Quan chức LHQ: Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ở mức cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh

Ngày 22/6, phát biểu tại một hội nghị trực tuyến của Quỹ Carnegie, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Izumi Nakamitsu cho biết, LHQ đang ghi nhận ý nghĩa ngày càng tăng của vũ khí hạt nhân trong chiến lược phát triển của các quốc gia.

Nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng do hành động cố ý, do sự cố hoặc tính toán sai lầm đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. (Nguồn: Shuuterstock)

Nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng do hành động cố ý, do sự cố hoặc tính toán sai lầm đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. (Nguồn: Shuuterstock)

Bà Nakamitsu nói: "Nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng do hành động cố ý, do sự cố hoặc tính toán sai lầm đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh".

Quan chức LHQ lưu ý rằng, tổ chức này đang rất quan ngại về những xu hướng như vậy.

Trong số các lý do dẫn đến tình trạng hiện tại, bà Nakamitsu nêu ra việc hình thành trật tự hạt nhân đa cực, căng thẳng khu vực và chạy đua vũ trang: "Chúng ta đang nhận thấy thế giới hiện nay không có đối thoại, giảm sút tính minh bạch. Chế độ kiểm soát vũ khí tiếp tục suy thoái".

Nguy hiểm nhất là nguy cơ nhận định sai tín hiệu của các bên và tình trạng leo thang căng thẳng. Giải pháp tốt nhất để loại bỏ rủi ro hạt nhân chính là loại bỏ các loại vũ khí này.

Tuần trước, Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) cho biết, số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai đã tăng lên vào năm 2020. Theo tổ chức này, vào đầu năm nay, số đầu đạn hạt nhân là 3.825 so với 3.720 một năm trước đó.

Theo ghi nhận của SIPRI, xu hướng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh đã đình trệ, nhưng cho đến nay, số lượng đầu đạn hạt nhân vẫn phù hợp với các điều khoản của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-chuc-lhq-nguy-co-su-dung-vu-khi-hat-nhan-dang-o-muc-cao-nhat-tu-sau-chien-tranh-lanh-149169.html