Quân dân chung tay bảo vệ biên giới

Những ngày giáp Tết, dòng sông A Sáp bắt nguồn từ xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế lại soi bóng các chiến sĩ tuần tra cùng đồng bào. Từ ngày triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, người dân biên giới đều hăng hái tham gia bảo vệ biên cương như những người lính Biên phòng thực thụ.

BĐBP trao đổi cùng các thành viên Tổ tàu thuyền an toàn. Ảnh: Lê Văn Chương

Sông A Sáp bắt nguồn từ xã A Đớt, huyện A Lưới chảy qua các xã Hương Lâm, Đông Sơn, Hương Phong, Hồng Thượng và Nhâm rồi đổ sang Lào hợp nhánh với dòng sông A Lin. Soi bóng dưới dòng sông tĩnh lặng là những ngọn núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ cao 1.400m. Trên dãy núi này có nhiều vị trí là điểm phân chia lãnh thổ 2 nước Việt – Lào, được cắm mốc.

Mờ sáng một ngày cuối năm, anh Hồ Văn Lên và Hồ Văn Ngát, ở xã A Đớt bước vội trong sương mù vào đồn Biên phòng để làm nhiệm vụ mà đối với họ là rất quan trọng. Cách đây vài hôm, Tổ trưởng Tổ tự quản đã phân công tổ viên đến lượt tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. Chiều hôm trước, cả 2 anh đều phấn khởi nói với bà con: “Ngày mai đi làm nhiệm vụ gác đường biên, lên cột mốc với các anh Biên phòng”. Mốc 662 khá xa Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, nhưng cả đời làm nghề chặt mây, luồn rừng hái sản vật, lấy mật ong nên 2 anh Ngát và Lên xem việc lặn lội vào rừng như những chuyến đi quen.

Tết chưa đến, nhưng cây đào trong sân Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã rộ hoa rực rỡ như mùa Xuân trên đất Bắc. Khi hết Tết, trời hanh nắng thì mới đến lượt hoa mai vàng trồng cạnh đó lại tiếp tục rộ sắc Xuân phương Nam. Không khí Tết khiến người lính trẻ trong lòng chộn rộn. Đại úy Lưu Xuân Nghiêm chỉ huy đội tuần tra làm công tác chuẩn bị trước khi vào rừng. Cơm nắm và thức ăn mang theo được gói ghém trong túi. 2 anh Lên và Ngát vui vẻ khi được các chiến sĩ đưa cho gói thuốc lá để hút trong lúc luồn rừng. Cả đội lên xe máy di chuyển đến bờ suối rồi bắt đầu cuộc hành trình trèo dốc, đu dây.

Đi qua nhiều đoạn dốc đá trơn tuột và dựng đứng, anh em Biên phòng phải dừng lại vài phút để lấy hơi trèo tiếp, nhưng 2 người đồng bào thì từ lúc xuất hành tới lúc tạm dừng vẫn liên tục quăng dao phát quang lối đi, rít vài hơi thuốc. Đội tuần tra đi đến quá trưa thì cột mốc 662 hiện ra trên triền núi. “Nghiêm! Chào cột mốc!”. Tiếng hô của Đội trưởng Đội tuần tra vang lên giữa cánh rừng vắng xào xạc tiếng gió đại ngàn. Sau khi kiểm tra, phát quang cột mốc, Đội trưởng Đội tuần tra nói về trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Cùng thời gian trên, Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Hương Nguyên và Đồn Biên phòng Nhâm cũng dấn bước qua những dốc đá cheo leo để đến cột mốc. Trên lưng mỗi người lính cõng theo lương thực, nước uống và mang theo bó hương để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống, còn nằm lại đâu đó giữa rừng sâu. Anh Thái là người đồng bào xã A Roàng 2, dù lớn tuổi nhưng mỗi khi Đồn Biên phòng Hương Nguyên tổ chức tuần tra, anh lại sốt sắng tham gia, vì “được làm công việc như người lính Biên phòng” (anh bảo thế). Câu chuyện của các thành viên trong Tổ tự quản của anh bây giờ luôn nhắc đến việc “bà con mình tham gia bảo vệ cột mốc”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên trên đường tuần tra. Ảnh: Lê Văn Chương

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, BĐBP Thừa Thiên Huế đã xây dựng được 46 Tổ tự quản đường biên, mốc giới với 1.456 hộ gia đình của 11 xã tham gia. Bà con đã phối hợp cùng BĐBP quản lý 84km đường biên giới với 38 cột mốc các loại. Những chuyến đi tuần tra cùng nhau, quây quần với nắm cơm giữa rừng đã tạo ra “chất keo” kết dính tình quân dân. Trong các thôn bản, đồng bào luôn nhắc đến việc tham gia tuần tra với niềm tự hào.

Trên địa bàn biên giới đất liền có nhân dân cùng tham gia tuần tra. Còn trên địa bàn tuyến biển thì ngư dân được tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức như một người lính gác biển. Thừa Thiên Huế có chiều dài bờ biển 126km, từ khi triển khai Chỉ thị 01, có 93 Tổ tàu thuyền an toàn, bao gồm 1.140 tàu thuyền có công suất từ 90 mã lực đã ký kết tham gia vào hoạt động tự quản trên biển. Kết quả sau khi đi vào hoạt động, các tàu cá khi đánh bắt ở vùng biển xa bờ thường xuyên thông báo về tình hình qua hệ thống Icom cho các đồn Biên phòng về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài. Bên cạnh đó, Tổ tự quản còn giúp các ngư dân gắn kết nhau trong lao động sản xuất, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có tàu thuyền bị nạn, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-dan-chung-tay-bao-ve-bien-gioi/