Quan điểm của thầy Khang về những điều chỉnh thi quốc gia sau năm 2020

Theo Hiệu trưởng trường Marie Curie, việc thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay, sẽ có rất nhiều ưu điểm.

Sau 5 năm (2014 - 2019) tích cực đổi mới, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng về căn bản đã thành công, đạt được mục tiêu giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh nói riêng và xã hội nói chung. Nhất là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 được dư luận xã hội rất hoan nghênh.

Còn 9 tháng nữa sẽ đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tiếp tục như kỳ thi năm 2019.

Giai đoạn 2021 - 2025, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cơ bản giữ ổn định như hiện nay nhưng có thể điều chỉnh:

1) Các môn thi trắc nghiệm khách quan (Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân) sẽ thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay.

2) Các bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) chuyển thành các bài thi tổng hợp (tích hợp liên môn), mỗi bài thi chỉ có 1 đầu điểm.

Theo Hiệu trưởng trường Marie Curie, việc thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay, sẽ có rất nhiều ưu điểm. (Ảnh: Tùng Dương)

Trước vấn đề này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie nhận định: “Theo tôi đó là những điều chỉnh theo hướng tích cực”. Tuy nhiên, thầy Khang cho rằng, cái khó nhất của phương thức thi trắc nghiệm khách quan là “ngân hàng câu hỏi thi”. Do đó, Bộ cần phải tập trung sức người, sức của để có nguồn câu hỏi thi đa dạng, phong phú và chuẩn hóa. Cho dù thi trên giấy hay trên máy tính việc này vẫn phải làm.

Phương án thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 sẽ như thế nào?

Theo thầy Khang, việc thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay, sẽ có rất nhiều ưu điểm như: Con người không thể can thiệp vào kết quả bài thi; Người thi có thể biết ngay kết quả bài thi; Giảm đáng kể công sức và chi phí chấm thi. Mặc dù đến nay có nhiều người băn khoăn lấy đâu cho đủ máy tính? Học sinh vùng sâu vùng xa có thi trên máy tính được không?...

Nhưng theo thầy Khang, câu hỏi thứ nhất sẽ giải quyết được nếu hình thành nhiều tổ chức khảo thí độc lập, có đủ năng lực và uy tín được Nhà nước ủy quyền thực hiện dịch vụ thi trung học phổ thông quốc gia, thi làm nhiều đợt trong một năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò giám sát chất lượng của các kỳ thi. Câu hỏi thứ hai không đáng có vì học sinh trung học phổ thông ở bất cứ vùng nào cũng bắt buộc phải học Công nghệ thông tin trong ba năm lớp 10, 11, 12. Khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông học sinh đủ năng lực thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính.

Trước đó như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, với thời gian chuẩn bị từ nay thì chúng ta có thể tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính từ năm 2021, song việc triển khai cần hết sức thận trọng. Bởi lẽ với một số lượng thí sinh dự thi đông đảo diễn ra tại một thời điểm, nếu hạ tầng không đảm bảo có thể dẫn đến nhiều sự cố xảy ra như nghẽn mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Bên cạnh đó, việc đầu tư một số lượng máy tính khổng lồ để phục vụ cho kỳ thi xong rồi “đắp chiếu” đợi kỳ thi năm sau cũng sẽ là một sự lãng phí lớn.

Ngoài ra, việc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia liệu có đạt được cả hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở để tuyển sinh đại học hay không cũng cần phải có thêm những nghiên cứu, đánh giá khoa học và nghiêm túc. Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, thi trên máy tính là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay nhưng tổ chức thi như thế nào, kỹ thuật ra sao là điều cần phải bàn rất cụ thể.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quan-diem-cua-thay-khang-ve-nhung-dieu-chinh-thi-quoc-gia-sau-nam-2020-post203012.gd