Quách Phan Tuấn Anh - người giữ lửa nghề đậu bạc làng Định Công

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh là một trong số ít người còn lại đang làm nghề đậu bạc làng Định Công.

Người “giữ lửa”

Nghệ nhân đậu bạc Quách Phan Tuấn Anh

Nghệ nhân đậu bạc Quách Phan Tuấn Anh

Được biết anh tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Vậy vì lý do gì mà anh lại quyết định từ bỏ ước mơ trở thành nhà kinh tế của mình để quyết tâm theo nghề cổ truyền?

Định Công là làng nghề đậu bạc cổ truyền qua nhiều thế hệ, bố tôi là nghệ nhân Quách Văn Trường, từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với nghề rồi, lúc đầu chỉ là làm một vài sản phẩm thủ công nhỏ, thấy cũng hay lắm, thích nữa, nhưng không nghĩ là sẽ theo nghề đâu. Sau này lớn lên, trải qua những năm tháng học trên giảng đường đại học, thấu hiểu được sự vất vả và yêu nghề của cha anh, dần bị cuốn theo và yêu nó lúc nào không biết. Có lần, một khách đến đặt hàng hơn 1.000 sản phẩm, nhưng bố từ chối vì không kham nổi. Tôi tiếc lắm, chính điều này đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giúp bố giữ được nghề này.

Những sản phẩm được làm rất khéo léo

…và tinh tế

Để làm được một sản phẩm đậu bạc phải trải qua rất nhiều công đoạn, người thợ cần có tố chất gì?

Chủ yếu là cần cù thôi, vì những sản phẩm đậu bạc có thể có kích thước nhỏ lại có hoa văn, chạm khắc đan xen vào nhau. Nếu không tỉ mỉ, cần mẫn thì rất khó làm nên một sản phẩm đẹp. Ngoài ra cần có sự sáng tạo, miệt mài làm việc để từ những cái sai, thất bại có thể rút ra kinh nghiệm và tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo, hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Những ngày đầu học nghề và làm nghề, anh phải đối mặt với những khó khăn nào? Và có bao giờ anh từng nghĩ mình sẽ dừng lại không?

Nói về khó khăn thì nhiều lắm vì nghề này đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết một, nhất là khâu ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh, còn non tay nên ghép chỗ này hỏng chỗ kia, rồi hỏng, rồi sửa nhiều lúc ức chế lắm, nhưng mà nếu làm thành một sản phẩm hoàn chỉnh thì lại vui. Và sau mỗi lần như thế lại rút ra được kinh nghiệm cho bản thân.

Khi đã thạo việc rồi thì lại vấp phải nhiều khó khăn khác, đó là nghề này đã bị mai một nhiều rồi, việc vực dậy phải mất một thời gian dài, cần có thị trường tiêu thụ, các mẫu mã sản phẩm phải mới, phải đa dạng, phải hấp dẫn thị hiếu khách hàng. Rồi có đơn đặt hàng rồi lại phải lo đến khoản nhân công có tay nghề cao, xưởng sản xuất, trang thiết bị, không thể làm tạm bợ được.

Để thuê mướn nhân công, đầu tư trang thiết bị như thế thì anh lấy nguồn vốn ở đâu?

Tôi tự đầu tư thôi, vay của gia đình rồi vay thêm quỹ hỗ trợ phát triển, những đơn đặt hàng trả trước, đặt cọc để lấy đó trả lương cho anh em, đầu tư thêm máy móc thiết bị tốt. Tôi còn dùng tiền đó mở lớp dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất. Khó khăn thì cứ dồn dập, liên tiếp như thế, cứ vượt qua cái này lại có cái khác nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ, mà chỉ muốn cố gắng, cố gắng hơn chút nữa để phát triển nghề này hơn nữa.

Tôi có được biết nghề chạm bạc có ở nhiều địa phương như Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương) nhưng sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng. Vậy điều gì đã tạo nên nét đặc trưng riêng đó?

Nét đặc trưng riêng ở bạc Định Công, thứ nhất đó là một nghề tinh hoa lâu đời, nằm trong tứ trụ của thành Thăng Long xưa. Thứ hai nghề được truyền từ đời này sang đời khác, cha truyền con nối với tinh thần bảo tồn và phát huy những giá trị và vẻ đẹp của con người Việt Nam. Thứ ba, để tạo ra thương hiệu bạc Định Công như ngày nay, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, thành thạo mất rất nhiều năm. Các sản phẩm làm từ bạc nguyên chất, hoa văn tinh xảo, các mẫu mã đẹp cần sự cần mẫn, chăm chỉ từ những khâu đơn giản nhất, nấu bạc, kéo sợi… Mỗi tác phẩm đều gửi gắm tất cả tình yêu và tinh hoa mà người thợ muốn gửi đến khách hàng, nhắc nhở con cháu về những nét đặc trưng của cội nguồn dân tộc, dù có đi đâu, về đâu, làm bất cứ nghề gì cũng mang trong mình quốc hồn, quốc túy của dân tộc.

Truyền nghề và phát triển

Hiện nay mọi người làm bạc theo hình thức công nghiệp, những sản phẩm truyền thống không còn được mọi người ưa chuộng nữa. Anh đã làm cách nào để giữ được tinh thần nhiệt huyết, gắn bó với nghề của mình cũng như các anh em trong xưởng?

Làm bất cứ việc gì cũng có cái tình, để giữ được nhiệt huyết thì có tình yêu với nó tự khắc mình sẽ gắn bó với nó. Để giữ được anh em ở đây, trước tiên mình phải giúp họ ổn định cuộc sống, bởi vì có ổn định cuộc sống thì bản thân mới yên tâm sáng tạo, từng cá nhân phải hăng say sáng tạo thì mới có một công xưởng đoàn kết, vững mạnh. Còn với bản thân thì luôn phải nhắc nhở mình đang mang trách nhiệm và trọng trách truyền lửa trên vai. Bản thân phải truyền đi tình yêu cho nhiều thế hệ hơn nữa để giá trị tốt đẹp có thể lan tỏa cho cộng đồng.

Một sản phẩm được làm rất cầu kì, tinh xảo

Anh có dự định gì trong tương lai để có thể phát triển tay nghề của mình cũng như quảng bá nghề này cho đông đảo công chúng biết hơn nữa?

Nói về dự định thì rất nhiều, đầu tiên tôi muốn ổn định hơn nữa cuộc sống, gia đình của các công nhân trong xưởng để họ có thể an tâm làm nghề và không bị những yếu tố khác tác động. Sau đó tăng cường nhân công, đảm bảo cơ sở vật chất, diện tích. Mở rộng khuôn viên vì xưởng của tôi cạnh nhà Tổ mẫu của nghề kim hoàn, phát triển du lịch để du khách có thể đến và tham quan, tậm mắt chứng kiến các khâu làm đậu bạc, hoặc tự tay mình tạo ra một sản phẩm bất kì. Quảng bá nghề truyền thống đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Đưa những sản phẩm sáng tạo đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm.

Trong thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa các lớp học nghề đậu bạc, dạy học miễn phí cho ai muốn theo nghề, chỉ mong họ có thể học tập nghiêm túc và sẵn sàng cống hiến cho nghề truyền thống này.

Thu Thảo

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-tre/quach-phan-tuan-anh-nguoi-giu-lua-nghe-dau-bac-lang-dinh-cong-968033.html