Quan chức châu Âu khuyến nghị về sự hỗ trợ dành cho nền kinh tế Eurozone

Một số nhà hoạch định chính sách ngày 16/11 cho rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với sự phục hồi khó khăn sau cuộc suy thoái nặng nề, và cần nhiều hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chính phủ các nước thành viên Eurozone, như cần đạt được sự nhất trí về quỹ phục hồi EU vốn gặp nhiều trắc trở do không nhận được sự ủng hộ của Hungary và Ba Lan.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Với khả năng cao Eurozone quay trở lại suy thoái trong quý IV/2020, ECB cho biết sẽ cung cấp nhiều biện pháp kích thích kinh tế trong tháng 12/2020, có thể được thực hiện thông qua chương trình mua trái phiếu khẩn cấp và thông qua các khoản vay với lãi suất cực thấp đối với khu vực ngân hàng.

Tuy nhiên, hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã gặp khó khăn ngày 16/11 sau khi Hungary và Ba Lan tiến hành phong tỏa ngân sách của EU và quỹ phục hồi 750 tỷ euro (khoảng 888 tỷ USD), nỗ lực tài khóa chung lớn nhất từ trước tới nay của nhiều nước thành viên EU, và được xem là rất quan trọng để hạn chế sự phát triển kinh tế không đồng đều.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha Pablo Hernandez de Cos cho rằng với triển vọng ngày càng xấu đi cho hoạt động kinh tế và lạm phát, Hội đồng thống đốc ECB cần tăng mức độ ổn định tiền tệ và tránh các vấn đề gây ra sự thiếu thống nhất.

Nhà kinh tế trưởng của ECB Philip Lane, người vốn kêu gọi các biện pháp hỗ trợ tài chính “đáng kể”, cảnh báo rằng ngay cả khi vắc-xin ngừa COVID-19 sắp được triển khai, các hạn chế kinh tế có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới.

Vấn đề của EU là một số thành viên mắc nợ nhiều nhất đã phải gánh chịu ảnh hưởng kinh tế lớn nhất từ đại dịch COVID-19, do đó những nước này ít có khả năng thúc đẩy phục hồi thông qua các công cụ tài khóa của mình. Do đó, sự đổ vỡ của quỹ phục hồi EU có thể sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia giàu có hơn ở phía Bắc châu Âu và các quốc gia nghèo hơn ở phía Nam châu Âu, một sự khác biệt có thể dẫn tới sự bất ổn xã hội.

Q.Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-chuc-chau-au-khuyen-nghi-ve-su-ho-tro-danh-cho-nen-kinh-te-eurozone-20201117123009271.htm