Quân, dân Chương Mỹ căng mình giữ đê sông Bùi

Tính đến chiều ngày 1/8, tại huyện Chương Mỹ vẫn có tới 3.683 hộ bị ngập sâu dưới 2m và 6.083 khẩu phải sơ tán; sập đổ 170m2 nhà ở và 1.804m tường bao, sạt lở 1.885 đường giao thông nông thôn, 3.520m đường giao thông nội đồng, 12.110m chiều dài đê, hồ, đập; hư hỏng 11.910m chiều dài kênh mương, 35 cầu cống, đập ngập và hư hỏng 25 công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, đình, chùa.

Người dân mệt nhoài vì nước lũ

Hiện có những đoạn đê sông Bùi nước lũ vẫn mấp mé, nhưng nhìn chung nhờ sự nỗ lực của quân, dân hộ đê, bơm nước, mực nước mới có dấu hiệu giảm, tuy xuống chậm nhưng điều đó cũng khiến cho người dân yên tâm phần nào. Trước đó, chiều tối 31/7, cơn mưa to bất chợt ập đến khiến cả trăm hộ dân ở xã Thanh Bình không khỏi lo lắng khi nước mấp mé và có dấu hiệu tràn qua đê.

“Cũng may có bộ đội về giúp dân thu dọn đồ đạc, mang bao cát khắc phục tình trạng tràn nước qua đê”, ông Duệ, người dân ở xã Thanh Bình nói. Hàng chục căn nhà cách bờ đê tả sông Bùi chỉ khoảng trăm mét, đêm cuối tháng 7, tất cả đều nín thờ cầu trời đừng mưa nữa. “Hôm trước xã có thông báo chúng tôi sẵn sàng di tản. Từ sáng tới giờ (ngày 1/8) trời có vẻ sáng hơn, mưa ngớt nên yên tâm hơn rồi”, một người hàng xóm của ông Duệ nói.

Từ mấy ngày trước đó, khi nước sông dâng cao mấp mé mặt đê sông Bùi, nhiều gia đình ở gần triền đê đã dọn dẹp hết đồ đạc sẵn sàng nghe lệnh sơ tán của chính quyền. Ông Duệ cho biết, những gia đình chỉ có người già đã được bộ đội vào dọn dẹp giúp. Ngày 1/8, nước nội đồng khu vực tả Bùi đã ổn định do các trạm bơm tiêu liên tục hoạt động, tuy nhiên nước tại khu vực hữu Bùi lại tăng do áp lực nước từ thượng nguồn đổ về.

Hàng nghìn bao tải cát giữ đê sông Bùi. ảnh: Kim Oanh

Ghi nhận tại khu vực các đoạn đê sông Bùi, đặc biệt là địa phận xã Thanh Bình, đã có lúc nước lũ dâng cao lên mức báo động 3 chạy dọc hơn 2km đê. Huyện Chương Mỹ đã huy động toàn bộ lực lượng gia cố đê tả Bùi trong đêm.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, sau trận mưa lớn đêm 20/7, nước rút rất chậm. 3 ngày trở lại đây, nước bắt đầu lên nhanh. Thời điểm nước lũ dâng cao, huyện đã huy động 400 người dân gia cố đê xuyên đêm. Thời điểm căng thẳng nhất thì có thêm 300 cán bộ chiến sĩ của các đơn vị quân đội tham gia.

Ông Đỗ Đức Thịnh - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội nhận định: "Mực nước ở sông Bùi đoạn Yên Duyệt là 7,52m. Nếu đúng như dự báo, nước sẽ lên khoảng nửa mét nữa là 8m thì tình hình sẽ hết sức nghiêm trọng đối với huyện Chương Mỹ". Trước đó, đêm 30/7, Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã cung cấp 10.000 bao cát để 500 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thủ đô đắp đê chống tràn ở đê tả Bùi. Được biết, Sở NN&PTNT tiếp tục khảo sát toàn bộ đê hữu Bùi, hữu Tích và đê bao thuộc các xã của huyện Quốc Oai, Thạch Thất. Nếu nước tiếp tục lên cao, cần thiết Sở sẽ báo cáo UBND thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê tả Tích, tả Bùi không để ngập lụt vào nội đô cũng như cứu trợ đảm bảo cuộc sống người dân.

Mỗi năm gặp “thủy thần” 1 lần

Nằm trong vùng rốn lũ của Hà Nội, những năm gần đây, hầu như năm nào huyện Chương Mỹ cũng phải chịu những cơn lũ lớn gây thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng. Gần nhất là đợt lũ năm ngoái khiến các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ thuộc huyện này chìm sâu trong nước suốt nhiều ngày liền. Nhiều địa bàn dân cư phải ăn mì tôm, nước lọc do lực lượng bên ngoài cứu tế.

Cùng ngày 1/8, dọc quốc lộ 6, vẫn nhiều cánh đồng của huyện Chương Mỹ bị nước nhấn chìm. Để tiếp cận được người dân phía phía trong tính từ quốc lộ 6, người ta phải dùng cano hoặc đi xe công nông. Những chuyến hàng cứu trợ bằng công nông vẫn rầm rì vào ra. Trong khi đó, người dân đi lại bằng thuyền thúng hay bè tự chế. Đâu đâu, chúng tôi cũng bắt gặp sự mệt mỏi hiện lên trên gương mặt những người dân khi nhiều ngày qua phải gồng mình chống lụt.

Ông Bá (ở xã Tân Tiến, một trong số nhiều gia đình bị ảnh hưởng của lũ lụt những ngày qua) chia sẻ: “Những ngày qua chúng tôi được trợ cấp nước sạch, mỳ tôm và ít nến thắp sáng do bị cắt điện nhiều ngày. Nước ngập sâu và kéo dài khiến chúng tôi rất vất vả”.

Việc mỗi năm huyện Chương Mỹ lại một lần gặp “thủy thần”, không lũ lớn thì lũ bé gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Riêng năm nay, tại khu vực thuộc các xã như: Thanh Bình, Tốt Động, Trung Hòa, Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương, Nam Phương Tiến, Tân Tiến đã bị ngập sâu và kéo dài hàng chục ngày khiến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây hoàn toàn bị đảo lộn.

Chi cục Thủy lợi TP Hà Nội cho hay, thành phố đang vận hành 44 trạm bơm tiêu với 145 máy bơm; tổng lưu lượng bơm tiêu là 397.500m3/h. Sáng 1/8, mực nước sông Nhuệ tại trạm Đồng Quan dưới mức báo động I; sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức báo động II; sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt trên mức báo động III. Trong đó, mức nước tại sông Bùi tại trạm Yên Duyệt ở mức 7,28m, trên báo động III là 28 cm.

Hà Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quan-dan-chuong-my-cang-minh-giu-de-song-bui-20180801221450384.htm