Quan chức phương Tây đầu tiên gặp thống tướng Myanmar từ vụ binh biến

Ông Peter Maurer, Chủ tịch Ủy ban Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, gặp người đứng đầu quân đội Myanmar Min Aung Hlaing trong chuyến thăm đầu tiên tới Naypyitaw sau cuộc chính biến.

Chuyến thăm của ông Peter Maurer là lần đầu tiên một quan chức cấp cao phương Tây đến quốc gia Đông Nam Á ngày sau sự kiện ngày 1/2.

Trong cuộc hội đàm hôm 3/6, đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã đưa ra cho chính quyền Myanmar hai đề nghị, đó là nối lại các chuyến công tác của các nhóm ICRC và đảm bảo tiếp cận nhân đạo cho các khu vực xung đột ở quốc gia này, theo Nikkei Asia.

Lần này, phía quân đội Myanmar "không từ chối" lời đề nghị từ ICRC, Nikkei Asia dẫn lời các nguồn tin thân cận. Trước đó, ông Min Aung Hlaing đã nói không với yêu cầu của đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar và các quan chức khác được đến thăm quốc gia này này.

 Ông Min Aung Hlaing (trái) gặp ông Peter Maurer ở Naypyitaw hôm 3/6. Ảnh: Reuters.

Ông Min Aung Hlaing (trái) gặp ông Peter Maurer ở Naypyitaw hôm 3/6. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp của ông Maurer và ông Min Aung Hlaing cũng báo hiệu những bước tiến trong nỗ lực của ICRC nhằm tổ chức các chuyến đi đến nơi giam giữ người đối lập - hoạt động trước đây vốn bị đình chỉ do Covid-19, đồng thời tăng khả năng tiếp cận của nhân viên y tế ở các khu vực xung đột.

Bên cạnh đó, ông Maurer cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với dân thường, nhân viên y tế và "tôn trọng luật pháp quốc tế" trong các chiến dịch của quân đội.

Theo một nhóm quan sát, hơn 840 người đã thiệt mạng và 5.600 người bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp Myanmar nhằm phản đối cuộc chính biến của quân đội.

Trong buổi hội đàm, người đứng đầu ICRC yêu cầu tiếp cận tất cả các tù nhân, thay vì chỉ những nhân vật cấp cao như cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Hiện tại, bà Suu Kyi đang bị xét xử cùng lúc nhiều tội danh vi phạm pháp luật Myanmar.

Cuộc gặp của ICRC diễn ra một ngày trước chuyến thăm hôm 4/6 của Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi tới Naypyitaw để gặp gỡ các lãnh đạo quân đội Myanmar.

Tổng thư ký ASEAN và chính quyền quân sự Myanamar cũng sẽ gặp "các bên liên quan (đến cuộc xung đột)". Dù vậy, chưa rõ cuộc gặp này có bao gồm các đối thủ của chính quyền hiện tại hay không, theo Reuters.

Sau đó, đại diện Myanmar có thể sẽ tham dự cuộc họp ngoại trưởng thường niên Trung Quốc - ASEAN vào tuần tới. Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng ở Myanmar, nhất là khi xuất hiện mối đe dọa đối với lợi ích kinh doanh và các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở quốc gia này.

Trước đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiếp đón ông Min Aung Hlaing tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt tại Jakarta. Các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố "đồng thuận 5 điểm" để cải thiện tình hình ở Myanmar.

Ông Maurer, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Thụy Sĩ, tham gia lãnh đạo ICRC từ năm 2012. Ông là chủ tịch ICRC đầu tiên đến thăm Myanmar vào tháng 1/2013 để mở rộng các chương trình của tổ chức ở quốc gia Đông Nam Á này.

ICRC đã hoạt động ở Myanmar trong hơn ba thập niên, tổ chức giúp cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang và các vấn đề bạo lực khác.

ICRC đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ người tị nạn Rohingya ở bang Rakhine của Myanmar và ở Bangladesh, trong chiến dịch chống lại người thiểu số Hồi giáo của quân đội Myanmar giai đoạn 2016-2017.

Kỳ Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-chuc-phuong-tay-dau-tien-gap-thong-tuong-myanmar-tu-vu-binh-bien-post1222993.html