Quả vải thiều và sở thích của đại mỹ nhân thời nhà Đường

Quả vải thiều hay xưa kia còn gọi là quả lệ chi. Ở Việt Nam, vải thiều chủ yếu được trồng ở các tình miền Bắc. Trong đó Bắc Giang và Hải Dương là hai tỉnh có diện tích, sản lượng vải thiều lớn nhất.

Dương Quý Phi. Ảnh internet

Dương Quý Phi. Ảnh internet

Trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc còn ghi lại tương đối cụ thể câu chuyện liên quan đến sở thích thưởng thức quả lệ chi của Dương Quý Phi thời nhà Đường bên Bắc phương.

Của ngon vật lạ tiến vua

Từ xưa đến nay, quả vải thiều được nhiều người ưu chuộng, ngày nay quả vải có bán rộng rãi khắp các địa phương song trong quá khứ đây là loại sản vật tiến vua nên không phải người dân nào cũng có may mắn được thưởng thức.

Theo một số tài liệu chép rằng, thời xưa, vải là một loại quả quý hiếm, chỉ vua chúa mới được ăn, do đó vải thiều thường là sản vật tiến vua. Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, quả vải được hết mực khen ngợi, đề cao: “mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết”. Theo truyền thuyết, từ xa xưa Hán Vũ Đế đã sai quân đem cây vải từ Giao Chỉ (tức miền Bắc nước ta hiện nay) về trồng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trên đường vận chuyển, cây vải đã chết vì lạnh. Từ đó, vua Hán đã bắt nhân dân ta hàng năm phải cống nạp “lệ chi”. Tới thời nhà Đường, tục lệ này vẫn được duy trì. Dương Quý phi là ái thiếp của Đường Huyền Tông, bà là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc thích ăn quả lệ chi đến nỗi người thời đó đặt tên ngoại hiệu cho quả lệ chi là “Phi tử tiếu” (nụ cười Dương Phi). Đường Huyền Tông vì cưng chiều bà nên thường xuyên bắt nhân dân phía Nam cống nạp quả vải về thành Trường An.

Chuyện Dương Quý Phi thích ăn vải từ lâu trở thành câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam. Thiên "Dương Quý phi ngoại truyện", sách "Tân Đường thư" có chép rằng: Dương Quý phi thích ăn quả lệ chi, nên để làm vừa lòng ái phi của mình, Đường Huyền Tông đã lệnh cho người cưỡi ngựa vận chuyển vải từ vùng Lĩnh Nam về Trường An để Dương Quý phi thưởng thức. Để thỏa ý thích ấy, cả người lẫn ngựa đã phải làm việc cật lực, tới mức “chạy hàng nghìn dặm nhưng khi tới kinh thành, hương vị của trái vẫn tươi nguyên”. Căn cứ theo miêu tả của sử sách thì “7 ngày 7 đêm mới tới Trường An, cả người lẫn ngựa đều chết vì mệt”. Đỗ Mục, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, sau này từng có thơ viết về chuyện này: “Nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu, vô nhân tri thị lệ chi lai” (nghĩa là "Ngựa ruổi bụi hồng, Phi mỉm miệng, ai hay vải tiến đã về triều").

Nhiều người đã từng nhận định rằng, sở dĩ Dương Quý Phi có được sắc đẹp khuynh quốc, nghiêng thành như vậy là do thường xuyên ăn vải. Một số nhà khoa học sau này cũng giải thích, trong trái vải chứa hàm lượng đường cao, có tác dụng bổ sung năng lượng, tăng cường dinh dưỡng. Người phụ nữ ăn vải sẽ giúp ngực nở, vòng ba căng tràn. Điều này đặc biệt thích hợp với thời Đường, thời đại mà một người đẹp phải hơi mập một chút. Thêm nữa, ăn vải khiến cơ thể toát nhiều mồ hôi, giúp giải trừ độc tố trong người. Loại quả này chứa hàm lượng protein và vitamin phong phú nên có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, khiến da dẻ hồng hào, nhẵn nhụi…Đó quả là những công dụng tuyệt vời để giữ gìn dung nhan ở người phụ nữ.

Vải thiều đã đi Đông, Tây

Trên đây là những câu chuyện được lưu truyền trong lịch sử, hiện nay các nhà khoa học đã có những nghiên cứu rất cụ thể về giá trị dinh dưỡng, thành phần của quả vải thiều. Trái vải chứa hàm lượng chất chống oxy hóa như vitamin C, hợp chất của vitamin B và flavonoid cao. Những chất chống oxy hóa này bảo vệ cơ thể khỏi stress gây ra bởi ô nhiễm và tia UV. Các gốc tự do được tạo ra từ các phân tử bị oxy hóa. Oligonol là một loại polyphenol trọng lượng phân tử thấp dồi dào trong trái vải. Oligonol làm giảm mỡ sâu, tăng cường lưu thông máu cạnh sườn, giảm mệt mỏi sau tập luyện, tăng cường sức chịu đựng cũng như giảm nếp nhăn và tàn nhang trên khuôn mặt. Vải giúp nuôi dưỡng làn da, giảm sự phát triển của mụn,đồng thời cũng giúp da mịn màng hơn.

Ở nước ta, hiện nay theo ghi nhận còn cây vải lâu đời nhất khoảng 200 tuổi, còn gọi là “cây vải tổ” do cụ Hoàng Văn Cơm tại Thanh Hà, Hải Dương trồng. Cây vải thiều lâu năm nhất ấy đã đạt danh hiệu Kỷ lục Việt Nam. Thanh Hà là nơi có “cây vải tổ” và sau này (từ những năm 60 của thế kỷ trước) trong quá trình di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, người dân Hải Dương đã mang theo cây vải thiều lên vùng đất của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang trồng, và từ đó cây vải thiều đã đã “hợp đồng hợp đất”, nhanh chóng bén dễ. Không những trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” mà nay nhiều gia đình ở Bắc Giang đã giàu lên nhờ trồng vải. Lục Ngạn cũng trở thành địa phương có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất nước, chất lượng quả vải tại đây luôn được đánh giá cao.

Năm 2018, vải thiều Bắc Giang được Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á xác nhận nằm trong Top 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị Kỷ lục của khu vực Đông Nam Á. Năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chăm sóc kỹ, đúng quy trình canh tác do đó chất lượng vải thiều tốt nhất trong những năm gần đây, quả vải thiều to, đỏ tươi, đẹp hơn, không có sâu đục cuống. Hiện giá vải thiều Lục Ngạn tại vườn, đang chờ thu hoạch loại đẹp là 40.000 đồng/kg, với người nông dân Lục Ngạn thì đây thực sự là một mùa vụ thắng lợi.

Phạm Thị Ngoan

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/qua-vai-thieu-va-so-thich-cua-dai-my-nhan-thoi-nha-duong-71144