Quan bố có con thăng tiến siêu tốc: Giải pháp nào?

Hiện tượng 'Quan Bố' bổ nhiệm con siêu tốc cũng là một dạng tham nhũng cần phải được xử lý như đối với một hành vi tham nhũng.

LTS:- TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp thẳng thắn nêu quan điểm trước hiện tượng hàng loạt "Quan Bố" bổ nhiệm con siêu tốc một cách bất thường.

Dư luận đã nói nhiều đến hiện tượng quan bố bổ nhiệm con siêu tốc. Tôi đã có lần phải dùng cụm từ "thuốc kích phọt" để phản ánh hiện tượng này. Xét về bản chất, đây cũng là một dạng lợi ích mà "Quan Bố" có nhu cầu và nguyện vọng đạt được từ quá trình phấn đấu của mình. Một khi người ta đã có chức, có quyền, có quyền sinh, quyền sát, có quyền quyết định bổ nhiệm hay chi phối việc bổ nhiệm nhân sự vào một vị trí A hoặc B nào đó thì việc đưa con cái vào diện thụ hưởng cũng là điều dễ hiểu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa chỉ đạo sử lý trường hợp bổ nhiệm siêu tốc đối với ông Lê Phước Hoài Bảo

Tôi đã có lần nói, đây cũng là một dạng tham nhũng cần phải được xử lý như đối với một hành vi tham nhũng. Không thể khác được. Dư luận xã hội rất quan tâm tới vấn đề này. Việc Ủy ban kiểm tra Trung ương có quyết định xóa tên Đảng viên, hủy quyết định bổ nhiệm đối với ông Lê Phước Hoài Bảo- Giám đốc Sở KHĐT, con trai ông Lê Phước Thanh- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam là ví dụ điển hình được dư luận hết sức hoan nghênh. Cũng có ý kiến cho rằng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Câu chuyện "Quan Bố" cài cắm, bổ nhiệm con cái vào các vị trí thuận lợi, vị trí có chức, có quyền không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam lâu nay. Thậm chí nhiều lúc, nhiều nơi nó còn mang tính phổ biến. Dư luận đây đó cũng biểu lộ chuyện bức xúc nhưng chưa đủ sức để ngăn chặn, để xử lý. Mong rằng, việc xử lý Bố - Bí thư, Con - Giám đốc như ở Quảng Nam chỉ là bước đầu. Cơ quan có thẩm quyền cần phải tiếp tục xử lý tiếp theo một cách thiết thực và hiệu quả trong phạm vi toàn quốc câu chuyện "Bố - Con" này. Trong thời gian vừa qua, công luận đã tốn khá nhiều giấy mực để nêu lên hiện tượng không mấy cá biệt này. Việc xử lý cũng mới ở bước đầu được ghi nhận.

Trước hết, nói về "Quan Bố", một người đã hi sinh, cống hiến, có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung thì khi có điều kiện, được tạo điều kiện cho con cái cũng là lẽ thường tình. Khi bố rút lui khỏi quan trường mà chưa tạo ra được vị trí, chỗ đứng vững chắc cho con cái của mình thì như một món nợ, một điều trăn trở, băn khoăn của bậc phụ huynh.

Tôi biết khá nhiều trường hợp, trong điều kiện cho phép, khi còn đương chức, đương quyền, các ông "Quan Bố, Quan Mẹ" đã quan tâm tới việc bảo ban, dạy dỗ, tạo điều kiện cho con cái học hành tu dưỡng, rèn luyện đến nơi, đến chốn, có đủ năng lực, trình độ để được xã hội chấp thuận, khẳng định. Những trường hợp này nếu con cái tiếp nối được truyền thống của bố mẹ, tự khẳng định được mình thì rõ ràng là một diễm phúc cho đất nước, cho xã hội.

Đối với những trường hợp này, cả gia đình và xã hội đều vui mừng, dễ dàng ghi nhận, chấp thuận. Ngược lại cũng có những "Quan Bố" đã tỏ rõ sự nuông chiều, o bế một cách quá mức con cái, không quan tâm dạy dỗ, tạo điều kiện cho con cái học hành, tu dưỡng tới nơi, tới chốn mà cuối cùng vẫn sử dụng quyền lực của mình để cài cắm con cái vào những vị trí lãnh đạo, vị trí có chức quyền trong bộ máy, trong xã hội, thì dư luận bức xúc là đúng.

Những trường hợp này không phải là ít. "Quan Bố" luôn sẵn sàng sử dụng các biện pháp, cách thức, kể cả những biện pháp, cách thức đen tối, sai trái để đưa con vào những vị trí mong muốn. Ta hay nói đến cụm từ "bổ nhiệm đúng quy trình" để có ý phân bua, biện hộ cho những trường hợp này.

Theo tôi, đây là một sự ngụy biện, nói lấy được. Một khi ông bố đã có chức, có quyền, có cách thức để chi phối cấp dưới, chi phối số đông trong một tập thể nào đó thì quy trình này trở thành hình thức mà họ rất dễ dàng vượt qua được. Thậm chí, tôi còn biết nhiều ông bố, một khi đủ quyền lực, còn áp dụng các quy trình một cách "vượt khung" quy định, "vượt mức" cần thiết. Nếu muốn biện hộ, bao che cho những ông bố này, người ta rất dễ đưa ra số lượng quy trình, kết quả ở từng khâu nấc để giải thích với công luận, với cấp trên.

Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng khi mà các quy định đưa ra để đánh giá một con người cụ thể còn khá chung chung, trừu tượng, khi mà trong một tập thể vẫn còn tồn tại tâm lý "mũ ni che tai", tâm lý "đấu tranh, tránh đâu?", tâm lý nịnh bợ còn phổ biến thì các quy trình này rất dễ dàng bị vượt qua, trở thành hỏa mù để che mắt cấp trên, che mắt xã hội.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao cho đến nay, người ta vẫn không chấp thuận và cho áp dụng một cách phổ biến cơ chế đề xuất ứng cử viên có dư, cơ chế báo cáo chương trình hành động một cách công khai trước tập thể cán bộ công chức, viên chức?

Nhiều lần tôi đã có dịp nêu lên vấn đề này, nhưng đáng tiếc chưa được quan tâm đúng mức, chưa được lắng nghe. Việc đề xuất ứng cử viên có dư đã tạo điều kiện cho tập thể có dịp so sánh, lựa chọn, tìm người xứng đáng trong số được đề cử. Việc đưa ra cơ chế báo cáo chương trình hành động một cách công khai trước tập thể trước khi lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cơ hội cho mọi người lựa chọn, so sánh. Mặt khác, cũng là một dịp để buộc những người tham gia ứng cử nhìn nhận một cách thấu đáo, đầy đủ những vấn đề liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh mà mình tranh cử.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/quan-bo-co-con-thang-tien-sieu-toc-giai-phap-nao-3349438/