Qua tư dinh 'Doanh điền sứ' Lê Bẩy ở Tiên Yên

Không có biển đề tên như các khu đô thị, 'đường Lê Bẩy' dành cho một con người đã đi vào huyền thoại trong trái tim người dân Tiên Yên.

Lê Bẩy - “Hùm xám miền Đông” lẫy lừng một thuở xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên. Khi ở tỉnh làm đến Trưởng ty (Giám đốc Sở) lúc lên Trung ương, công tác tại Tổng cục Thủy sản mới thành lập (trực thuộc Bộ NN-PTNT), là cánh tay đắc lực cho Tổng cục trưởng Nguyễn Trọng Tỉnh. Người dân Tiên Yên truyền tụng, Lê Bẩy còn kết nghĩa anh em với bà Hà Thị Quế, vợ ông Nguyễn Trọng Tỉnh, khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thế rồi con hổ nhớ rừng, ông lại về với mảnh đất Tiên Yên - thủ phủ của tỉnh Hải Ninh vùng phên dậu Đông Bắc một thuở.

"Lày sắt" - Hùm xám miền Đông

Lê Bẩy tuổi trẻ thông minh, thạo tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Quan Hỏa. Có tài cưỡi ngựa, bắn súng, lại giỏi võ, từng tay không đánh bại nhiều tướng phỉ người Hoa sừng sỏ. “Lày Sắt” - Lê Bẩy là nỗi khiếp sợ đối với phỉ người Hoa. Còn nhân dân khắp tỉnh Hải Ninh (cũ) nay là các huyện một dải từ Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) tôn vinh ông là “Hùm xám miền Đông”.

Trong kháng chiến chống Pháp, thủ lĩnh “Xứ Nùng tự trị” tỉnh Hải Ninh là Voòng A Sáng cũng phải nể trọng Lê Bẩy. Ở miền Đông tỉnh Quảng Ninh này, người dân vẫn truyền tụng nhau câu chuyện thực dân Pháp in ảnh Lê Bẩy dán ở khắp nơi với nội dung: “Ai bắt được Lê Bẩy được thưởng 40.000 đồng Đông Dương, 2 tấn gạo, 1 tấn muối. Nếu giết chết đem đầu đến nộp thì được một nửa”.

Lập tức hôm sau, Lê Bẩy viết thông cáo ký tên mình và dán ngay bên cạnh: “Ai bắt được Voòng A Sáng và đại lý Pháp giao cho quân đội, chính quyền, cần bao nhiêu tiền của cũng cho”.

Trong bản Sơ yếu lý lịch Đảng viên lưu tại Ban Tổ chức Huyện ủy Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Bẩy sinh ngày 12/7/1912, tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh). Tham gia hoạt động cách mạng năm 1940, được kết nạp Đảng chính thức năm 1948 ở chi bộ Tỉnh ủy Hải Ninh.

Hải Ninh là tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Ngay sau khi quân đội phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, chính quyền Cách mạng ở địa phương còn trứng nước thì quân đội Tưởng Giới Thạch đã tràn sang biên giới với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật. Theo sau quân Tưởng là lực lượng “cứu quốc” hải ngoại - Việt Quốc và Việt Cách về nước tranh giành chính quyền với Việt Minh. Đầu tháng 12/1945, tại cuộc họp chung cán bộ 3 huyện Tiên Yên, Bình Liêu và Đình Lập - sau được tách về tỉnh Lạng Sơn - kiến nghị thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh để điều hành công việc chung và nhất trí cử Lê Bẩy làm Chủ tịch đầu tiên.

