Quan chức thi trượt, việc bình thường mà không nhỏ

Quan chức đi thi bị trượt là việc rất bình thường nhưng vì sao người dân lại quan tâm? Có gì không bình thường ở đây?

Báo chí đăng tin ở Hà Tĩnh, trong kỳ thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính có người bị trượt, trong đó có một số người đang ở cương vị quản lý như lãnh đạo huyện, sở, ngành…

Điều này không có gì mới cả. Có thi, thì có trượt. Trong các cuộc thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính hay thậm chí từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp cũng đã xảy ra việc như vậy ở nhiều nơi. Sẽ chỉ là bất thường nếu không có ai trượt.

Một việc không mới, một việc bình thường thì tại sao người dân lại quan tâm? Có gì không bình thường ở đây?

Thi tuyển công chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thi tuyển công chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo thiển ý của người viết bài này, dường như là có. Chỉ xin nêu ở đây mấy khía cạnh nhỏ để chúng ta cùng nhau suy xét.

Một là, người thi trượt đang giữ chức vụ quản lý (không thuần túy chỉ là những công chức giữ ngạch chuyên viên). Lý giải cho việc này, Trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ Hà Tĩnh nói: “Cuộc thi này là để xác định cấp độ của chuyên viên, chứ không phải là cuộc thi để bổ nhiệm lãnh đạo” và “có nhiều yếu tố khiến cán bộ thi trượt, do công việc hết sức nặng nề, giai đoạn qua thêm việc sáp nhập chính quyền xã nên họ rất nhiều việc”. Phải chăng vì vậy mà các vị lãnh đạo không có thời gian học hành, ôn tập?

Ở đây xuất hiện những khía cạnh cần lưu tâm trong quản lý và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy vị chủ tịch huyện, vị lãnh đạo sở vừa đang giữ ngạch chuyên viên vừa giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo. Vậy tiêu chí đánh giá và cách thức đánh giá để nâng ngạch hay “nâng cấp” họ có là một không? Có gì cần phải quy định khác biệt giữa họ cho phù hợp hơn không?

Nếu vậy, đây không phải là một vấn đề nhỏ, cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu, tổng kết đề xuất để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, phúc đáp các đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.

Hai là, nếu vẫn xác định đây là một “tiêu chí kép”, một sự kết hợp giữa chế độ chức vụ (lãnh đạo) và chức nghiệp (công chức chuyên môn nghiệp vụ) thì phải rành mạch và làm rõ. Không nên và không được bổ nhiệm những người không đủ điều kiện giữ ngạch công chức vào các vị trí lãnh đạo đòi hỏi tối thiểu phải giữ ngạch đó.

Và nếu vậy, những người thi trượt, nghĩa là không đủ điều kiện giữ ngạch thì phải xem xét họ còn đủ điều kiện để giữ chức vụ đó không. Đây chính là sự nghiêm và minh của pháp luật. Có vậy mới góp phần tạo ra uy tín và lòng tin trong nhân dân đối với đội ngũ quản lý.

Ba là, có nên tạo điều kiện để các vị này thi lại ngay không, bằng cách “gửi đi thi lại” ở nơi khác? Cá nhân tôi cho rằng, tuyệt đối không nên làm.

Việc thi lại, phải thực hiện theo quy định của pháp luật, không nên chỉ vì người trượt là lãnh đạo mà phải làm như vậy. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trước pháp luật của những vị này với những người trượt khác. Rõ ràng không ai tạo điều kiện cho những thí sinh khác thi lại cả và đương nhiên làm thế là trái pháp luật.

Nếu làm điều này thì uy tín của các vị này nói riêng và đội ngũ của chúng ta nói chung trong nhân dân sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, lòng tin của nhân dân không bao giờ được gây dựng, tạo lập và củng cố từ những việc như vậy.

Mai Anh Tùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quan-chuc-thi-truot-viec-binh-thuong-ma-khong-nho-619691.html