Quân Assad trắng tay, Idlib thứ 2 hình thành?

Vùng an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập có thể trở thành 'Idlib thứ 2' ở Syria.

Ngày 22/10, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố, nước này không cần thiết khởi động lại chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. "Tại thời điểm này, không cần thiết phải tiến hành chiến dịch quân sự mới ở Syria", tuyên bố nêu rõ.

Theo Ankara, phía Mỹ đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, các tay súng người Kurd đã hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực biên giới.

Ngày 22/10 cũng là ngày kết thúc lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày của Thổ Nhĩ Kỳ, kí kết hôm 17/10 với Mỹ. Theo thỏa thuận ngừng bắn, người Kurd sẽ phải rút toàn bộ lực lượng khỏi khu vực rộng 32km tính từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Cùng ngày, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đạt được kế hoạch hành động chung ở miền bắc Syria. Theo đó, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được tiến hành ở một khu vực hạn chế, nằm giữa các thị trấn Tell Abyad và Ras al-Ayn.

Bắt đầu từ 12h00 ngày 23/10, các đơn vị cảnh sát quân sự Nga và quân đội Syria sẽ được triển khai dọc theo phần còn lại của biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông của Euphrates.

Sau khi người Kurd hoàn tất việc rút quân, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung ở phía đông và phía tây của vùng an toàn.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Tal Abyad, miền bắc Syria ngày 18/10.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Tal Abyad, miền bắc Syria ngày 18/10.

Thực tế khác

Như vậy, nửa tháng sau khi Mỹ quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria, cục diện tại khu vực này bắt đầu được định hình. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ rằng, chính phủ Syria là bên hưởng lợi nhiều nhất sau khi Mỹ rời đi, khi mà lực lượng này thế chân Mỹ tại nhiều khu vực.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, trên thực tế bên hưởng lợi nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Còn với chính phủ Syria, giống như lực lượng người Kurd, sẽ là bên chịu thiệt thòi.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thiết lập vùng an toàn rộng 32km kéo dài 440km nhằm đưa hơn 3 triệu người dân tị nạn Syria về đây sinh sống. Thế nhưng, trong số người tị nạn này có bao nhiêu phần là thường dân Syria? Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể thao túng điều này nhằm trà trộn người của mình vào lãnh thổ Syria.

Mặt khác, lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng sẽ cát cứ khu vực này, củng cố lực lượng, sẵn sàng đối đầu với lực lượng chính phủ. Vùng an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập có thể trở thành "Idlib thứ 2" ở Syria.

Những tưởng sau khi hoàn thành chiến dịch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trao trả quyền kiểm soát cho quân đội Syria, nhưng trong thỏa thuận với Nga, Ankara không hề nhắc tới điều đó. Như vậy, về bản chất, miền bắc Syria vẫn nằm ngoài tầm với của lực lượng chính phủ.

Về phần người Kurd, mặc dù lực lượng này mất đi một phần không nhỏ lãnh thổ ở biên giới Syria. Song đây là vùng ít tài nguyên, lại hay xảy ra chiến sự, đổi lại người Kurd không còn phải lo lắng về mối đe dọa từ Ankara.

Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch đưa 200 binh sĩ tới biên giới Iraq nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của IS, đồng thời bảo vệ các mỏ dầu tại đây. Điều này giúp người Kurd tiếp tục được bảo lãnh từ Mỹ, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Damascus. Từ đó, làm chủ vùng đất giàu tài nguyên và có cơ sở để mơ về một khu tự trị của riêng mình.

Thái Bảo

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/quan-assad-trang-tay-idlib-thu-2-hinh-thanh-3390012/