Quan chức nào sẽ tham dự đàm phán thượng đỉnh với lãnh đạo Nga-Triều?

Sớm nhất là 1 giờ chiều nay, giờ địa phương, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức bước vào đàm phán thượng đỉnh Nga- Triều lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua tại thành phố Viễn Đông Vladivostok của Nga để bàn về phi hạt nhân hóa và hợp tác kinh tế.

Thành phần quan chức Triều Tiên và Nga dự kiến sẽ ngồi họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồ họa của Yonhap.

Thành phần quan chức Triều Tiên và Nga dự kiến sẽ ngồi họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồ họa của Yonhap.

Dự kiến, các quan chức Triều Tiên và Nga sẽ cùng tham dự cuộc đàm phán mở rộng kéo dài 3 tiếng đồng hồ cùng hai nhà lãnh đạo, ngay sau cuộc họp “ mặt đối mặt” của hai nhà lãnh đạo.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được chào đón tại Vladivostok chiều 24/4.

Hội nghị thượng đỉnh được nhiều dự đoán sẽ là một thử nghiệm quan trọng đối với hoạt động ngoại giao của ông Kim nhằm phá vỡ bế tắc trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Mỹ, giảm bớt áp lực trừng phạt và thúc đẩy nỗ lực phát triển kinh tế của Triều Tiên.

Ông Kim và ông Putin dự kiến sẽ gặp nhau vào buổi chiều tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở thành phố cảng nằm trên bờ Thái Bình Dương, nơi quốc kỳ Nga và Triều Tiên đã được treo lên, an ninh được tăng cường và Vịnh Ajax liền kề đã đóng cửa để đề phòng mọi cách tiếp cận đáng ngờ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã được các quan chức cấp cao nhất của đảng, quân đội và nhà nước tháp tùng tới Vladivostok bằng tàu hỏa riêng vào chiều qua. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ sau thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 tại Hà Nội.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh Hà Nội không có thỏa thuận, ông Kim đã cố gắng tạo dựng mối quan hệ thân thiết với các cường quốc ủng hộ mình như Nga và Trung Quốc, trong khi kêu gọi Washington linh hoạt hơn trong bối cảnh các đàm phán hạt nhân bị đình trệ.

Theo điện Kremlin, ông Kim và ông Putin sẽ dự một cuộc họp “ mặt đối mặt” khoảng 1 giờ đồng hồ và sau đó là cuộc đàm phán mở rộng với sự tham gia bởi các quan chức hàng đầu mỗi bên. Một buổi tiếp tân chính thức cũng sẽ được tổ chức.

Trích dẫn một nguồn thông tin, hãng tin Nga RIA Novosti cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm trong khoảng bốn giờ , trong đó họp riêng 1 giờ và họp mở rộng kéo dài khoảng 3 giờ.

Theo truyền thông Nga, hội nghị thượng đỉnh Nga- Triều dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng 1 giờ chiều (giờ địa phương) là sớm nhất, bởi vì ông Putin có thể đến Vladivostok vào khoảng giữa trưa.

Phái đoàn Triều Tiên tham dự hội đàm dự kiến có hai phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Phyong Hae và O Su Yong, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Choe Son Hui và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Yong Gil.

Phái đoàn Nga dự kiến bao gồm Phó Thủ tướng Yury Trutnev, Bộ trưởng Ngoại giao Serge Lavrov, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Yevgeny Dietrich và Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông của Nga Alexander Kozlov.

Điện Kremlin cho biết, nội dung chính yếu của chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh sẽ là cách giải quyết bế tắc hạt nhân hàng thập kỷ của Triều Tiên.

Moscow và Bình Nhưỡng ủng hộ cách tiếp cận giải trừ hạt nhân Triều Tiên theo từng theo giai đoạn và tăng dần, trong khi Washington kêu gọi Triều Tiên thực hiện các bước phi hạt nhân hóa nhanh chóng thì mới có thể nhận được ‘ phần thưởng” .

Trước khi đến Nga, ông Kim dự đoán rằng, hội nghị thượng đỉnh Nga- Triều sẽ là cơ hội để " đối thoại hữu ích trong việc quản lý ổn định và cùng điều chỉnh tình hình ở khu vực này".

Các nhà phân tích cho biết, ông Putin có thể nhắc lại sự ủng hộ của Nga đối với các khung hợp tác đa phương để giải quyết những vấn đề hóc búa hạt nhân trong bối cảnh lo ngại rằng Moscow có thể sẽ gặp phải sức ép từ phía Washington và Bắc Kinh và ảnh hưởng đến các nỗ lực hòa bình của Triều Tiên.

Ngoài vấn đề an ninh, các nhà lãnh đạo có thể thảo luận các cách để mở rộng hợp tác kinh tế và viện trợ nhân đạo của Moscow cho Bình Nhưỡng, cũng như triển vọng của các dự án kinh tế ba bên giữa Nga và hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế buộc phải đối mặt với các hạn chế từ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu.

Chương trình nghị sự cũng có thể bao gồm số phận của khoảng 10.000 công nhân Triều Tiên ở Nga phải đối mặt với việc hồi hương vào cuối năm nay do lệnh trừng phạt này cấm cấp thị thực mới. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Triều Tiên khi đây là một nguồn ngoại tệ “cứng” cho một đất nước đang khó khăn như Triều Tiên.

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Kim và Putin sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung hoặc đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh hay không.

Hà Thu
Yonhap

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/quan-chuc-nao-se-tham-du-dam-phan-thuong-dinh-voi-lanh-dao-ngatrieu-1407326.tpo