí thú làm ăn, có vợ là khôn ra ngay ấy mà!".

Vậy là lại sắp có một cô gái ở đâu đó, chuẩn bị vác trên vai một việc không nhỏ chút nào: Đào tạo lại một anh chàng 30 tuổi lông bông.

Tôi gặp nhiều bà mẹ than thở: "Nuôi con trai lo ngay ngáy: hư hỏng, nhậu nhẹt, nghiện hút, game online, đua xe, đánh nhau, gây gổ, trộm cắp, lập băng đảng"… Rồi: "Hai đứa con trai là phải lo sắm cho đủ 2 cái nhà, ngày sau mỗi đứa một cái!".

Ở nhà, con hư là tại mẹ!

Lập gia đình, tổ không ấm là tại vợ!

Nữ công gia chánh chứ đâu có nam công gia chánh.

Rồi khi đàn ông bồ bịch, nghiện ngập, bia rượu, tai nạn thì... lỗi tại xã hội.

Theo thống kê ở tòa án, 2/3 số đơn ly dị là do phụ nữ ký - (thì đàn ông chỉ thích cơi nới thôi, không dám phá bỏ đâu).

Và rồi ngay sau ly hôn, đàn ông lập gia đình mới cao gấp đôi số phụ nữ tái hôn, (đàn ông đâu có chịu cô đơn lâu được). Yếu ớt, mong manh, dễ sa ngã và vụng về... không ở được 1 mình đâu.

Chàng Joe (Mr. Dâu Tây) nhận định rằng: Phái mạnh Việt Nam đang đi với nhịp 1, 2, 3, 4, 5, còn phái yếu lại đang đi với nhịp 6, 7, 8, 9, 10. Vậy thì khoảng cách ngày càng xa nhau à?

Để ý coi, tuổi thọ trung bình của các cụ ông đang thấp hơn so với cụ bà khoảng 8 tuổi, dù chẳng phải do chiến tranh.

Tỷ lệ sinh bé trai tự nhiên cũng cao hơn bé gái (đó là cách tạo hóa duy trì sự cân bằng). Và mới nhất, nếu bị dính corona thì tỉ lệ đàn ông tử vong cao gấp 3 phụ nữ.

Nhiều khi những ưu đãi mà mình được nhận, nó lại làm mình yếu đi. Nhiều quốc gia giàu tài nguyên thì kinh tế rất lờ phờ! Những vùng đất khắc nghiệt lại có nhiều nhân tài hơn.

Các bé trai là cục vàng, là đích tôn, là con cưng của cả dòng họ. Và thế là cậu nào càng được chăm chút, chiều chuộng... lại càng ít mạnh mẽ bên trong, và lóng ngóng khi ra đời.

Những đặc quyền trọng nam khinh nữ vẫn còn, và các mẹ vô thức thường chăm chút "thằng cu" hơn.

Con trai không phải phục vụ người khác, thậm chí tự phục vụ mình cũng kém.

Con trai không sợ mất mát gì, nên cũng chẳng rèn những kỹ năng.

Các tờ báo phụ nữ, các hội Phụ nữ thì chăm chỉ rèn phụ nữ để đón được ý, chiều ý đàn ông, không làm đàn ông tổn thương!

Phim về đàn ông vừa đi làm vừa nuôi con là khán giả khóc hết nước mắt. Còn hàng triệu bà mẹ vẫn bị dí deadline, phải chạy theo dự án, phải kiếm tiền, phải mua nhà, và vẫn cho con bú, vẫn đưa đón con, khám bệnh, tiêm phòng đầy đủ, rồi dạy con học bài... thì bình thường! Phụ nữ ba đầu sáu tay là bình thường...

Có phải chính những ưu đãi đã làm phái mạnh càng yếu đi, và cũng chính những bất lợi đó lại làm phái yếu ngày càng khỏe hơn không nhỉ?

Bên dưới bài viết, cư dân mạng đã để lại rất nhiều bình luận trái chiều.

"Bài viết đúng quá. Việc nhỏ làm còn chẳng ra hồn, nói gì việc lớn. Suốt ngày o bế cưng nựng như thiên thần không bằng, nhìn thôi là biết nền tảng rồi. Nhiều khi bụng bảo dạ, thôi tự làm luôn, làm hết cho nhanh! Nhưng nhiều khi bảo, con người như cái săm xe ấy, vá hết miếng thứ nhất chắc sau mà bị nữa thì nên "đổi" luôn chứ không nên vá tiếp!", Nguyen Nga.

"Mình từng xem 1 quyển sách của người Do Thái, họ nói nếu ngay cả những việc cơ bản nhất mà không làm được thì cũng chẳng lăn lộn được ngoài xã hội đâu. Và mình thấy đúng. Những người giỏi, người giàu đi lên từ nghèo khó, dù là trai thì họ vẫn làm được việc vặt vãnh, việc của phụ nữ. Còn những người gọi là trai, mà mồm mép ba hoa thường thường hay bám váy mẹ, váy bà", Ýi Jiā Jian.

