Quản chặt việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm

Hình ảnh những chiếc xe máy vận chuyển lợn không che chắn lưu thông trên đường phố Hà Nội gây phản cảm và lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dây chuyền giết mổ gia cầm công nghiệp tại Công CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh

Dây chuyền giết mổ gia cầm công nghiệp tại Công CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh

Cứ vào rạng sáng và đầu giờ chiều, không khó để bắt gặp tình trạng những chiếc xe máy chở từ 1 - 2 con lợn chạy trên trên đường phố Hà Nội. Lợn trên xe chỉ được phủ bằng một tấm vải ẩm ướt, cáu bẩn hoặc được che tạm bợ bằng bao tải, thậm chí, nhiều xe còn không có vải che phủ. Tình trạng này không chỉ gây phản cảm với người đi đường mà còn tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, cũng như dễ dàng lây lan dịch bệnh.
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, những con lợn “khỏa thân” vắt vẻo trên xe máy đến các chợ đầu mối chủ yếu là lợn giết mổ ở các lò mổ không phép. Việc vận chuyển thịt lợn bằng xe máy, không được che phủ dưới thời tiết nắng nóng nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm rất cao. Theo quy định, vận chuyển thịt lợn phải được bảo quản trong thùng tôn hoặc bằng xe tải đông lạnh. “Vài năm trước, Hà Nội cũng đã hỗ trợ làm thùng kín để các tiểu thương chuyên chở thịt lợn. Tuy nhiên, do một số bất cập với thời tiết nắng nóng nên các tiểu thương quay lại cách chở lợn truyền thống” – ông Sơn cho hay.
Để ngăn chặn triệt để vi phạm, bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh động vật và bảo vệ môi trường, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có công văn đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân không được vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn nghi mắc bệnh, lợn bệnh, lợn chết. Đồng thời tuân thủ quy định về nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật mắc bệnh hoặc bị chết để sử dụng làm thực phẩm. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng công an, quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y tổ chức điều tra, triệt phá việc vận chuyển, giết mổ và buôn bán lợn nghi mắc bệnh, lợn bệnh, lợn chết trên địa bàn, áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt theo đúng quy định. Các trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn với mục đích để giết mổ. Đặc biệt, công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở vi phạm, giết mổ, buôn bán thịt lợn nghi mắc bệnh, lợn bệnh, lợn chết để người tiêu dùng biết, tránh lựa chọn sử dụng.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quan-chat-viec-van-chuyen-giet-mo-gia-suc-gia-cam-414532.html