Quán ăn phải chọn vật lộn kinh doanh hoặc chấp nhận phá sản vì dịch

Dịch bệnh càng tồn tại lâu, hậu quả mà nó đem đến ngày càng nhiều. Phần lớn các nhà hàng, quán ăn đang cố tìm cách tồn tại và đảm bảo uy tín về an toàn sức khỏe cho khách hàng.

Các nhà hàng đang cố gắng vật lộn để tồn tại được trong giai đoạn bệnh dịch khó khăn. Tất cả có một mối quan tâm chung rằng: Liệu sau khi lệnh phong tỏa kết thúc, việc kinh doanh có thể trở lại bình thường được hay không?.

Mối quan ngại ngày càng tăng, khi họ mất dần sự thu hút và tương tác với khách hàng, theo SCMP.

Vì Covid-19, nhiều người phải đối mặt với khó khăn về kinh tế, thất nghiệp và mất việc làm. Đa số lựa chọn nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí, hơn là tụ tập tại các quán ăn.

Đồng thời, kinh doanh nhà hàng là một trong những ngành đang bị tổn thất nặng nề khi người dân khó có thể quay lại thưởng thức một cách thoải mái mà không sợ lây nhiễm.

 Các nhà hàng treo biển đóng cửa im lìm suốt dịch bệnh. Ảnh: NRN.

Các nhà hàng treo biển đóng cửa im lìm suốt dịch bệnh. Ảnh: NRN.

Tại Mỹ, đảm bảo chất lượng nhà hàng đang là ưu tiên hàng đầu. Sau đại dịch, các bang cần cân bằng và phát triển quán ăn phù hợp theo mức độ kinh tế và sẵn sàng đón nhận tình hình sẽ không được như trước.

Để duy trì, doanh nghiệp cần đảm bảo sự an toàn cho khách hàng khi đến dùng bữa bằng việc giãn cách chỗ ngồi.

Tiến sĩ Erin DiCapro, chuyên gia an toàn thực phẩm của Đại học California, Davis cho biết: “Tôi có nhận được nhiều kiến nghị, yêu cầu gia hạn giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa. Bởi người dân vẫn cảm thấy lo ngại khi đến những nơi đông người”.

Hãng cà phê Starbucks tại Trung Quốc đã thực hiện đo thân nhiệt và ưu tiên gọi đồ đem về. Ảnh: CNN.

Jack Li, giám đốc công ty nghiên cứu công nghiệp Datassential, Mỹ cho biết các nhà hàng sẽ tạo nhiều khoảng cách giữa các bàn ăn hơn, triển khai các dịch vụ gọi đồ, thanh toán online và giảm thiểu nguy cơ lây bệnh do tiếp xúc khi nhận tiền mặt.

Các quá trình làm việc tại nhà hàng sẽ được giám sát chặt chẽ. Buffet tạm thời ngưng hoạt động, thay vào đó là dịch vụ giao hàng tận nhà. Nhân viên nhà bếp phải đeo găng tay và khẩu trang, các món ăn sẽ được bọc riêng kỹ càng.

Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, cho biết các nhà hàng đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt khách hàng ngay tại cửa ra vào.

Các bàn ăn được tạo khoảng cách an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh. Ảnh: Now Magazine.

Theo số liệu khảo sát của Datassentail, có khoảng 1/3 người dân Mỹ cảm thấy không an toàn và thoải mái khi ra ngoài ăn tối. “Họ không sẵn sàng bước vào đám đông và ăn uống tại nơi đó”, báo cáo cho biết.

Các doanh nghiệp sẽ cần yêu cầu khách hàng gọi đồ mang về hay giao đồ ăn về nhà để đảm bảo an toàn. Pizza Hut đã lắp đặt “đường ray” ngay tại quầy order. Đồ ăn sẽ được chuyển đến tay khách hàng mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Giá vẫn ổn định, phù hợp với tình trạng thất nghiệp gia tăng như hiện nay.

“Thật khó có thể biết được bao giờ cuộc sống sẽ trở lại bình thường”, Mike Grams, giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Taco Bell, chia sẻ.

"Taco Bell sẵn sàng đấu tranh vượt qua bệnh dịch, đem lại an tâm cho khách hàng". Ảnh: Fox 10 Phoenix.

Tại Trung Quốc, chủ sở hữu Pizza Hut và KFC đang điều chỉnh và bổ sung thực đơn trên ứng dụng order, giúp khách hàng dễ dàng gọi món.

Pizza Hut còn hỗ trợ đặt hàng nguyên liệu sống của món bít tết cùng gia vị kèm theo để khách có thể nấu ăn tại nhà. Tài xế giao hàng sẽ để đồ trước cửa nhà và cách xa 2 m để xác nhận khách hàng lấy đồ thành công.

Tại Vũ Hán, Trung Quốc – nơi đầu tiên ghi nhận dịch bệnh bùng phát, các nhà hàng đang tận dụng các kênh livestream, phát trực tiếp hình ảnh khách hàng ăn uống tại cửa hàng, khiến người xem cảm thấy an tâm hơn khi đến thưởng thức.

Theo thống kê bởi Bloomberg, có khoảng 60% nhà hàng tại Trung Quốc có nguy cơ phá sản do ảnh hưởng của bệnh dịch. Các nhà hàng nhỏ và tầm trung đã đóng cửa vĩnh viễn do không đủ vốn duy trì.

Trung Quốc thử nghiệm giao hàng không tiếp xúc với người nhận, hạn chế lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Ảnh: CNBC.

Tại Mỹ, Micheal Halen, nhà phân tích ẩm thực và nhà hàng của Bloomberg Intelligence cảnh báo rằng có rất nhiều nhà hàng có mức nợ cao, dễ rơi vào phá sản bất cứ lúc nào.

“Chúng ta đã thấy được hậu quả do bệnh dịch gây ra, có rất nhiều nhà hàng phá sản do không trả được khoản nợ khổng lồ”, ông cho biết.

Ông Adnan Durrani, Giám đốc Bộ phận sản xuất Công ty Saffron Road cho biết: “Mọi người đến siêu thị mua sắm nhiều hơn, họ bắt đầu thay đổi thói quen tốt như tập thể dục và nấu ăn tại nhà. Tôi thấy đó là việc mà mọi người cần duy trì lâu dài”.

Vân Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-an-phai-chon-vat-lon-kinh-doanh-hoac-chap-nhan-pha-san-vi-dich-post1076324.html