Quan điểm của VKS trong vụ Thần đồng đất Việt

Hôm nay (27-8), TAND TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.

Nguyên đơn là họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh); bị đơn là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.

Trước đó, ngày 16-7, TAND TP.HCM đã kết thúc phần hỏi. Phiên tòa mở lại vào ngày 29-7 nhưng hoãn do họa sĩ Lê Linh bị bệnh. Ngày 20-8 phiên tòa mở lại và đã kết thúc phần tranh luận. Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần phát biểu của đại diện VKS.

VKS đang phát biểu quan điểm. Ảnh: YC

VKS đang phát biểu quan điểm. Ảnh: YC

Về thẩm quyền giải quyết, theo VKS, đây là vụ án tranh chấp sở hữu trí tuệ không có mục đích lợi nhuận nên thuộc thẩm quyền của Tòa án quận 1.

Về việc bị đơn cho rằng phải triệu tập Cục Bản quyền tham gia, theo VKS, cục này đã có văn bản nêu ý kiến nếu tòa phán quyết việc cấp giấy là sai thì Cục sẽ ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với giấy chứng nhận đã cấp. Như vậy, Cục Bản quyền không tham gia là có cơ sở.

VKS cho rằng tác giả là người trực tiếp sáng tạo và quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm đã được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Bà Hạnh thừa nhận ông Linh là người vẽ ra bốn nhân vật và quá trình phát hành ấn phẩm, Công ty Phan Thị cũng xác định bút danh Lê Linh là người thể hiện phần tranh minh họa.

Về ý kiến của bà Hạnh cho rằng bà là người nghĩ ra các nhân vật trong trí óc, ông Linh là người được bà thuê để vật thể hóa các ý tưởng nên bà là tác giả là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, việc tòa sơ thẩm công nhận ông Linh là tác giả duy nhất là có cơ sở.

Ông Lê Linh tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: YC

Cạnh đó, theo VKS, Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ cho ông Linh sáng tạo nên hình tượng các nhân vật nên Công ty Phan Thị là chủ sở sở hữu quyền nhân thân công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, các quyền tài sản trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh. Còn ông Linh là chủ sở hữu của các quyền nhân thân, trong đó có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.

Trong vụ án này, Công ty Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện bốn nhân vật dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của ông Linh.

Theo giấy chứng nhận của Cục Bản quyền cấp thì ông Linh là tác giả của các hình thức thể hiện của bốn nhân vật chỉ được thể hiện ở một vài động tác như nghiêng trước, nghiêng sau lưng. Công ty Phan Thị là chủ sở hữu được quyền sử dụng hình tượng của bốn nhân vật này nhưng không được quyền làm sai lệch so với nội dung thể hiện gốc đã được đăng ký tại Cục Bản quyền khi chưa có sự đồng ý của nguyên đơn.

Vì vậy việc bị đơn đưa bốn hình ảnh nhân vật mà ông Linh là tác giả vào các tập truyện Thần đồng đất Việt mỹ thuật, Thần đồng đất Việt khoa học thể hiện cắt ghép tinh tế hành động phù hợp với nội dung cốt truyện sẽ làm sai lệch so với hình tượng thể hiện đã được đăng ký tại Cục Bản quyền.

Như vậy, Công ty Phan Thị đã có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả là ông Linh nên việc ông Linh yêu cầu Công ty Phan Thị chấm dứt việc xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm cũng như việc tạo ra các biến thể là có căn cứ.

Về yêu cầu xin lỗi, người bị xâm phạm quyền tác giả là ông Linh yêu cầu xin lỗi trên báo Tuổi TrẻThanh Niên, thanh toán chi phí thuê luật sư là có căn cứ chấp nhận. Từ đó, VKS đề nghị không chấp nhận kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, đề nghị y án sơ thẩm.

HĐXX nhận định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào lúc 8 giờ ngày 3-9.

Tòa sơ thẩm xử họa sĩ Lê Linh thắng kiện

Trước đó, xử sơ thẩm vào ngày 18-2, TAND quận 1, TP.HCM đã tuyên bố công nhận quyền tác giả thuộc về họa sĩ Lê Linh. Vì ông này là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.

Theo HĐXX, phía Công ty Phan Thị trình bày là đã “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ” các ý tưởng nhân vật về các hình tượng là của bị đơn. Tuy nhiên, để được pháp luật bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức nhất định. Trong khi ngoài ông Linh ra thì không có ai tham gia sáng tạo bốn hình tượng nhân vật này. Từ đó, HĐXX cho rằng có căn cứ công nhận ông Linh là tác giả của Thần đồng đất Việt...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/quan-diem-cua-vks-trong-vu-than-dong-dat-viet-854451.html