Quái vật Momo có thể khiến trẻ nghĩ rằng cái chết là sự giải thoát

PGS.TS Phạm Gia Khải nhận định thử thách Momo ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của những đứa trẻ. Khi tiếp nhận thường xuyên, chúng có thể cho rằng cái chết là sự giải thoát.

Momo Challenge (Thử thách Momo) là trò bịp xuất phát từ WhatsApp, không phải từ YouTube, nhưng gần đây nhân vật này đã núp bóng trong các video hoạt hình trên YouTube, bất ngờ hiện ra và dọa giết người xem. Nhiều phụ huynh ở Việt Nam nói rằng con họ biết đến Momo và rất sợ hãi khi nhắc đến nhân vật này.

Chia sẻ về vấn đề này, BSCKII Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết điều này giống như việc trẻ cảm thấy sợ hãi khi xem phim ma. Nếu trẻ nhìn thấy những hình ảnh này thường xuyên có thể mắc chứng rối loạn lo âu (anxiety disorder) hay nặng hơn là hoảng sợ (panic).

Khi rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, trẻ luôn có cảm giác sợ hãi, căng thẳng, lo lắng một điều gì đó sắp xảy ra. Dấu hiệu trên cơ thể thường gặp là tim đập nhanh, khô miệng, máy giật cơ, run tay, nặng ngực, dễ kích động nổi nóng, khó thư giãn, khó ngủ,... Ở rối loạn lo âu, các đe dọa thường không rõ ràng, mơ hồ hoặc vô lý.

Thử thách Momo là trò đe dọa trên mạng nhắm vào trẻ em. Đây là một tác phẩm điêu khắc ở Nhật Bản mang tên "Chim Mẹ" và nó không có thật. Ảnh chụp màn hình.

Thử thách Momo là trò đe dọa trên mạng nhắm vào trẻ em. Đây là một tác phẩm điêu khắc ở Nhật Bản mang tên "Chim Mẹ" và nó không có thật. Ảnh chụp màn hình.

Trước khi bàn về những mối nguy hại của Thử thách Momo - trò chơi tự sát, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, chia sẻ câu chuyện về một người thân trong gia đình mình. “Người thân của tôi mắc bệnh ung thư nhưng không uống thuốc và cho rằng không uống thuốc mới là tốt. Họ từ chối cả việc gặp tôi. Sau đó, họ tự tử. Đó là do gia đình không có sự gần gũi, yêu thương”, PGS.TS Phạm Gia Khải nói.

Qua trải nghiệm của chính bản thân mình, chuyên gia này nhận định thử thách Momo không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý của những đứa trẻ, thậm chí một số phụ nữ yếu bóng vía cũng dễ bị trò chơi này làm xáo trộn. Khi tiếp nhận những hình ảnh, thông tin này thường xuyên, trẻ sẽ cho rằng cái chết là sự giải thoát.

“Bố mẹ cần gần gũi, quan tâm con cái nhiều hơn. Khi đó, chúng ta sẽ biết con đang xem gì, làm gì dù chỉ là những đoạn nhỏ video xấu xen lẫn trong nội dung trẻ đang theo dõi. Tôi nhấn mạnh, trẻ em rất cần có sự quan tâm, yêu thương nhiều từ bố mẹ”, PGS.TS Phạm Gia Khải chia sẻ.

Huệ Nguyễn - Tuệ Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quai-vat-momo-co-the-khien-tre-nghi-rang-cai-chet-la-su-giai-thoat-post921949.html