Quận Bắc Từ Liêm gắn biển di tích cách mạng kháng chiến

Ngày 21/11, quận Bắc Từ Liêm tổ chức Lễ gắn biển di tích cách mạng kháng chiến Đình Thượng Cát và cơ sở cách mạng đối với gia đình cụ Đàm Thị Nghiên, gia đình cụ Trần Thị An - Đàm Văn Nhỡ, phường Thượng Cát.

 Quận Bắc Từ Liêm gắn biển di tích cách mạng kháng chiến Đình Thượng Cát.

Quận Bắc Từ Liêm gắn biển di tích cách mạng kháng chiến Đình Thượng Cát.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết, hiện nay, trên địa bàn quận có 135 di tích, trong đó, có 63 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. 26 di tích cách mạng kháng chiến và lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; 29 lễ hội truyền thống.

Đình Thượng Cát là nơi đã diễn ra cuộc Mít tinh của hơn 1.000 quần chúng Nhân dân. Tại đây, đồng chí Hoàng Tùng (được Trung ương Đảng cử về) đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng giành thắng lợi, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến tay sai, thành lập chính quyền Dân chủ Nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1964-1972), Đình Thượng Cát được sử dụng làm kho chứa quân trang, quân dụng của đơn vị K10, Cục Hậu cần, Quân chủng Phòng Không - Không quân.

Gia đình cụ Đàm Thị Nghiên, là cơ sở cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ, T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương (thời kỳ 1939-1945). Nơi nuôi giấu các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng về hoạt động, địa điểm cất giấu vũ khí, tài liệu và trạm giao thông liên lạc.

Đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển cơ sở cách mạng gia đình cụ Đàm Thị Nghiên.

Gia đình cụ Trần Thị An - Đàm Văn Nhỡ là cơ sở cách mạng của T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ, đã nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Dung, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Tùng, vợ chồng đồng chí Văn Tiến Dũng - Nguyễn Thị Kỳ và là nơi đặt trạm liên lạc, nơi ăn, ở, đi lại, làm việc, cất giấu tài liệu bí mật của Đảng.

Việc di tích cách mạng kháng chiến được công nhận và gắn biển vừa là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, đấu tranh quả cảm của lớp người đi trước, vừa thể hiện tấm lòng tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay.

Qua đó, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị cùng Nhân dân phường Thượng Cát phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức tọa đàm gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống cha anh để dựng xây đất nước đi lên trong xu thế hội nhập và phát triển. "Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần có kế hoạch giới thiệu di tích trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương… Tiếp tục sưu tầm những tài liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử cách mạng. Phấn đấu thi đua lập nhiều thành tích góp phần xây dựng quận cũng như phường Thượng Cát ngày càng văn minh, giàu đẹp, khẳng định vị thế của một địa phương giàu truyền thống cách mạng"- Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà nhấn mạnh.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quan-bac-tu-liem-gan-bien-di-tich-cach-mang-khang-chien-402407.html