Quán cơm chay giá 0 đồng giữa TP.HCM: 30 phút hết veo 150 suất

Quán cơm chay lên thực đơn mỗi tuần, mỗi ngày nấu một món chính khác nhau. Điều đặc biệt là mỗi suất cơm ở đây được bán với giá 0 đồng.

Những món ăn tại quán cơm chay. Ảnh: Thanh Niên

Những món ăn tại quán cơm chay. Ảnh: Thanh Niên

Trong nhiều tháng nay, quán cơm chay Diệu Thường (246/4A, Hòa Hưng, quận 10, TP.HCM) đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những người lao động nghèo tại khu vực này.

Thực đơn của quán mỗi ngày một món khác nhau, riêng ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch có món ăn đặc biệt là phở chay và bún chay.

Quán cung cấp 150 suất cơm và chỉ trong 30 phút đã hết sạch. Dù suất cơm giá chỉ có 0 đồng nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon từ cách chế biến món ăn đến thái độ phục vụ chủ quán.

Chia sẻ trên VOV, ông Lê Minh Tú (50 tuổi, quận 10, TP.HCM) chia sẻ: “Quán cơm phục vụ rất đàng hoàng, lịch sự. Quán có thùng từ thiện, ai có tiền thì bỏ vô, còn không thì thôi chứ không bắt buộc”.

Đa số khách của quán là những người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, như trường hợp của bà Nguyễn Thị Đào (63 tuổi, quận 10, TP.HCM).

Bà Đào cho biết, gia đình có 7 miệng ăn nhưng đều phải trông chờ vào mức lương 3,5 triệu đồng từ cô con gái đang làm việc trong đoàn hát bội thành phố. Cũng may có quán cơm chay Diệu Thường mà gia đình mới đạm bạc qua ngày.

Trưởng nhóm của quán cơm chay Diệu Thường là anh Nguyễn Anh Điệp và chị Huyền Trân (cùng trú ở quận 10, TPHCM).

Người dân đến ăn tại quán cơ giá 0 đồng. Ảnh: Thanh Niên

Trả lời báo Thanh Niên, anh Điệp cho hay, quán cơm chay được anh và những người bạn cùng có sở thích làm thiện nguyện của mình lập ra.

“Ngày xưa khi chưa mở quán cơm chúng tôi thường đến các bệnh viên để trao cơm hoặc những phần quà nhỏ cho người nhà bệnh nhân. Sau này mới nảy ra ý tưởng tại sao mình không làm một cái gì đó cố định để người ta tới ăn mỗi ngày”.

Từ ý tưởng đó, quán cơm chay Diệu thường giá 0 đồng được thành lập nên.

Giải thích về cái tên “Diệu thường”, chị Huyền Trân chia sẻ: “Tên Diệu Thường là do anh Điệp đặt, nó có nghĩa là một cái gì đó thật đơn giản thôi, như việc làm của tụi mình vậy. Mình thích chữ “0 đồng” thay chữ “miễn phí” vì tụi mình coi như đang bán cho các cô chú chứ không phải kiểu ban phát. Mình chỉ muốn san sẻ yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn hơn, tình thương không miễn phí, nó là vô giá”.

Bên cạnh đó, anh Điệp và chị Trân cũng cho biết việc mở một quán cơm chay giá “0 đồng” không hề dễ dàng. Ngoài vẫn đề về tài chính thì nhân lực và kế hoạch để duy trì quán cơm được cũng là vẫn đề khó khăn. Chính vì vậy, mỗi tháng tất cả thành viên trong nhóm đều ngồi lại để bàn kế hoạch, tổng kết thu chi rõ ràng.

“Tụi mình xác định đây là công việc nghiêm túc nên mọi sổ sách, kế hoạch được bàn rất cẩn thận. Bởi vì tụi mình muốn duy trì lâu dài chứ không giống kiểu tự phát rồi lại chóng nở tối tàn”, anh Điệp nói.

Thủy Tiên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/viec-tot-quanh-ta/quan-com-chay-gia-0-dong-giua-tphcm-30-phut-het-veo-150-suat-a288490.html