Quá trình chuyển đổi dân sự ở Ma-li

Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đã quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt đối với Ma-li. Cộng đồng quốc tế kêu gọi quốc gia Tây Phi thực thi quá trình chuyển đổi dân sự, theo đó sớm tổ chức bầu cử để tránh tình hình bất ổn lan rộng ra khu vực.

Đại diện ECOWAS và các quan chức Ma-li đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.Ảnh AP

Đại diện ECOWAS và các quan chức Ma-li đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.Ảnh AP

Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đã quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt đối với Ma-li. Cộng đồng quốc tế kêu gọi quốc gia Tây Phi thực thi quá trình chuyển đổi dân sự, theo đó sớm tổ chức bầu cử để tránh tình hình bất ổn lan rộng ra khu vực.

Cuộc binh biến lật đổ tổng thống và chính phủ đẩy Ma-li vào tình trạng rối ren và khiến nước này đứng trước nguy cơ bị cô lập. Chính quyền quân sự tại Ma-li đã ra sắc lệnh bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng quân đội mới cùng một số vị trí quan trọng trong quân đội và các lực lượng an ninh. Tổng thống bị lật đổ I.Cây-ta, người trong thể trạng sức khỏe yếu, được phép rời khỏi đất nước để chăm sóc y tế nếu cần thiết.

Các tổ chức khu vực và thế giới cùng nhiều nước đã lên án cuộc binh biến tại Ma-li và yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ. Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) ở Ma-li đã đề xuất thời hạn chuyển tiếp dân sự kéo dài từ 18 đến 24 tháng, đồng thời đề nghị thành lập các cơ quan chuyển tiếp do dân sự lãnh đạo và một ủy ban giám sát hỗn hợp với đa số đại diện là dân sự chịu trách nhiệm theo dõi cải cách quy trình bầu cử. B.Đo, một Đại tá nghỉ hưu đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Ma-li và Đại tá A.Goi-ta cũng đã tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống lâm thời. Chính quyền quân sự ở Ma-li cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp hoạt động trong vòng 18 tháng để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự. Tổng thống lâm thời B.Đo đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Ngoại giao M.U-an làm Thủ tướng lâm thời Ma-li, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình chuyển tiếp.

Việc thành lập chính phủ lâm thời ở Ma-li đã khiến Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) gỡ bỏ trừng phạt Ma-li. Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ và Trưởng Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Ma-li (MINUSMA) X.An-na-đíp trước đó đã bày tỏ ủng hộ ECOWAS về đề xuất giúp Ma-li nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Tại một cuộc họp trực tuyến, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 2541, theo đó gia hạn các biện pháp trừng phạt ở Ma-li đến ngày 31-8-2021, bao gồm áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của các cá nhân gây cản trở tiến trình thực thi Hiệp định Hòa bình và hòa giải ở Ma-li.

Cuộc đảo chính đã gây ra làn sóng chấn động các nước láng giềng của Ma-li, cũng như tâm lý lo ngại về nguy cơ rơi vào hỗn loạn tại một trong những quốc gia bất ổn nhất khu vực. ECOWAS nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung duy trì quan điểm cứng rắn đối với Ma-li do lo ngại bất ổn kéo dài có thể làm suy yếu cuộc chiến chống các phiến quân Hồi giáo cực đoan tại Ma-li cũng như khu vực Xa-hen. Tổng thống Ni-giê M.I-xu-phu, với vai trò Chủ tịch luân phiên của ECOWAS, nhấn mạnh, chủ nghĩa nổi dậy là một căn bệnh trầm kha và chỉ có một phương thuốc duy nhất là trừng phạt mới có thể chữa trị được bệnh này. HĐBA cũng quyết định gia hạn nhiệm vụ của nhóm chuyên gia về vấn đề Ma-li đến ngày 30-9-2021, đồng thời kêu gọi MINUSMA hỗ trợ nhóm chuyên gia. Ngay sau cuộc binh biến, ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên, đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại và ngăn chặn các dòng tài chính từ các nước trong khối đến Ma-li. Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính tại Ma-li, trong khi Mỹ đã đình chỉ viện trợ quân sự, bao gồm không đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng quân sự tại nước này.

Diễn biến tình hình ở Ma-li gây lo ngại đẩy quốc gia Tây Phi này vào bất ổn kéo dài. Mặc dù việc thành lập chính phủ lâm thời ở Ma-li được coi là một bước tiến trong giai đoạn chuyển tiếp, song cộng đồng quốc tế kêu gọi các phe phái ở Ma-li đàm phán để nhanh chóng chuyển đổi sang chính quyền dân sự và đưa đất nước trở lại với trật tự Hiến pháp. Chỉ có như vậy mới giúp Ma-li tiếp tục các nỗ lực ổn định trật tự, chống khủng bố và phục hồi nền kinh tế.

Thanh Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/qua-trinh-chuyen-doi-dan-su-o-ma-li--628411/