Bạn Hoang Thu Nguyen viết: "Em cũng đồng quan điểm với chị. Cả trai và gái đều cần lao động, nghỉ ngơi và được tôn trọng như nhau. Hạnh phúc gia đình cũng từ đây mà ra".

"Mình rất ghét cái kiểu "con trai làm việc lớn". Việc lớn là việc gì? Việc nhỏ là việc gì? Hay người lớn thường nói kiểu như "đàn ông thằng nào chả vậy" (tức là phải chấp nhận nó như vậy), "mình là đàn bà phải thế này thế kia". Rồi công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức, cơm sôi bớt lửa (mà ngộ, chỉ đàn bà mới phải chịu trách nhiệm bớt lửa này), "phụ nữ là phải khổ, phải chịu thiệt thòi". Chồng có chán vợ là do vợ không biết chiều chồng (nên trên mạng đầy rẫy những câu khuyên răn phụ nữ cách giữ chồng, chứ có thấy chỉ cách giữ vợ đâu). Rồi lấy lòng mẹ chồng này kia, chứ không thấy chỉ cách con rể lấy lòng gia đình vợ. Rồi nào là "ở nhà trông con lo việc nhà cửa cũng chỉ là ăn bám chồng"...

Nói chung mình thấy tư tưởng sống còn nặng lắm. Mà hễ ai đó nói kiểu kiểu trọng nam khinh nữ phân biệt đàn ông đàn bà này kia là thấy không ổn rồi đó. Ủng hộ những bài viết như của bạn. Mọi người phải luôn được nhắc nhở về cách sống sao cho văn minh trong thời đại mới", Pham Oanh.

Phải chăng phái mạnh ngày càng yếu đi còn phái yếu lại khỏe lên từng ngày?

Không đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết, tài khoản Dang Quang Hung phản biện: "Quan điểm này là của 1 người phụ nữ khi xung quanh chị chỉ toàn những người đàn ông bất tài. Không biết thế là may mắn cho chị hay là gì nữa. Xung quanh tôi, các bạn là con trai của tôi ai cũng chăm chỉ yêu thương vợ con, giặt từng cái tã, đêm trông con cho vợ ngủ, ngày thì lao vào làm, cố thêm từng đồng cho vợ con...".

"Nói chung là do cách dạy dỗ mà ra. Quan trọng là ý thức. Lúc bé có thể do được chiều chuộng nhưng khi lớn lên phải tự ý thức lấy chứ", Nguyễn Ngọc.

"Em nghĩ bài viết của chị hay, nhưng vẫn hơi phiến diện, cánh đàn ông bọn em, trước nay đã được gán mác "phái mạnh" - nghĩa là luôn luôn phải mạnh, cả thế giới đều coi như vậy, nên bọn em khi có tuổi - chính xác trên 30, mọi thứ phải chấp nhận gánh vác, không được kể với ai, không được khóc, không được than phiền, không được trốn tránh... Vì như vậy sẽ bị coi là yếu đuối.

Chắc chị đã biết, tỉ lệ tự tử của nam trên 30 lớn hơn nữ giới nhiều. Chưa nói để lấy được vợ, chúng em phải tỏ ra nổi trội hơn những đối thủ khác, và không nên có sai lầm, nếu không sẽ mất người con gái mà mình yêu. Với thời đại bây giờ, 2 chữ " mạnh mẽ" là chưa đủ, bạn còn phải "thành công" mới lọt vào mắt phụ nữ - bạn phải thành công từ gia thế, đến học thức, địa vị, tiền tài và danh vọng hoặc chí ít là có tiềm năng đạt được những thứ đó.

Tuy nhiên không phải ai cũng toàn diện như vây, có người vì cày cuốc quên luôn cả bản thân, có người cố danh vọng mà chấp nhận đánh đổi sức khỏe, cũng có người cố tiền tài mà bán rẻ cả nhân phẩm... Vì sao ư? Cũng vì để người con gái mình yêu không rời xa mình. Thử hỏi tất cả các người phụ nữ ở đây, ai mà không muốn 1 cuộc sống tốt cho bản thân và con mình, nên chắc chắn sẽ không chọn "1 túp lều tranh " đâu...", là comment tâm huyết của một bạn nam tên Duy Hiếu.

M416

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/quan-diem-gay-tranh-cai-nhat-hom-nay-luc-nho-khong-phai-lam-viec-nha-lon-thi-cho-lay-vo-de-khon-ra-nen-phai-manh-dang-ngay-cang-yeu-di-22020264214517872.htm