Quận Ba Đình lên tiếng vụ cấp đến 4 tầng hầm cho công trình nhà ở riêng lẻ

Việc công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 phố Sơn Tây được UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cấp GPXD 5 tầng nhưng có đến 4 tầng hầm không chỉ gây xôn xao cho người dân ở khu vực mà còn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và cơ quan quản lý.

Trong khi đó, lý giải của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình thì việc điều chỉnh cấp GPXD bổ sung cho công trình nhà ở riêng lẻ này từ 1 tầng hầm lên 4 tầng hầm thì có đến 2 tầng hầm được sử dụng vào mục đích làm kho chứa.

Cấp nhiều tầng hầm để mục đích làm kho chứa?

Sau khi Tiền Phong thông tin về công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 phố Sơn Tây-phường Điện Biên được UBND quận Ba Đình cấp GPXD 5 tầng nhưng có đến 4 tầng hầm, ghi nhận của PV cho thấy, tấm biển thông tin sơ sài về công trình này đã được lật úp vào bên trong che đi nội dung thông tin theo quy định khi thi công xây dựng.

Theo lý giải của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình thì việc điều chỉnh cấp GPXD bổ sung cho công trình nhà ở riêng lẻ này từ 1 tầng hầm lên 4 tầng hầm, trong đó có đến 2 tầng hầm được sử dụng vào mục đích làm kho chứa, kỹ thuật.

Theo lý giải của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình thì việc điều chỉnh cấp GPXD bổ sung cho công trình nhà ở riêng lẻ này từ 1 tầng hầm lên 4 tầng hầm, trong đó có đến 2 tầng hầm được sử dụng vào mục đích làm kho chứa, kỹ thuật.

Trong khi đó, phíaUBND quận Ba Đình cũng đưa ra thông tin phản hồi đơn thư của người dân về việc cấp GPXD cho công trình nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 phố Sơn Tây. Theo đó, tại văn bản số 493/QLĐT do ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình ký trả lời đơn thư công dân đã lý giải về tầng hầm của công trình nhà ở riêng lẻ này.

Cụ thể, theo lý giải của đơn vị này, căn cứ văn bản số 4174/UBND-ĐT năm 2017 của UBND TP Hà Nội về việc “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn”, đã nêu: “Các công trình nhà dân thuộc nhóm các dự án khuyến khích xây dựng bổ sung thêm diện tích tầng hầm (phải đảm bảo đáp ứng đủ chỗ đỗ xe cho nhu cầu của bản thân công trình).

Đơn vị này dẫn chứng, theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2004 “Nhà ở cao tầng – tiêu chuẩn thiết kế” thì tầng hầm có thể được sử dụng làm tầng kỹ thuật, chỗ để xe, bố trí tủ điện và máy bơm nước cho tòa nhà”…

Từ viện dẫn trên, Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho rằng, ngày 18/12/2019, UBND quận Ba Đình cấp GPXD số 617 điều chỉnh GPXD số 447 ngày 24/9/2019 cho ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh với nội dung điều chỉnh số tầng hầm và chiều cao tầng hầm (từ 1 tầng hầm lên 4 tầng hầm; chiều cao 2,4m lên 3,3m-PV), giữ nguyên diện tích, chiều cao các tầng nổi.

GPXD cấp cho công trình tại lô đất B3 phố Sơn Tây-phường Điện Biên có đến 4 tầng hầm, với tổng diện tích các tầng hầm gần bằng tổng diện tích các tầng nổi.

Đặc biệt, theo lý giải của đơn vị này về phương án thiết kế, công năng sử dụng của 4 tầng hầm này sau khi điều chỉnh như sau: “Phương án thiết kế được điều chỉnh GPXD được thiết kế 4 tầng hầm với công năng sử dụng của các tầng hầm gồm tầng hầm 4 để xe ô tô; tầng hầm 3, 2 là diện tích kho chứa, kỹ thuật và tầng hầm 1 để xe máy. Chiều cao các tầng hầm đều là 3,3m, phù hợp với Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2004 và văn bản số 4174 của UBND TP”, văn bản của Phòng Quản lý đô thị Ba Đình lý giải.

Lo ngại tạo tiền lệ một 8B Lê Trực dưới lòng đất

Trao đổi với PV Tiền Phong, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Mạnh Cường-một hộ dân ở cạnh công trình lô đất B3 phố Sơn Tây phân tích, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam và quy định cấp phép hiện hành, thì thẩm quyền của cấp quận, huyện chỉ cấp GPXD công trình nhà ở riêng lẻ có bán hầm hoặc 1 tầng hầm với chiều cao tối đa 2,2m-2,4m.

