Quan chức Mỹ tiết lộ 'bí mật sốc' về động cơ tên lửa RD-180 do Nga chế tạo

RIA đưa tin, Giám đốc điều hành của Liên minh Hàng không Vũ trụ Mỹ (ULA) Tory Bruno mới đây đã chia sẻ trên Twitter lý do tại sao công ty của ông lại sử dụng động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất.

Động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất. Ảnh: RIA.

Động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất. Ảnh: RIA.

Được biết, động cơ RD-180 được sử dụng trong thành phần của các phương tiện phóng Atlas của Mỹ. Các nhà phân tích tiết lộ, các tên lửa trang bị động cơ của Nga được sử dụng cho các vụ phóng vũ trụ quan trọng vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Đến nay, 86 chuyến bay Atlas-3 và Atlas-5 trên RD-180 đã được hoàn thành, động cơ đầu tiên được chuyển đến Mỹ vào năm 1999. Tổng cộng, theo công ty Energomash, Hoa Kỳ đã nhận được 119 động cơ như vậy.

Ngoài ra, công ty Energomash là nhà sản xuất động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu lỏng RD-191 cho phương tiện phóng Angara, RD-180 cho tên lửa Atlas-5 và RD-181 cho tên lửa Antares của Mỹ. Ngoài ra, công ty hiện đang tạo ra động cơ RD-171MV cho tên lửa mới Soyuz-5 (Irtysh).

Theo ông Bruno, vào thời điểm cuối Chiến tranh Lạnh chính phủ Mỹ đã yêu cầu ULA mua chính những loại động cơ này để các nhà khoa học về tên lửa của Nga không đưa chúng sang Triều Tiên và Iran.

Những người theo dõi Twitter của ông Bruno đã nhanh chóng đưa ra những bình luận về điều này. “Động cơ RD-180 rất mạnh mẽ và đáng tin cậy, các sản phẩm tương tự của Mỹ có giá cao hơn”, một bình luận trên Twitter.

Đồng thời, theo các chuyên gia, những tên lửa này được sử dụng cho những vụ phóng đặc biệt quan trọng, được thực hiện vì lợi ích của an ninh quốc gia Mỹ.

Cũng theo cựu Thượng nghị sỹ Nelson thừa nhận trong một bài phỏng vấn, ngày nay Mỹ vẫn phải nhập toàn bộ động cơ RD-180 từ Nga. Công nghệ của Nga trong mẫu động cơ này nhận được sự công nhận của Mỹ vì hiệu suất hoạt động cao. Bản thân ông Nelson cũng thừa nhận rằng đó là “một động cơ tuyệt vời được lắp đặt cho tên lửa Atlas 5, hiện vẫn là mẫu tên lửa đáng tin cậy nhất trong những vụ phóng quân sự, các vụ phóng của NASA và cả các vụ phóng thương mại... lên quỹ đạo”.

Mới đây, tạp chí National Interest của Mỹ cho biết, luật bắt buộc Không quân Mỹ phải từ bỏ việc sử dụng RD-180, tuy nhiên, theo dự báo của tạp chí này điều này sẽ không xảy ra ít nhất là cho đến năm 2024.

Hôm 15/2, Quốc hội Mỹ cũng công nhận việc không thể thay thế động cơ Nga bằng động cơ của Mỹ trong vòng 10 năm tới. Theo đó, tài liệu được các chuyên gia gửi chính phủ Mỹ viết: “Quá trình chuyển đổi từ RD-180 sang các động cơ hoặc phương tiện phóng khác chỉ có thể diễn ra suôn sẻ và được thực hiện chính xác theo lịch trình sau năm 2030”.

Tài liệu cũng nhấn mạnh, việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho các động cơ của Nga đã bắt đầu từ năm 2015, sau khi Moscow đáp trả các lệnh trừng phạt của Washington, liên quan đến tình hình ở Ukraine.

Trước đó, ngày 29/10/2019, công ty Energomash của Nga đã gửi thêm ba động cơ tên lửa RD-180 đến Mỹ. “Theo hợp đồng đã ký kết, ngày 29/10 công ty Energomash đã gửi ba động cơ RD-180, trước đây được đặt hàng đến Hoa Kỳ”, thông báo cho biết.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/quan-chuc-my-tiet-lo-bi-mat-soc-ve-dong-co-ten-lua-rd180-do-nga-che-tao-post338634.info