Quan chức Quốc hội: Tại sao mỗi năm chi khoảng 1.000 tỷ đồng cho SGK nhưng không dùng lại được?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về sự lãng phí trong in ấn SGK hàng năm.

Sáng nay (19/9), tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề sách giáo khoa (SGK) lại một lần nữa được đại biểu thảo luận.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đề án đổi mới cơ bản được thực hiện theo lộ trình.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng băn khoăn về sự lãng phí trong in ấn SGK.

Bà Nga cầm một cuốn sách Toán lớp 1 để dẫn chứng cho phần phát biểu của mình. Bà Nga cho rằng trước kia sách bài tập riêng nhưng giờ đây Toán lớp 1 luyện tập chung với SGK. Vì vậy, các thế hệ sau không dùng được sách của anh chị.

“Chúng tôi phản ảnh lại thắc mắc của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng GD-ĐT là lý do tại sao mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Chúng tôi phản ánh lại về những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục”, bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.

Bà Lê Thị Nga dẫn chứng phần bài tập trong sách Toán lớp 1.

Cũng cùng quan điểm này, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, cá nhân bà đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khóa trước, cùng nhiều đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo nói đấy không phải sách giáo khoa, mà chỉ là sách bài tập, sách tham khảo.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện một lần nữa đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quan tâm vì “mỗi cuốn sách chỉ 10.000 đến 12.000 đồng nhưng ảnh hưởng muôn nhà”.

“Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, có biểu hiện gì ở đây? Thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không? Trước đây SGK không phải như vậy nhưng sau đó người ta cứ đưa vào các bài tập, hình vẽ. Nhà in không tự in như thế được mà có thể người ta đặt hàng người biên soạn hoặc người ta yêu cầu sách phải như vậy” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến.

“Đề nghị Bộ trưởng quan tâm Người phát ngôn của Bộ để làm sao với vấn đề nóng cần có phát ngôn thể hiện chính kiến, dẫn dắt dư luận, tránh hoang mang” – bà Nguyễn Thanh Hải nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá, lĩnh vực giáo dục có nhiều thành quả, làm được nhiều việc, nhưng xưa nay, đây cũng là lĩnh vực có nhiều ồn ào trong xã hội. Liên quan đến SGK, ông Bình đề nghị cần công khai lộ trình triển khai thế nào, để mọi người biết chúng ta đang giải quyết những vấn đề gì.

Ông Bình cho biết, hiện theo luật định, chúng ta đang có 1 chương trình giao về cho Bộ GD&ĐT và NXB giáo dục phát hành.

“Hình như đây là hiện tượng vi phạm luật về độc quyền. Ủy ban đã giám sát trong năm 2018 về vấn đề xuất bản SGK. Chúng tôi sẽ báo cáo giám sát vào cuối năm và sẽ công bố kết quả”, ông Bình nêu ý kiến.

Minh Đức

Nguồn VTC: https://vtc.vn/quan-chuc-quoc-hoi-tai-sao-moi-nam-chi-khoang-1000-ty-dong-cho-sgk-nhung-khong-dung-lai-duoc-d427273.html