Quá trình bán Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Hà Nội: Nhiều sai phạm

Xác định giá khởi điểm bán doanh nghiệp không đúng. Xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất trong hồ sơ bán doanh nghiệp thiếu cơ sở. Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời... Đó là tình trạng xảy ra trong quá trình bán Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Hà Nội (Công ty Agrexport Hà Nội).

Trụ sở Công ty Agrexport Hà Nội.

Xác định giá bán không đúng

Thực hiện chủ trương bán doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 636/QĐ-TTg ngày 13/5/2015, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban đổi mới và phát triển Công ty Agrexport Hà Nội để bán doanh nghiệp. Sau 966 lần phát giá, trả giá, kết quả một cá nhân ở Hà Nội đã trúng đấu giá với giá là 245 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào cuộc thanh tra việc mua bán Công ty Agrexport Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình bán doanh nghiệp này.

Cụ thể, TTCP cho rằng, theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Công ty Agrexport Hà Nội chưa hoàn tất thủ tục chuyển diện tích 24.690 m2 đất được Nhà nước giao sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và chưa hoàn tất thủ tục về đất đai đối với diện tích đất công ty mua, nhận chuyển nhượng là 348 m2.

Mặt khác, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp và đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (30/6/2015), Công ty Agrexport Hà Nội không hoàn tất thủ tục chuyển sang thuê đất và hoàn tất thủ tục về nhà, đất đã mua, nhận chuyển nhượng theo quy định, để báo cáo Bộ NN&PTNT và cơ quan quản lý nhà đất của TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang. Đối với diện tích đất nêu trên, chưa xác định được giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, từ đó xác định giá khởi điểm bán doanh nghiệp không chính xác.

Theo TTCP, Bộ NN&PTNT chỉ đạo xác định giá trị Công ty Agrexport Hà Nội và phê duyệt giá trị doanh nghiệp để bán trong khi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của Công ty Agrexport Hà Nội theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được UBND TP Hải Phòng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bắc Giang thống nhất và Bộ Tài chính chấp thuận. Vì vậy, việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty Agrexport Hà Nội trong hồ sơ bán doanh nghiệp là thiếu cơ sở.

Trong việc xác định giá trị nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, qua kiểm tra phát hiện có 12/34 hạng mục tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc tại Chi nhánh Hải Phòng, Bắc Giang, xí nghiệp Vĩnh Hòa - Bình Dương, Công ty tư vấn áp dụng suất đầu tư để xác định nguyên giá tài sản cố định chưa phù hợp cho từng loại công trình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, làm giảm nguyên giá tài sản cố định là 7 tỷ 595 triệu đồng, giảm giá trị còn lại của tài sản là 2 tỷ 395 triệu đồng, dẫn đến giá trị doanh nghiệp giảm 2 tỷ 395 triệu đồng. Từ đó, xác định giá khởi điểm bán doanh nghiệp không đúng.

Ngoài ra, năm 2002, chi nhánh Hải Phòng sử dụng 800 m2 đất được nhà nước giao sử dụng lâu dài và nhà kho xây dựng trên đất này, để liên kết với Trường trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh để mở trường dạy học văn hóa, vi phạm Luật Đất đai năm 1998 và năm 2013. Theo quy định của hợp đồng khi hết thời gian liên kết (tháng 8/2022), Trường trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh bàn giao lại toàn bộ kiến trúc xây dựng trên đất cho chi nhánh Hải Phòng và không được hưởng một khoản chi phí nào. Tuy nhiên, khi xác định giá trị Công ty Agrexport Hà Nội để bán thì tài sản này chưa được xác định vào giá trị doanh nghiệp và cũng chưa có biện pháp xử lý trong phương án bán doanh nghiệp “Nếu không được phát hiện xử lý kịp thời, có thể gây thất thoát tài sản của nhà nước”, TTCP nêu rõ.

Theo TTCP, Công ty tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp đã tính trùng tài sản tại nhà máy Bắc Giang làm tăng không đúng giá trị tài sản doanh nghiệp. Mặt khác, việc áp dụng không đúng tỷ giá quy đổi khoản vốn góp liên doanh và các khoản tiền gửi là ngoại tệ làm cho vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng không đúng, dẫn đến kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tăng không đúng, khiến việc xác định giá khởi điểm bán doanh nghiệp không đúng.

Đề nghị xử lý trách nhiệm nhiều đơn vị liên quan

TTCP cũng phát hiện, Công ty Agrexport Hà Nội có một số khoản công nợ không có biên bản đối chiếu công nợ với số tiền là 1 tỷ 703 triệu đồng. Khoản công nợ thiếu hợp đồng, không có biên bản đối chiếu công nợ... chỉ có cam kết trả nợ của cá nhân hoặc chứng từ phát sinh nợ với số tiền là 643 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Agrexport Hà Nội chưa xử lý các khoản công nợ trên theo quy định, dẫn đến chưa phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 30/6/2015. Từ đó, xác định giá khởi điểm bán doanh nghiệp không đúng.

Việc xác định giá trị công ty, xác định giá khởi điểm bán doanh nghiệp không chính xác, không đầy đủ, có một số vi phạm, khuyết điểm như trên, có nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Qua 966 lần phát giá, trả giá, ông Nguyễn Quý Thịnh (trú tại Hà Nội) trúng đấu giá với giá 245 tỷ đồng. Việc Bộ NN&PTNT phê duyệt quy chế bán đấu giá Công ty Agrexport Hà Nội quy định người tham gia đấu giá phải ký quỹ 69 tỷ 595 triệu đồng để trả nợ vay và nợ ngân sách trong khi pháp luật không quy định nội dung này, đã có ảnh hưởng nhất định đến số người tham gia đấu giá mua doanh nghiệp.

Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Công ty Agrexport Hà Nội và Công ty Agrexport Hà Nội phải chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các cá nhân, đơn vị đã có thiếu sót, vi phạm. Đối với UBND các tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương, theo thẩm quyền, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan đến thiếu sót, vi phạm.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/qua-trinh-ban-cong-ty-tnhh-mtv-xuat-nhap-khau-nong-san-thuc-pham-ha-noi-nhieu-sai-pham-tintuc422448