Quần đảo hải tặc và kho vàng của thuyền trưởng KIDD - Bài cuối: Chỉ là chuyện hoang đường

Sau khi thuyền trưởng Kidd bị treo cổ, phần lớn các sử gia đều nhận định Kidd đã chôn giấu vàng bạc ở đâu đó trên vùng biển Caribean. Cũng có ý kiến cho rằng chúng được chôn tại một vài đảo hoang thuộc Đông Nam Á, bởi lẽ trong suốt quá trình tung hoành ở Thái Bình Dương, Kidd đã từng bán hàng hóa cướp được cho các tàu buôn Trung Hoa, cũng như từng neo tàu ở khu vực này để lấy thêm lương thực và nước ngọt.

Máy ảnh, máy quay phim, bộ đàm, ống nhòm của Knight và Graham bị tịch thu.

Máy ảnh, máy quay phim, bộ đàm, ống nhòm của Knight và Graham bị tịch thu.

TÌM THẤY VÀNG?

Trở lại thời điểm năm 1981, khi Knight lén lút xâm nhập đảo Hòn Tre để tìm kho vàng của thuyền trưởng Kidd, lúc còn cách đảo khoảng 1km, Knight cho thuyền dừng lại rồi yêu cầu 2 thuyền viên Thái Lan tháo vài bộ phận trong máy tàu ra như thể đang sửa chữa. Riêng Knight, ông ta dùng một chiếc xuồng nhỏ, chèo vào đảo vì đề phòng nếu cho ngư phủ Thái Lan đi cùng và nếu tìm được vàng, Knight sợ họ nổi máu tham, sẽ giết mình để chiếm đoạt. Trong hồi ký “Thợ săn huyền thoại”, Graham viết: “Bằng máy dò kim loại, Knight phát hiện rồi đào được 3 chiếc rương ở một gò đất phía Đông, đối diện với bãi biển nơi loài rùa thường vào đẻ trứng. 3 chiếc rương ấy chứa đầy những đồng tiền vàng - cả của phương Tây lẫn phương Đông cùng những bức tượng bằng ngọc và một số đồ sứ. Đến xế chiều, Knight phát hiện thêm một vị trí chôn giấu kho báu nhưng vì mặt trời sắp lặn nên ông ta chỉ ghi những ký hiệu bí mật vào tấm bản đồ”.

Theo Graham, biết không thể mang 3 chiếc rương lên thuyền đánh cá vì sợ bị giết, Knight chụp hình những đồng tiền vàng rồi đem chôn ở một nơi khác, đồng thời chôn luôn cả xà beng, cuốc xẻng, máy dò kim loại. Trở lại Thái Lan rồi về Anh, Knight viết thư cho Viện Bảo tàng Smithsonian ở Washington, Mỹ, nói về kho báu của thuyền trưởng Kidd kèm theo những tấm hình. Sau một thời gian nghiên cứu, đối chiếu với các tư liệu lịch sử, Bảo tàng Smithsonian cho biết họ sẵn sàng mua những cổ vật ấy với giá cao nhưng với điều kiện nó phải được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp.

Frederick Graham (giữa) về đến Mỹ sau khi được trả tự do.

Với Knight, đây là vấn đề bất khả thi, bởi lẽ muốn đưa kho vàng của thuyền trưởng Kidd về Mỹ, Knight phải trình báo với chính quyền Việt Nam và điều này vô hình chung sẽ chứng tỏ ông ta cố tình vi phạm lệnh cấm không được đến thăm vùng biển đang có chiến sự. Chưa kể theo luật quốc tế, quốc gia nơi chôn giấu những kho báu vô chủ sẽ được hưởng 50% trên tổng giá trị, phần còn lại là của người tìm ra nó nhưng riêng Knight, ông ta muốn “ăn trọn”.

Và đó chính là lý do khi gặp Graham ở Bangkok hồi tháng 6-1983, Knight đã rủ anh ta xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam, bởi lẽ dù có chia phần cho Graham thì tối đa cũng chỉ 10% so với 50% mà Knight phải nộp.

BỊ BẮT

Ngày 12-6-1983, tại Thái Lan, Knight thuê một chiếc tàu cao tốc - loại thường dùng phục vụ khách du lịch - trong 1 tuần với giá 1.000 USD. Hai ngày sau, ông ta cùng Graham mua cuốc, xẻng, máy bộ đàm, ống nhòm, máy chụp hình, bản đồ hàng hải và 2 bao tải lớn - loại 50kg để đựng vàng. Trong cuốn “Thợ săn huyền thoại”, Graham viết: “Knight dặn tôi là nếu bị kiểm tra trong vùng biển Việt Nam thì cứ trả lời mình chỉ là khách du lịch, việc xâm phạm lãnh hải Việt Nam là do lỗi của tài công người Thái Lan. Còn nếu bị phát hiện khi đã lên đảo thì khai rằng thấy đảo đẹp nên ghé thăm chơi vì tưởng rằng đảo vẫn thuộc chủ quyền Thái Lan”.

