Quá trình đổi mới công tác dân tộc ở nước ta hiện nay

Công tác dân tộc luôn có vị trí quan trọng trong nhiệm vụ cách mạng nước ta qua các giai đoạn lịch sử. Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, công tác vận động cách mạng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, công tác dân tộc giữ vị trí hàng đầu trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Đến thời kỳ đổi mới, công tác dân tộc hướng vào việc phát triển kinh tế - xã hội mà trọng tâm là miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.
ẢNH: QUANG VINH

Về thực chất nội dung của công tác dân tộc là giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội bằng các chính sách dân tộc bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Gắn liền với tiến trình đổi mới đất nước, công tác dân tộc có quá trình đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động.

1. Xác định địa bàn, đối tượng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc được xem như công việc khởi đầu của đổi mới công tác dân tộc. Để hoạch định các công tác dân tộc phù hợp đặc điểm, đặc thù của mỗi vùng miền, của từng đối tượng cụ thể, đã phân định địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số theo điều kiện địa lý tự nhiên gồm 21 tỉnh miền núi (trong đó có 10 tỉnh vùng cao) 23 tỉnh có miền núi (trung du) và 12 tỉnh đồng bằng có dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng.

Tiếp theo, để có cơ sở xây dựng các chính sách dân tộc cụ thể đã phân chia vùng dân tộc thiểu số thành 3 khu vực theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội (công bố năm 1997, khu vực I - Bước đầu phát triển có 930 xã, khu vực II - Bước đầu ổn định có 1.855 xã, khu vực III - Đặc biệt khó khăn có 1.715 xã). Khu vực III là địa bàn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Chọn địa bàn đặc biệt khó khăn - vùng nghèo nhất nước để tập trung hỗ trợ theo chương trình mục tiêu thay thế cách làm theo lộ trình “Nơi dễ làm trước, tiến dần đến vùng khó khăn hơn” là sự đổi mới căn bản của công tác dân tộc, góp phần to lớn hạn chế “dãn ra” khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội. Đối với một số dân tộc thiểu số rất ít người (14 dân tộc dưới 1 vạn người, trong đó 5 dân tộc dưới 1 nghìn người mỗi dân tộc) thực hiện bằng các dự án hỗ trợ trực tiếp giúp họ cải thiện đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, ngôn ngữ và ý thức tự giác tộc người theo tiêu chí thành phần dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc nước ta. Đến nay các nội dung trên được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

2. Thực hiện công cuộc “xóa đói giảm nghèo” vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc đi từ “xóa được đói giảm được nghèo” đến “giảm nghèo bền vững, đa chiều” là quá trình từ đặc biệt khó khăn đến ổn định tiến đến phát triển. Tính đến đầu năm 2022, cả nước đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn bản ra khỏi trình trạng đặc biệt khó khăn và có 1.052 xã, 27 huyện (22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới. Giảm nghèo không chỉ là giải quyết nhu cầu thiết yếu “cơm ăn, áo mặc” hay “điện đường trường trạm” mà cả thụ hưởng của người dân về tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, học hành và các dịch vụ xã hội… Thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo, không một ai bị bỏ lại phía sau” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng các giải pháp, cả trước mắt và lâu dài. Nhiều nơi vùng dân tộc thiểu số và miền núi có các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại… không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà đã làm giàu theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với kinh tế xanh thân thiện với môi trường, giữ gìn và phát triển rừng, góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu trong nước, khu vực và toàn cầu. Nhiệm vụ đặt ra trên đây là mục tiêu thống nhất của công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện.

3. Công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do đó, đổi mới công tác dân tộc về quản lý nhà nước đồng thời với đổi mới các hoạt động tuyên truyền, vận động, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc của các cơ quan tổ chức đoàn thể xã hội. Cùng mục tiêu chung: “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” song cách tiếp cận vấn đề và phương thức thực hiện có khác nhau: Để hoạch định một công tác dân tộc cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước trước hết xem xét đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành có vấn đề gì bất cập cần điều chỉnh không? Cân đối ngân sách và tính toán khả năng huy động các nguồn lực bảo đảm tính khả thi của chính sách, phân công, phân quyền phân cấp tổ chức thực hiện chính sách đó. Các tổ chức xã hội tiếp cận từ góc độ xem xét việc thực thi chính sách đồng bào được hưởng lợi thế nào? Các thủ tục triển khai được chính sách và cuộc sống có hay không những khó khăn, phức tạp gây phiền hà cho người dân - đối tượng thụ hưởng chính sách. Tăng cường, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện công tác dân tộc. Hoàn thiện hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu lực hiệu quả tổ chức bộ máy đồng thời đổi mới công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc và công tác dân tộc trên cơ sở nguyên tắc: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022.
ẢNH: TRẦN HUẤN

4. Đồng thời với quá trình đổi mới công tác dân tộc là diễn tiến của chủ nghĩa dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta theo hướng: Phát huy mặt tích cực của chủ nghĩa dân tộc (với những biểu hiện đặc trưng là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, là ý thức gìn giữ bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống và khát vọng của quốc gia dân tộc muốn vươn lên sánh vai với cường quốc năm châu), ngăn chặn và hạn chế các tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc (dân tộc cực đoan, ly khai dân tộc, xung đột sắc tộc, bản vị cục bộ, hẹp hòi tự mãn, xu hướng bài ngoại, bảo hộ mậu dịch). Nội dung đổi mới công tác dân tộc đã đặt ra yêu cầu phải động viên khuyến khích, khơi dậy truyền thống yêu nước của con người Việt Nam, mà đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh chống ngoại xâm, dựng nước và giữ nước. Ngày nay, lòng yêu nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, kinh tế thị trường là nêu cao tính tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”, ý thức hướng nội “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng không sa vào khuynh hướng bảo hộ thương mại. Ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc: Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng phát huy thế mạnh, nội lực tại chỗ, xã hội hóa các nguồn lực, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người dân, tránh tư tưởng tự ti, an phận, trông chờ ỷ lại; kiên quyết chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi, nghiêm trị mọi âm mưu hành động chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác dân tộc là cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc tác động trực tiếp đến quan hệ các dân tộc trong nước và quan hệ với các quốc gia dân tộc trên thế giới. Về mục tiêu, công tác dân tộc không có gì khác là khai thác mọi tiềm năng đất nước để phục vụ Nhân dân, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, giải phóng đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, thực hiện: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong cộng đồng đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Bế Trường Thành - Tiến sĩ, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc,

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/qua-trinh-doi-moi-cong-tac-dan-toc-o-nuoc-ta-hien-nay-51399.html