Quan điểm đối lập về đề xuất thống nhất giờ làm, nghỉ trưa 1 giờ đồng hồ

Đề xuất thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, giờ nghỉ trưa của bộ LĐ-TB&XH đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách quản lý nhà nước cũng có những quan điểm đối lập.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương, dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng nghỉ trưa 60 phút là không đủ, quá ít, nhưng bên cạnh đó nhiều người lại đồng tình với phương án chỉ nên nghỉ 60 phút.

Trước ý kiến này, chuyên gia kinh tế cũng như chuyên gia nghiên cứu về chính sách quản lý nhà nước cũng đã có những phản biện, đánh giá tổng quan của mình trong việc thống nhất giờ làm, giờ nghỉ trưa sẽ có tác động như thế nào đến kinh tế, xã hội.

Đề xuất thống nhất giờ làm, nghỉ trưa 1 giờ đồng hồ gây tranh cãi (Ảnh minh họa).

Đề xuất thống nhất giờ làm, nghỉ trưa 1 giờ đồng hồ gây tranh cãi (Ảnh minh họa).

Cần phải thay đổi linh hoạt, đừng cứng nhắc

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin xoay quanh vấn đề trên, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Tôi đề nghị nên để linh hoạt giờ làm việc. Bởi, nếu quy định tất cả mọi cơ quan đều cùng một giờ làm việc thì đường sẽ tắc nghẽn. Các cơ quan nhà nước cũng không nên quy định quá cứng nhắc mà chỉ nên quy định một cách tối thiểu 8 giờ phải bắt đầu công việc tiếp công dân”.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng giờ làm việc, giờ nghỉ trưa cần thay đổi linh hoạt, không nên cứng nhắc.

Còn nói về giờ nghỉ trưa chỉ 1 giờ đồng hồ, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việc nghỉ trưa cũng vậy, cũng cần linh hoạt. Nếu cơ quan nhà nước có nhà ăn ngay tại cơ quan thì có thể nghỉ ngắn, còn nếu chỗ ăn xa thì có thể tùy. Không nên quy định áp đặt cho tất cả cơ quan. Điều này, sẽ không phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay”.

Cũng có ý kiến cho rằng, ở Nhật Bản hay các nước khác nghỉ trưa rất ít, như vậy sẽ giúp tăng năng suất lao động, kinh tế phát triển, bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Điều này cũng tùy vào tình hình thực tế, trong khi đó điều kiện ở nước ta chưa so sánh cứng nhắc phải giống như nước này, nước kia mà cần phải thay đổi linh hoạt. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các cơ quan khác nhau”.

Tạo tác phong công nghiệp

Trái ngược quan điểm trên, Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn, chuyên nghiên cứu về chính sách quản lý nhà nước cho rằng nên thống nhất giờ làm việc chung trên cả nước. Bởi một số lý do sau: “Về giờ làm việc, hiện nay theo quy định chúng ta vẫn làm 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/tuần. Không chỉ ở Việt Nam mà một số các nước trên thế giới cũng như vậy. Trừ trường hợp làm thêm.

Việc đề xuất giờ bắt đầu làm việc khác nhau cho mỗi cơ quan để giảm ùn tắc giao thông và giờ bắt đầu làm việc theo mùa cũng gây ra nhiều tranh cãi. Ở nước ta, thời tiết giữa hai miền Nam – Bắc khác nhau. Thời tiết mùa đông và mùa hè ở miền Bắc cũng có từng đợt ngắn và không kéo dài liên tục nên việc điều chỉnh giờ theo mùa là không cần thiết, việc không cần phải điều chỉnh giờ theo mùa cũng không ảnh hưởng quá đến hiệu quả công việc của các công chức và viên chức. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giờ trong thời gian ngắn có thể gây xáo trộn đời sống sinh hoạt thường ngày của mỗi người và hệ thống các cơ quan.

Giờ bắt đầu làm việc khác nhau cho mỗi cơ quan cũng ảnh hưởng khi các cơ quan đến làm việc với nhau. Do đó, theo tôi, nên thống nhất giờ làm việc từ Trung ương đến tất cả các địa phương trên cả nước, bởi các cơ quan hành chính có thể cùng làm việc, tránh trường hợp các cơ quan đến làm việc với nhau, phải chờ đợi nhau gây ra bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc”.

Ông Hoàng Minh Sơn lại cho rằng nghỉ trưa chỉ nên 1 giờ đồng hồ, để tập tác phong công nghiệp.

Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn cũng cho hay giờ nghỉ trưa mà bộ LĐ-TB&XH đề xuất cũng rất hợp lý, cần tập cho người Việt tác phong công nghiệp.

“Hiện tại, chưa có cơ sở khoa học nào thống kê và chứng minh việc nghỉ trưa 1 giờ đồng hồ của công chức, viên chức là quá ít để ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Một số nước trên thế giới như Nhật Bản cũng nghỉ trưa 1 giờ. Họ biết cách bố trí cho việc ăn trưa, nghỉ ngơi để tiết kiệm thời gian. Tôi cho rằng, người Việt Nam nên tập thói quen để tạo chu kỳ sinh học là làm sao trong một tiếng đó, họ bố trí ăn uống, nghỉ ngơi một cách hợp lý và khoa học, vẫn đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc vào buổi chiều.

Tập cho người Việt Nam có một tác phong công nghiệp là rất cần thiết trong xu thế thời đại ngày nay. Do vậy, chúng ta hãy duy trì 1 tiếng để đảm bảo vừa ăn, vừa ngủ và nghỉ ngơi. Khoa học đã chứng minh, nêú15 phút trưa thì có thể tương đương với ngủ vài tiếng vào buổi tối”, ông Sơn nhấn mạnh.

Hiện đề xuất thống nhất giờ làm, giờ nghỉ trưa của bộ LĐ-TB&XH vẫn đang nhận được nhiều ý kiến. Vậy còn bạn, bạn đồng ý với quan điểm nào?

Cần nghiên cứu kỹ!

Cũng liên quan đến vấn đề này, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Không nên quy định toàn bộ các nơi đều làm việc 8h hoặc 8h30, các địa phương có thể chọn một trong hai khung giờ này. Thậm chí, ngay trong một địa phương cũng có thể cho phép một số cơ quan bắt đầu từ 8h, một số cơ quan bắt đầu từ 8h30. Tất nhiên, đồng loạt thì dễ kiểm soát nhưng phải tùy vào các đặc thù. Tôi đặc biệt yêu cầu lưu tâm đến các vấn đề thời tiết, khí hậu. Việc quy định giờ bắt đầu làm việc cũng ảnh hưởng đến giờ nghỉ trưa. Nếu thời tiết mùa đông thì có thể nghỉ 1 tiếng, nhưng mùa hè thời tiết nắng nóng thì phải nghiên cứu lại. Bởi, quy định làm sao để người lao động có hiệu quả. Nếu không được nghỉ ngơi đủ thì sẽ không có năng suất lao động. Vì thế, tôi đề nghị quy định chung nhưng cũng cần có đặc thù riêng, đừng áp đặt một cách đồng loạt, đành rằng áp dụng đồng loạt thì dễ quản lý”.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quan-diem-doi-lap-ve-de-xuat-thong-nhat-gio-lam-nghi-trua-1-gio-dong-ho-a432277.html