Thư của Hoa kiều hạt Tiên Yên gửi Hồ Chủ tịch (1946) Ảnh: Tư liệu KMS

Nhờ những chính sách mới của chính quyền cách mạng tỉnh Hải Ninh (tỉnh lỵ đóng tại Tiên Yên) đã duy trì trật tự trị an, giúp cho người dân ổn định đời sống. Trong lá thư của Hoa kiều tại châu Tiên Yên gửi lên Hồ Chủ tịch ngày 7/2/1946 (chúng tôi sưu tầm và công bố) đã nói rõ điều đó:

“Thưa Hồ Chủ tịch,

Hạt Tiên Yên trải bao phen loạn lạc: người làm ruộng cũng như người đi buôn đã phải luôn luôn đình nghiệp; có nhiều người lại phải dời đi nơi khác để kiếm ăn. Sự đau khổ kể sao cho xiết!

Gần đây nhờ Chính phủ cử ông Lê về nhiệm chức chủ tịch địa phương này. Ông Lê đã hết sức duy trì trật tự. Sự yên ổn của địa phương đã được khắc phục. Chúng tôi xiết bao mừng rỡ...”.

"Doanh điền sứ" đắp đê lấn biển

Không chỉ oai trấn một vùng tiễu phỉ - Lê Bẩy còn là một vị Doanh điền sứ lẫy lừng. Ông Kiều Quốc Huy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Nguyễn Tiến Khang, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Yên dẫn tôi đi thực tế dọc “đường Lê Bẩy” ra đến một vùng đầm phá rộng lớn của đê Hà Dong xã Hải Lạng. Cách trung tâm thị trấn Tiên Yên khoảng chừng 15 ki lô mét, đê Hà Dong sừng sững như người anh cả che chắn gió bão, nước mặn và thủy triều cho người dân miền biển xã Hải Lạng.

Tác giả tại tư dinh “Doanh điền sứ” Lê Bẩy

Năm 1961, tuyến đê Hà Dong được khởi công xây dựng hoàn toàn bằng sức người và không có phương tiện kĩ thuật hỗ trợ, do Lê Bẩy trực tiếp chỉ đạo. Một phần lực lượng do Tỉnh ủy Hải Ninh kêu gọi tình nguyện, giúp đỡ từ các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là tỉnh Thái Bình. Trong suốt 5 năm xây dựng đê Hà Dong với chiều dài 5,1 ki lô mét, bắt đầu từ khu vực cống Hà Thụ đến cống Cáy Đản, những người trực tiếp xây dựng đã gặp không ít khó khăn mất mát.

Bà Phạm Thị Son, người quê Thái Bình ngậm ngùi kể lại những tháng ngày vất vả đắp tuyến đê Hà Dong. “Khi chúng tôi đắp đê và sinh hoạt tại đấy bốn bề đều là nước mặn, dùng nước mặn nấu cơm thì không thể chín, tất cả mọi người đều phải ăn cơm sống và làm việc qua ngày”. Họ phải chia nhau từng ngụm nước ngọt lấy tại một cái giếng ở khu Đồi Chè (cách đê Hà Dong chừng 10km đi thuyền) để sinh hoạt. Những ngày nước lên cao không đắp được đê cả một tá thợ ngủ những giấc lênh đênh, để rồi đêm xuống khi nước rút họ lại ồ ạt kéo nhau ra hoàn thành công việc.

Khó khăn là vậy nhưng với sự chỉ dẫn sát sao và vô cùng nghiêm khắc của “Hùm xám” Lê Bẩy đoạn đê tưởng chừng như không thể xây dựng đã hoàn thiện và trở thành một công trình vĩ đại lúc đó. Khi con đê hoàn thành cũng chính là lúc mà người dân được hưởng những lợi ích vô cùng lớn lao: Hơn 800 ha diện tích mặt nước và khoảng 500 ha đồi, sau đó là hàng trăm mẫu đem lại lợi ích to lớn về kinh tế cho vùng.

Không chỉ đem đến lợi ích nhất thời mà tuyến đê còn giữ cho cả một vùng mặt biển của xã Hải Lạng được giữ vững qua nhiều năm. Đê Hà Dong sừng sững che chắn và người dân nơi đây chưa từng mất một tấc đất nào vì biển. Sau bao năm, đê Hà Dong được xây dựng kiên cố, vững chắc hơn. Tuyến đường bê tông rộng thênh thang, những bờ kè bằng đá khối lớn, một sự chắc chắn không thể hơn.

