Quà tết

Có lẽ không ai không nhớ về tuổi thơ của mình khi Tết đến. Nỗi náo nức đợi chờ, hân hoan mừng rỡ đón ngày đầu năm mới để sung sướng được nhận quà mừng tuổi từ bố mẹ, ông bà: những tấm áo mới, những tờ bạc lẻ còn thơm mùi giấy, những đồng tiền xu mới cong sáng loáng... Và hình như người lớn cũng nô nức không kém vì rằng Tết đến xuân về là thời điểm để thư giãn sau một năm đầu tắt mặt tối, để cùng nhau tề tựu trong không khí ấm cúng và chan hòa tình cảm, tạm quên đi những lo toan, vất vả đời thường. Người ta bày tỏ sự quan tâm, hỏi han, kể lể về những công việc của năm cũ, cùng nhau chúc tụng cho một năm mới với nhiều may mắn.

Người ta mang đến tặng nhau những món quà tình nghĩa, đấy là một tấm hoành phi, một đôi câu đối dâng lên tổ tiên, một hộp mứt, một chai rượu, một gói trà... để biểu hiện tình cảm cùng nhau. Việc tặng quà ngày Tết là nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam sâu nặng nghĩa tình. Chuyện tặng quà ngày Tết đến giờ vẫn là mỹ tục dẫu rằng cuộc sống đã có nhiều thay đổi, xã hội có nhiều vật chất hơn xưa khiến tâm tính con người cũng khác. Những vật phẩm đem đi biếu tặng trong ngày Tết cũng mang thêm nhiều ý nghĩa, nhưng suy cho cùng thì cũng là chuyện đã có từ lâu. Trong bài “Mơ thấy hái sen”, một bài thơ rất lạ của Nguyễn Du chẳng phải đã có đoạn: Tây Hồ hái hái sen/Hoa gương chất lên thuyền/Hoa tặng người mình sợ/Gương tặng người mình thương…đó sao?

Tết đến, vợ chồng tôi cũng xắm nắm chuẩn bị quà, chỉ có điều không phải để tặng người mình sợ mà chỉ để tặng người mình thương thôi. Ngặt một nỗi cũng không phải dư dả gì nên việc tặng quà cũng phải đắn đo. Những thức quý hiếm, đắt tiền thì mình không sắm nổi, muốn tặng bạn bầu những gì do chính bàn tay mình làm ra cũng không biết chọn thứ gì, mấy bài viết đã in trên các báo cũng chưa có tiền mà in thành sách. Thôi thì mọi chuyện lại nhờ vào bàn tay tần tảo của vợ, chẳng cứ gì thân cư thê, ai mà chẳng sang vì vợ! Nhà tôi vốn khéo tay nấu nướng, những lần về quê chồng trong dịp Tết đều được đãi món thịt bò rim, được ăn rồi nhớ, rồi hỏi cách nấu nướng! Ra Hà Nội, Tết nào cũng nhớ đến món đặc sản quê hương, từ giữa tháng Chạp đã đến những cửa hàng quen biết mà đặt mua nguyên liệu. Thịt bò nguyên liệu cho món bò rim là bắp hoa, đặc biệt là một loại bắp có hình như lưỡi thuổng. Những nguyên liệu đó được để nguyên, mỗi miếng từ nửa cân, bảy tám lạng, có miếng một cân được đem ướp với nước gừng, sả, hạt tiêu đập dập, nước mắm ngon và mật mía trong vài giờ đồng hồ sau đó đem đun nhỏ lửa. Chất lỏng từ trong thịt tươi và các phụ liệu được nấu sẽ làm chín món ăn mà không cần cho thêm nước. Cách nấu theo cách đó trong quê tôi gọi là “rim”. Thịt được rim trong nhiều giờ, cho đến khi cạn là được. Bò rim để nguội có mầu nâu thẫm, đem thái ngang thớ thành từng lát mỏng. Những sợi gân nhỏ trong bắp bò khi được thái ngang sẽ trở thành các hoa văn có màu nâu nhạt, trong suốt nổi bật trên màu thịt bò nâu sậm làm cho miếng thịt trông rất đẹp. Mùi vị của món ăn thì thật tuyệt vời, có mùi thơm của thịt bò nguyên liệu ngọt đậm đà kết hợp với nước mắm và mật mía, thơm cay nồng nàn của gừng và hạt tiêu... Đây là món ăn rất hợp với bánh chưng ngày Tết và là thức đưa cay hảo hạng trong những ngày rét ngọt mùa đông.

Tuy nhiên, thịt bò rim “phiên bản Hà Nội” có ít nhiều thay đổi so với nguyên bản Hà Tĩnh. Theo khẩu vị các thực khách, bà chủ nhà đã giảm ngọt cho món đặc sản quê chồng và để lát thịt có màu sáng hơn mà không có vị chua, đã thay mật mía bằng mật ong. Những lát thịt khổ rộng, thái mỏng bằng dao sắc óng mượt lại được thêu hoa, có mùi thơm vừa nồng nàn vừa ngọt ngào thật sự hấp dẫn.

Món “fast food dân tộc” này được sử dụng rất tiện lợi trong ba ngày Tết. Có khách, nhà tôi thường thái một đĩa bò rim, bày ra bàn cùng với bánh kẹo, hoa quả, rồi rót rượu, sau mấy phút là đã có thể nâng ly: “Chúc mừng năm mới!”.

Ngoài rượu nếp truyền thống, bò rim còn có thể cặp đôi rất ăn ý với các loại vang đỏ hoặc whisky. Tôi vẫn đùa, hình như đã có các dấu hiệu quốc tế hóa trong những ngày lễ, Tết! Chắc sẽ có người hỏi thế trong những lúc một nửa của mình chuẩn bị quà Tết thì tác giả bài viết có tham gia công đoạn nào không? Có chứ, tôi thường đi ra, đi vào góp vài ba câu chuyện hay bình luận nỉ non về mùi vị thức ăn trong quá trình chế biến. Với lại, khi món đặc sản quê nhà hoàn tất mới đến phần tôi phụ trách: Đem quà tết tặng bạn bầu thân thiết. Còn gì vui hơn có chút quà quê đem đến nhà bạn trong ngày giáp Tết, của ít lòng nhiều, gọi là nhớ đến nhau sau một năm cùng vui buồn chia sẻ! Lúc bạn nhận chút quà Tết cũng là lúc lòng mình ấm áp một cảm giác hạnh phúc, biết ơn và hy vọng ân tình. Thế nên, khi đến tay bắt mặt mừng, khi về lưu luyến, bạn thường gửi theo chút quà. Vì thế, không mấy khi được về tay không mà thường là phải tay xách nách mang nhiều thứ, khi thì túi mì Chũ, gói chè lam, khi thì phong bánh cáy, lọ tôm chua, chai nước mắm... Ai mà chẳng có quê, của một đồng, công một nén, thật quý hóa biết bao. Năm hết, thiên nhiên cũng như tĩnh lại trong ba ngày Tết, cả đến hạt mưa chút nắng cũng nhẹ nhàng mỏng mảnh hơn. Ta ngồi ngẫm nghĩ về những gì đã trôi đi và những gì còn đọng lại. Trong ngày Tết, tôi vẫn thường đem khoe và mời khách thăm nhà nếm thử những vật phẩm được bạn bè cho như cách chia lộc, chia sẻ những thơm thảo mà cuộc đời ban tặng...

Nghiêm Huyền Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/qua-tet-115331.html