Quan chức an ninh Mỹ - Nhật - Hàn chuẩn bị họp bàn về Triều Tiên

Các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc sẽ có buổi hội đàm ở Maryland vào ngày 2/4 (giờ địa phương) về vấn đề Triều Tiên và nguồn cung chất bán dẫn.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ gặp hai người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Suh Hoon và ông Shigeru Kitamura, tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, bang Maryland, theo Reuters. Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao nhất giữa ba đồng minh kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền vào ngày 20/1.

Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 25/3.

“Phi hạt nhân hóa vẫn là trọng tâm chính sách của Mỹ với Triều Tiên. Bất kỳ cách tiếp cận nào với Triều Tiên nếu muốn hiệu quả đều phải được thực hiện nhất quán với các đồng minh thân cận”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong cuộc họp báo hôm 1/4.

 Tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 25/3. Ảnh: Reuters.

Tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 25/3. Ảnh: Reuters.

Một chủ đề quan trọng khác cuộc hội đàm sẽ là đảm bảo an toàn cho các chuỗi cung ứng chất bán dẫn, theo Nikkei Asia.

Tình hình càng trở nên quan trọng sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản, cùng với thời tiết băng giá ở Texas của Mỹ mất điện, và hạn hán nghiêm trọng tại Đài Loan (Trung Quốc), khiến tình trạng thiếu hụt chip ngày càng nghiêm trọng.

Điều này khiến một số dây chuyền tại các nhà máy sản xuất ôtô ở Mỹ, châu Âu và châu Á bị đình trệ.

Ngày 25/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh hợp tác với các đồng minh, để xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và các sản phẩm quan trọng khác.

Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp về xây dựng chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Ảnh: AFP.

Sắc lệnh mới của tổng thống nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng cường quan hệ với các đối tác như Đài Loan, Nhật Bản và Australia.

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan đang hợp tác với Mỹ đầu tư 12 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Mỹ cũng thúc đẩy hợp tác với Australia trong lĩnh vực đất hiếm để phá vỡ vị trí thống trị của Trung Quốc.

Thị phần của Mỹ trong công suất sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm mạnh từ 37% năm 1990 xuống còn 12% năm 2020. Hiện Mỹ phải nhập khẩu 80% đất hiếm từ Trung Quốc.

Lan Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-chuc-an-ninh-my-nhat-han-chuan-bi-hop-ban-ve-trieu-tien-post1200120.html