Anh Tạ Văn Bảy, thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, nuôi tôm cạnh con đê Hà Dong được 13 năm. Khi được hỏi về người đã đắp đê, anh nói: “Con đê Hà Dong gắn liền với tên tuổi ông Lê Bẩy, những ai làm đầm ở đây đều biết đến”.

"Đường Lê Bẩy"

Trước năm 1961, người dân ở khu vực Long Tiên (thị trấn Tiên Yên) và khu vực thôn Bình Minh, thôn Thanh Hải (xã Hải Lạng) di chuyển chủ yếu bằng đường bộ băng qua rừng. Ông Nguyễn Tiến Khang kể, đó chỉ là lối đi nhỏ hẹp vừa một người đi nhằm phục vụ cho việc lên nương, đốn củi của một số hộ dân. Cách di chuyển thông thường này mất rất nhiều thời gian và công sức. Với con mắt tinh tường, Lê Bẩy nghĩ đến việc xẻ đồi làm đường giúp cho việc đi lại, vận chuyển được thuận tiện.

Xẻ đồi làm đường là một ý tưởng vô cùng táo bạo chỉ có Lê Bẩy nhìn ra. Năm 1961, Lê Bẩy quyết định mở rộng con đường phục vụ cho ô tô đi lại, vận chuyển vật liệu để hoàn thiện xây dựng tuyến đê Hà Dong. Đó cũng chính là tuyến đường quan trọng giúp vận chuyển thủy sản đánh bắt được từ khu vực đê Hà Dong lên Tiên Yên tiêu thụ. Sau khi tuyến đường được mở ra với chiều dài hơn 4 kilômét, mọi hoạt động buôn bán giao lưu được thúc đẩy mạnh mẽ, ô tô có thể đi lại và nhiều hộ dân đã chọn sinh sống dọc tuyến đường. Khi được hỏi, người dân nơi đây gọi nó như một sự biết ơn: Đường Lê Bẩy.

Lê Bẩy từ “Hùm xám miền Đông” lừng lấy một thời lại mau chóng thành vị Doanh điền sứ như Nguyễn Công Trứ thuở nào đưa người dân Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) khai hoang, lấn biển, lập nên vùng đất trù phú ngày nay.

Qua tư dinh “Doanh điền sứ” Lê Bẩy, chúng tôi được ông Lê Tô – người con trai út của cụ chia sẻ thêm về một số nét đời thường của người cha đã yên nghỉ năm 1990 ở tuổi 79.

Đầu năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Đàm, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kể với người viết bài này: “Chính đồng chí Lê Bẩy là người đã bí mật tham gia đưa đường cho phái đoàn của Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu (cùng các đồng chí Đặng Việt Châu – nguyên Phó Thủ tướng; Dương Đức Hiền – nguyên Bộ trưởng Bộ Thanh niên;…) sang Trung Quốc cuối năm 1944 đầu năm 1945 làm công tác ngoại giao, theo con đường vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông, ra Móng Cái”.

Những năm 1945 - 1946 nhập hai huyện Tiên Yên và Đầm Hà thành huyện Tiên Hà. Trên địa bàn huyện Tiên Hà đã lập đội biệt động để trừng trị những kẻ gây tội ác với cán bộ kháng chiến do Lê Bẩy chỉ đạo.

“Đội quân của Lê Bẩy, Lê Cộng, Lê Hòa uống máu ăn thề tất cả vì dân, vì đất nước được độc lập. Kẻ nào gây tội ác bị nghiêm trị”.

Trung tá Hà Trung Tuấn, cán bộ Trung đoàn 43, Sư đoàn 323, Đặc khu Quảng Ninh

Kiều Khải - Hoàng Tuấn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/qua-tu-dinh-doanh-dien-su-le-bay-o-tien-yen-post234892.html