Sáng 16-6, chiếc thuyền xuất phát từ khu nghỉ mát ở bờ biển Pattaya, Thái Lan. Cùng đi với họ còn có 2 người Thái, một là tài công và một là thợ máy. Suốt ngày 16, chiếc thuyền cao tốc chạy vòng vèo trên vịnh Thái Lan. Knight và Graham với quần short, áo thun đứng trước mũi thuyền, khi thì chụp hình, lúc câu cá như những khách nhàn du. Đôi lần, họ thấy tàu tuần tra của bộ đội biên phòng Việt Nam đi cách họ vài km nhưng có vẻ như chẳng ai để ý. Đến 18 giờ, Knight ra lệnh cho tài công nhắm hướng Hòn Tre và khi còn chừng 50m nữa là đến bờ, nước cạn, Knight cùng Graham và 2 ngư phủ Thái Lan nhảy xuống, khuân vác đồ đạc giấu vào một bụi cây, cách chỗ Knight chôn 3 chiếc rương khoảng 1km. Theo dự tính của Knight, khoảng 4 giờ sáng ngày 17, lúc 2 người Thái vẫn còn say ngủ, ông ta và Graham sẽ lặng lẽ đào lên, cho vàng vào 2 bao tải, vác về thuyền rồi lợi dụng trời nửa tối nửa sáng, thuyền cao tốc sẽ quay trở lại Pattaya.

Đêm tháng 6, dù ở cạnh biển nhưng trời vẫn rất nóng. Để 2 người Thái không nghi ngờ, Knight và Graham bày đồ ăn ra như thể họ đang đi dã ngoại. Vừa ăn, họ vừa uống rượu rồi lăn ra ngủ. Khoảng 22 giờ, những ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt cùng những lời chào hỏi đã khiến Knight và Graham tỉnh giấc. Mở mắt ra, họ thấy xung quanh là bộ đội biên phòng Việt Nam cùng công an xã và du kích. Một người trong số đó biết tiếng Anh hỏi họ là ai, đến đây từ bao giờ, đến để làm gì?

Sợ bị nghi là gián điệp, Knight nhanh chóng khai mình và Graham chỉ là những người đi tìm kho vàng của thuyền trưởng Kidd. Tại trụ sở UBND xã Tiên Hải, đảo Hòn Tre, Knight đưa ra tấm bản đồ vẽ tay trên tờ giấy trắng khổ A4 nhưng theo Graham, Knight cố tình chỉ sai vị trí nơi đã chôn 3 chiếc rương.

Vài tiếng sau, Knight và Graham được chuyển về Công an tỉnh Kiên Giang. Ngày 24-6, cơ quan chức năng Kiên Giang đưa cả hai quay lại Hòn Tre rồi tiến hành đào bới khu vực nơi Knight cho là có vàng. Suốt nhiều giờ đồng hồ, nhóm đào bới khoét những hố sâu xuống lòng đất chừng 5m thì gặp đá nhưng vẫn chẳng thấy vàng đâu.

Cuối tháng 7-1983, sau khi kết thúc điều tra rồi kết luận “kho vàng của thuyền trưởng Kidd” chỉ là lời đồn thổi hoang đường, phía Việt Nam chính thức thông báo với nước Anh về việc tạm giữ Knight và Graham vì đã xâm nhập lãnh thổ Việt Nam trái phép. Đến tháng 11, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên xét xử Knight và Graham với tội danh trên. Cả hai bị trục xuất và phải nộp phạt 10.000 USD mỗi người, chiếc thuyền cao tốc và các dụng cụ “tìm vàng” bị tịch thu. Tuy nhiên, gia đình của Knight lẫn Graham cho biết họ không có tiền để nộp phạt.

Cuối năm 1983, Knight và Graham được chuyển về trại giam Chí Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Tháng 1-1984, khi sang thăm con, cha của Graham cho biết con trai ông được đối xử tốt, ăn uống đầy đủ và được chăm sóc y tế tận tình. Ông cũng nói rằng gia đình đã thành lập “Quỹ Freddie” nhằm mục đích vận động những người hảo tâm đóng góp, giúp Graham được tự do.

Ngày 18-5-1984, Graham được trả về Mỹ sau khi nộp 10.000 USD tiền phạt. Knight không may mắn như vậy, phải đến ngày 20-8-1984, nhờ Kenneth Crutchlow, Giám đốc Công ty taxi London Transport of Sonoma ở Anh quốc nộp phạt cho ông ta và 6.000 USD tiền phạt cho 2 thuyền viên Thái Lan, Knight mới được trả tự do. Trong hồi ký “Thợ săn huyền thoại”, Graham viết: “Chuyện Knight tìm được 3 chiếc rương chứa vàng là do ông ta kể tôi nghe để rủ tôi đi cùng. Còn nó có thật hay không thì tôi không biết vì chưa kịp đào, chúng tôi đã bị bắt…”.

VŨ CAO

(Theo Legend Hunter)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/201902/quan-dao-hai-tac-va-kho-vang-cua-thuyen-truong-kidd-bai-cuoi-chi-la-chuyen-hoang-duong-840330/