Quả trứng, hộp sữa, gói mì... đồng loạt tăng giá bán

Cùng với cơn bão giá xăng, gas, nguyên vật liệu... các mặt hàng tiêu dùng từ mì gói, rau xanh, quả trứng, sữa bột cũng đồng loạt tăng giá.

Mì gói, dầu ăn, sữa bột… thi nhau tăng giá

Tại một siêu thị Bách Hóa Xanh trên đường Nguyễn Văn Khối (Gò Vấp, TPHCM), nhân viên cửa hàng đang điều chỉnh lại giá niêm yết của một số loại mì gói, dầu ăn. Theo đó mức giá mới được ghi nhận cao hơn giá bán cũ từ 5-10%, mà nguyên nhân là do nhà sản xuất của các sản phẩm này đã tăng giá sản phẩm.

Đơn cử, một số loại mì Hảo Hảo, Đệ Nhất, Omachi… đã tăng 1.000-2.000 đồng/gói. Với đà tăng này, để níu chân khách hàng, nhân viên siêu thị cho biết, đơn vị phải kích cầu người mua bằng cách, sau 19 giờ hàng ngày với hóa đơn trên 100.000 đồng sẽ tặng 2 kg rau tự chọn.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam thừa nhận, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đến mức doanh nghiệp không thể bù lại được. Chính vì thế, đơn vị này đã tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm từ 1-3, với tỉ lê tăng giá khá nhau tùy theo sản phẩm.

Theo đó mỗi sản phẩm bán lẻ ra thị trường, tùy vào các điểm bán siêu thị hay cửa hàng tạp hóa mà tăng 5%-10% mỗi thùng sản phẩm.

Không chỉ mì gói, giá dầu ăn tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ cũng tăng lên đáng kể, khi dầu ăn Meizan Gold, Cái lân, Orchild tăng 2.000 đồng/lít, dầu Neptune, Simply cũng đồng loạt tăng 2.000 đồng/lít từ ngày 14-3.

Người dân lựa chọn dầu ăn trước cơn bão giá. Ảnh: Thu Hà

Người dân lựa chọn dầu ăn trước cơn bão giá. Ảnh: Thu Hà

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng thừa nhận giá xăng dầu liên tục lập đỉnh khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, khiến họ không thể gồng mình giữ giá.

Theo Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott cho biết, từ 1-3 đơn vị này đã ra thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Mức tăng trong phạm vi 5%.

Theo đó, sữa Pediasure hương vani loại 1,6 kg có giá 1.158.300 đồng/hộp, Abbott Grow Gold 3+ loại 1,7 kg có giá 726.000 đồng/hộp; Similac Neosure IQ loại 850 gram giá 562.000 đồng/hộp; Similac Alimentum Eye-Q loại 400 gram có giá 375.100 đồng/hộp...

Trước đó, ngày 15-2, công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo tăng giá bán lẻ đối với 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi trong phạm vi 5%.

Người bán, người mua… đuối sức vì giá

Chị Hồng Khánh, tiểu thương chợ Thạch Đà (Gò Vấp) đang tính toán lại việc tăng giá bán lẻ rau củ quả, bởi chi phí đi lại đang tăng cao.

“Cứ trung bình hai ngày tôi lại đi lấy rau nhập về và đổ xăng một lần. Cứ mỗi lần đổ là sẽ tốn từ 60.000-80.000 đồng thay vì 40.000-50.000 đồng như trước, kèm với xăng tăng là chi phí hàng hóa nhập vào cũng tăng thêm 10-15%.

Do đó nếu cứ cầm cự giá bán cũ thì không có lời, nên hai ngày nay tôi đã thông báo cho khách, mỗi loại tăng 1.000- 3.000 đồng tùy loại rau vù khu vực nhập, thường rau ở Lâm Đồng, Đắk Lắk sẽ tăng, còn ở khu vực TP.HCM thì vẫn cố gắng giữ giá bán như cũ.

Một quầy rau củ tại chợ tự phát ở quận Gò Vấp vắng khách mua hàng. Ảnh: THU HÀ

Tuy nhiên hiện trứng gà ta thả vườn sạp tôi tăng 3.000 đồng/chục từ 35.000 đồng/chục lên 38.000 đồng/chục, để bù cho chi phí đi lại”- chị Khánh nói.

Cũng theo chị, hiện sức mua giảm khá nhiều và chi phí bỏ ra cho mỗi lần đi chợ cũng giảm, khiến cho nguồn thu của gian hàng chị giảm theo, dù đã tăng giá bán sản phẩm.

“Xăng tăng, gas tăng, thực phẩm tăng, chi phí học của con cũng tăng nhưng thu nhập giảm, khiến tôi như ngồi trên đống lửa”- chị Khánh than thở

Theo khảo sát tại một số chợ thuộc khu vực chợ Gò Vấp, Tân Bình, hiện giá bán lẻ rau củ nhìn chung vẫn không thay đổi nhiều, song sức mua giảm sút mạnh do người dân đang dần bóp chặt chi tiêu.

“Đi làm lương không tăng nhưng chi phí xăng, gas, điện, nước, rác, chi phí sinh hoạt, học phí của con cái thì tăng vùn vụt. Nói không xa, chỉ một quả dừa hôm qua mới mua 10.000 đồng thì sáng nay được báo đã lên 11.000 đồng/quả. Một chục trứng vịt tuần trước mua với giá 30.000 đồng/chục thì sáng nay đã được thông báo tăng lên 33.000 đồng/chục.

"Cơ quan chức năng giảm thuế VAT xuống còn 8% để kích cầu mua sắm cho người dân, nhưng hàng hóa lại cứ ngày một tăng, khiến cho việc giảm thuế dường như không thấm thoát vào đâu trước mỗi hóa đơn mua hàng của chúng tôi”- chị Thu Quyên, người dân sống tại phường 9, Gò Vấp chia sẻ.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/qua-trung-hop-sua-goi-mi-dong-loat-tang-gia-ban-1048514.html