Quân bài năng lượng Nga, Iran ra sao sau đột phá Biển Caspi?

Iran và Azerbaijan, Kazakhstan, Nga, Turkmenistan đã nhất trí về mặt nguyên tắc vào ngày 12/8 cách thức phân chia nguồn dầu khí khổng lồ đầy tiềm năng tại Biển Caspi.

Iran và Azerbaijan, Kazakhstan, Nga, Turkmenistan đã nhất trí về mặt nguyên tắc vào ngày 12/8 cách thức phân chia nguồn dầu khí khổng lồ đầy tiềm năng tại Biển Caspi- điều mở đường cho việc gia tăng các dự án thăm dò và khai thác năng lượng tại khu vực này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspi lần 5, diễn ra ngày 12/8 tại thành phố Aktau, Kazakhstan, các nhà lãnh đạo của 5 nước trên đã ký công ước về quy chế Biển Caspi nhằm làm giảm căng thẳng khu vực và mở đường cho các dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Tuy nhiên, việc phân định đáy biển – vốn là nguyên nhân gây bất đồng nhất - sẽ cần các thỏa thuận bổ sung giữa các quốc gia ven biển, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết.

Trong gần ba thập kỷ, 5 nước ven biển Caspi đã tranh chấp về cách phân chia Caspi- hồ nước khép kín lớn nhất thế giới.

Và trong khi một số nước đã thúc đẩy các dự án lớn ở ngoài khơi như mỏ dầu Kashagan ngoài khơi bờ biển Kazakhstan, thì việc bất đồng về tình trạng pháp lý của biển Caspi đã ngăn cản những dự án khác được thực thi.

Một trong số này là đề án xây dựng một đường ống dẫn qua Caspi có thể vận chuyển khí tự nhiên từ Turkmenistan đến Azerbaijan và sau đó tiếp tục đến châu Âu. Dự án này sẽ cho phép các nước này cạnh tranh với Nga ở thị trường phương Tây.

Một số quốc gia ven biển cũng còn tranh chấp về quyền sở hữu một số mỏ dầu và khí đốt, điều làm chậm sự tiến triển của quá trình thương thảo.

Vấn đề từ sau khi Liên Xô sụp đổ

Trước đó, Quy chế Biển Caspian đã được quy định trong thỏa thuận giữa Iran và Liên Xô - vốn là 2 nước duy nhất có lối ra biển Caspi.

Sau khi Liên Xô tan rã, từ năm 1996, 5 nước ven biển Caspi đã đưa ra tranh chấp và bắt đầu tiến hành đàm phán về quy chế mới cho vùng biển này.

Trong quá trình này, Tehran đã đưa ra lập trường chia tách biển Caspi thành năm phần bằng nhau hoặc tất cả cùng nhau phát triển tất cả các nguồn lực của khu vực này.

Các nước còn lại đều không nhất trí với ý tưởng này. Trong đó, Nga, Kazakhstan và Azerbaijan đã chia tách phía bắc Caspi bằng cách sử dụng đường trung tuyến.

Tuy nhiên, Azerbaijan vẫn chưa nhất trí cách phân chia một số mỏ dầu và khí đốt với Iran và Turkmenistan, bao gồm cả mỏ Kapaz / Serdar với trữ lượng khoảng 620 triệu thùng dầu.

Để nỗ lực giải quyết tranh chấp này, đã có hơn 50 cuộc gặp cấp thấp hơn giữa các nước trong vùng và đây là lần thứ 5 hội nghị thượng đỉnh 5 nước vùng biển Caspi diễn ra kể từ năm 2002.

Phát biểu sau khi ký kết công ước về Quy chế biển Caspi vào ngày 12/8, tất cả năm nhà lãnh đạo đã hoan nghênh đây như như là sự kiện lịch sử, tuy nhiên, không cung cấp nhiều về quy định phân tách đáy biển.

Iran, Azerbaijan, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan đã có bước đột phá về vấn đề Biển Caspi.

Dù vậy, khẳng định rằng, tài liệu không phải là giải pháp cuối cùng, ông Rouhani cho rằng việc phân định biên giới sẽ cần các bên tiếp tục bàn thảo và đưa ra được các thỏa thuận riêng rẽ mà quy ước này sẽ là một cơ sở.

Đường ống xuyên Caspi

Moscow không có tranh chấp lãnh thổ đáng kể, tuy nhiên, đã phản đối việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa Turkmenistan và Azerbaijan, trích dẫn những lo ngại về môi trường. Khi đường ống trên được xây dựng, nó sẽ cho phép khí đốt của Turkmenistan đi vòng qua Nga và tới châu Âu.

Vẫn chưa rõ liệu hội nghị ngày 12/8 có vạch ra một tương lai rõ ràng cho đường ống trên. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev cho biết, văn bản được kí kết giữa họ cho phép các đường ống dẫn khí được xây dựng miễn là đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường nhất định.

Ashley Sherman, nhà phân tích về Caspi tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói rằng, mặc dù bản thân việc ký kết này là "một mốc quan trọng chưa từng có" cho khu vực Caspi, những tác động tức thời cho ngành năng lượng sẽ bị hạn chế.

"Chúng tôi cho rằng, một đường ống dẫn khí xuyên Caspi (TCGP) là chưa khả thi, ngay cả trong dài hạn", ông chia sẻ trong một email. "Việc rõ ràng về tình trạng pháp lý sẽ cho thấy rõ hơn những trở ngại về mặt thương mại và chiến lược đối với TCGP, từ những hạn chế về cơ sở hạ tầng đến cạnh tranh về nguồn cung, không chỉ riêng vấn đề từ bản thân Azerbaijan."

Đối với ngành thăm dò và khai thác dầu khí, ý định tăng cường các dự án chung ở phía nam Caspia là rất hứa hẹn, Sherman nói.

"Các mỏ dầu khí bị tạm dừng và các dự án thăm dò bị hoãn cũng có thể được quay trở lại chương trình nghị sự", ông nói.

Tuy nhiên, trong khi công suất sản xuất dầu và khí đốt ngoài khơi Caspia trung bình đã gần ở 2 triệu thùng dầu/ ngày, tác động từ các mỏ khai thác mới - nếu và khi tranh chấp về quyền sở hữu được giải quyết - có thể vẫn sẽ bị giới hạn.

"Quy mô của các dự án ở vùng biển tranh chấp không thể so sánh với các mỏ siêu khổng lồ hiện có, từ Azeri Chirag Guneshli và Shah Deniz của Azerbaijan đến Kashagan của Kazakhstan," Sherman nói.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/quan-bai-nang-luong-nga-iran-ra-sao-sau-dot-pha-bien-caspi-356518.html