"Cần phải làm rõ việc thẩm định mục đích, công năng sử dụng của 4 tầng hầm là gì? Nếu không rất dễ trở thành một 8B Lê Trực dưới lòng đất, bởi vì công trình này nằm đối diện công trình sai phạm 8B Lê Trực hiện đang bị xử lý sai phạm về chiều cao và mật độ xây dựng”, KTS Nguyễn Mạnh Cường nói. (Ảnh: Công trình nhà ở riêng lẻ cấp GPXD 4 tầng hầm nằm đối diện công trình sai phép 8B Lê Trực).

"Công trình cấp 3 thuộc thẩm quyền cấp phép của quận huyện, còn cấp 1, 2 thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Xây dựng đối với các dự án công trình mục đích kinh doanh, thương mại từ 2 tầng hầm trở lên. Việc UBND quận Ba Đình viện dẫn Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2004 để cấp tới 4 tầng hầm, mỗi tầng cao 3,3m2 là không đúng. GPXD cấp năm 2019 nhưng lại áp dụng Tiêu chuẩn xây dựng 2004 là không hợp lý bởi khi có quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng mới sẽ thay thế quy định cũ”, KTS Nguyễn Mạnh Cường phân tích.

Ông Cường lập luận, việc cấp GPXD cho nhà ở riêng lẻ tại khu đông đúc dân cư thuộc quy hoạch Khu trung tâm hành chính Ba Đình có đến 4 tầng hầm với tổng diện tích hầm gần bằng tổng diện tích tầng sàn sử dụng (5 tầng nổi) là bất thường: "Cần phải làm rõ việc thẩm định mục đích, công năng sử dụng của 4 tầng hầm là gì? Nếu không rất dễ trở thành một 8B Lê Trực dưới lòng đất, bởi vì công trình này nằm đối diện công trình sai phạm 8B Lê Trực hiện đang bị xử lý sai phạm về chiều cao và mật độ xây dựng”, ông Cường nhấn mạnh.

Được biết, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) mới đây đã có văn bản trả lời Sở Xây dựng Hà Nội về thẩm quyền cấp GPXD và thẩm định hồ sơ thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ có từ 2-5 tầng hầm theo phân cấp quy định tại Thông tư số 03/2016 của Bộ Xây dựng.

"Việc xác định thẩm quyền thẩm định thiết kế đối với công trình nhà ở riêng lẻ có từ 2 tầng đến 5 tầng hầm theo phân cấp công trình quy định tại Thông tư số 03/2016 và Thông tư số 07/2019/BXD sửa đổi, bổ sung của Bộ Xây dựng...", Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhấn mạnh.

Sau khi báo chí thông tin, biển báo thông tin công trình này được úp ngược vào trong. (Ảnh: Trước khi báo Tiền Phong thông tin và ảnh sau khi báo thông tin-PV).

Trước đó, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng có văn bản trả lời Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: "Việc thẩm định hồ sơ thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ (từ 2 tầng hầm đến 5 tầng hầm-PV) là công trình cấp 1, cấp 2; Sở quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế 3 bước); thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước) công trình nhà ở dưới 25 tầng; công trình xây dựng có ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, an toàn cộng đồng với công trình cấp 2, cấp 3..."

Tại Phụ lục 2 - Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu (Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng) đã quy định, loại kết cấu nhà, thuộc cấp công trình cấp 3 chỉ được phép xây dựng 1 tầng hầm, với số tầng nổi từ 2-7 tầng.

Công văn số 4174/UBND-ĐT về “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội” mà Phòng Đô thị quận Ba Đình viện dẫn trả lời người dân ban hành ngày 28/08/2017 nêu rõ, các dự án nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm gồm: Đối với nhà ở là chung cư cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, tái định cư...; Công trình công cộng, hỗn hợp, cơ quan như văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại; các công trình hỗn hợp, dịch vụ đô thị cấp thành phố và khu vực; Các dự án khuyến khích bổ sung diện tích tầng hầm (phải đảm bảo đáp ứng đủ chỗ đỗ xe cho nhu cầu của bản thân công trình theo quy định).

Đình Phong-Lâm Vỹ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/dia-oc/quan-ba-dinh-len-tieng-vu-cap-den-4-tang-ham-cho-cong-trinh-nha-o-rieng-le-1712281.tpo