Quán 'bún chửi': Chỉ là chửi đùa, nghe vui tai

Quán bún dọc mùng của bà Thảo ở phố Ngô Sĩ Liên thường được biết đến với tên 'bún chửi', nhưng cái tâm của người làm đặt trong món ăn đã níu chân thực khách suốt 20 năm nay.

Ở đất Hà Nội, thứ gì cũng có thể coi là đặc sản. Bún chửi không phải ngoại lệ. Cái sự chửi của dân Kẻ Chợ có thể khiến người nơi khác cảm thấy phiền lòng và khó chịu, nhưng với cách hiểu, cách chấp nhận của dân bản địa như tôi, đó là điều hoàn toàn bình thường. Bún chửi hay bún dọc mùng bà Thảo là một quán ăn như thế.

Bà Thảo bán bún từ năm 1984, nhưng nghe đâu cũng long đong lận đận mãi mới yên vị tại con phố nhỏ Ngô Sĩ Liên sau ga Hàng Cỏ.

Quán bún dọc mùng của bà Thảo ở Ngô Sĩ Liên nổi tiếng với thực khách.

Quán bún dọc mùng của bà Thảo ở Ngô Sĩ Liên nổi tiếng với thực khách.

Khách đến với bà cũng vì nhiều lý do, có khi là tò mò về cái tên "bún chửi", muốn mắt thấy tai nghe lối ăn nói chém to kho mặn của người phụ nữ này, hoặc thể người ngoa ngoắt muốn so đo cao thấp kẻ tám lạng - người nửa cân với cơn chửi như ăn phải khoai ngứa của bà chủ quán.

Nhưng với tôi, một kẻ vốn dĩ đã quá hiểu về văn hóa chửi, tôi đến là vì bún dọc mùng bà Thảo thật sự ngon với khẩu vị của mình. Đi ăn nhiều nơi rồi mới dám khẳng định bún dọc mùng ở đây là chuẩn vị.

Ngoài nước chấm ớt tỏi bày biện bắt mắt, nồi nước dùng mới thật là chất. Vị nước xương ngòn ngọt hẳn phải ninh nấu rất kỹ từ xương ngon mới không bị lẫn mấy thứ mùi lạ với một người nhạy cảm với mùi như tôi. Một chút thanh thanh, chua chua lên màu dậy vị từ cà chua, tai chua hay trái sấu, dấm bỗng lẫn cái hăng hăng, sần sật của dọc mùng chan bún rối, hoặc bún chấm bên ngoài mới thật đậm đà, thơm mát, trong lành giữa những ngày hè oi ả.

Món bún dọc mùng thơm mát, trong lành được nhiều thực khách lựa chọn giữa những ngày hè oi ả.

Ăn kèm với bún dọc mùng là thịt chân giò, móng giò chặt, lưỡi lợn, sườn lợn (miếng nào cũng thái dày chứ không mỏng lay lắt như ở vài chỗ khác), ăn lẫn với mùi tàu, lá húng thơm, vừa béo ngậy vừa mềm.

Quay lại cái sự chửi của bà Thảo, bà cứ chắc như đinh đóng cột là cái danh bún chửi đích thị là "thằng Bằng Kiều" (ca sĩ Bằng Kiều) đặt cho bà, vì anh vốn dĩ vừa là khách quen, vừa là hàng xóm với quán bún chửi của bà từ lúc Bằng Kiều còn thiếu thời.

Cũng có lần tôi đi ăn, gặp Bằng Kiều ngồi ngay bên cạnh. Ăn xong, anh còn hỏi bà Thảo: "Hôm nay u không chửi nữa à?". Bà Thảo liền chửi một câu đùa lại. Bằng Kiều nghe xong tỏ ra khoái chí và cười lớn.

Nước chấm ớt tỏi bày biện bắt mắt.

Đó là bà chửi đùa với khách, nghe thấy vui tai. Làm nghề làm dâu trăm họ mới thấu hiểu thế nào là "ba máu sáu cơn". Những khi gặp khách có tiền, trịch thượng, hoạnh họe đủ kiểu, bà không kiềm chế được mà thốt ra những lời nói khó nghe, chứ kỳ thực thì bà Thảo không "dám" xúc phạm nặng nề tới khách. Lâu dần, ai cũng hiểu tính bà, nên người chửi cứ chửi, người ăn cứ ăn, quan tâm làm gì cho mệt.

Nghĩ cho cùng, cuộc đời bà Thảo cũng nhiều góc khuất. Nỗi buồn trong cuộc sống đâu có ít, lại mấy chục năm trời sấp mặt mưu sinh từ sáng tới tối. Lúc áp lực cuộc sống, những phụ nữ ngoài kia còn giải tỏa bằng cách đi mua sắm, làm đẹp, đi ăn, đi chơi, trò chuyện với chúng bạn. Bà Thảo phục vụ bàn dân thiên hạ, không chửi trời chửi đất, không bóng gió xa xôi, không mắng mỏ nhân viên, thực khách vài câu thì cũng trầm cảm mất thôi.

Tôi nghiệm ra một điều là những người đồng bóng, phổi bò, nghĩ sao nói vậy thì tâm địa lại chẳng bao giờ xấu xa, vụ lợi. Chửi cũng chẳng là cái gì ghê gớm, chỉ là một cách cân bằng cuộc sống, chứ cái tâm bà Thảo nằm trong món bún dọc mùng thật ngon. Không phải tự nhiên mà quán lúc nào cũng đông nườm nượp suốt hơn 20 năm nay. Món ăn không ngon, dễ gì thực khách đông đến như vậy.

Với tôi, những quán ăn dân dã đều có chất riêng của nó. Những nhà hàng sang trọng, lịch sự chỉ là điểm đến chứ không tạo nên một thứ bản sắc văn hóa đặc trưng nào hết.

Bài và ảnh: Khương Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quan-bun-chui-o-ha-noi-chi-la-chui-dua-nghe-vui-tai-post748460.html